SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
4
9
7
5
7
Bản tin quận 14 Tháng Mười Hai 2020 7:35:00 SA

Quân đội nhân dân Việt Nam – Những mốc son lịch sử

 

Từ ngày thành lập, quân đội ta đã cùng với toàn dân lập nên những chiến công xuất sắc trên mọi trận tuyến và trước mọi kẻ thù, làm rạng rỡ non sông đất nước Việt Nam. Những chiến công đó mãi mãi là dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta.

- Theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay, được thành lập tại Cao Bằng vào hồi 17 giờ ngày 22-12-1944. Ngày 25 và 27-12-1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã diệt đồn Phay Khắt và đồn Nà Ngần, lập công đầu gây tiếng vang lớn trong cả nước.

- Tháng 10-1947, thực dân Pháp huy động khoảng 1,2 vạn quân, có  máy bay, xe cơ giới, pháo binh thủy quân phối hợp tràn lên chiến khu Việt Bắc, hòng tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá hoại căn cứ địa kháng chiến. Quân đội ta đã đánh bại cuộc tấn công của địch, tiêu diệt hơn 6.000 tên, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm một tàu chiến, phá hủy 100 khẩu pháo, cối, hàng trăm xe quân sự...

Tháng 6-1950, ta chủ động mở chiến dịch Biên Giới, loại khỏi vòng chiến đấu 8.000 tên, phá vỡ hệ thống phòng ngự đường số 4 của địch, giải phóng một vùng rộng lớn trên biên giới Việt - Trung, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc.

- Ngày 7-5-1954, sau 55 ngày đêm, trải qua ba đợt chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt hơn 16.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, bắn hỏng 4 xe tăng, thu 30 trọng pháo, 6 xe tăng cùng toàn bộ vũ khí, đạn, quân trang, quân dụng, đập tan cố gắng chiến tranh cao nhất của Pháp và Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, lập lại hòa bình ở Việt Nam, một nửa nước được giải phóng.

- Ngày 19-5-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định và trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập tuyến vận tải quân sự chiến lược để chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Đường Hồ Chí Minh ra đời với nhiều trục đường chạy dọc đông, tây Trường Sơn có chiều dài hàng vạn km, đã vận chuyển được hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men và đồ dùng quân sự khác, bảo đảm yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Bộ đội Trường Sơn đã bắn cháy 2.450 máy bay Mỹ, diệt 16.900 tên địch, phá hủy hơn 100 xe quân sự. Đường Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Đầu năm 1964, đế quốc Mỹ ráo riết triển khai kế hoạch mang tên 34A phá hoại miền Bắc hòng cứu vãn thất bại ở chiến trường miền Nam. Đêm 30, rạng sáng 31-7-1964, tàu khu trục Ma-đốc của hải quân Mỹ vượt vĩ tuyến 17 vào vùng biển Vĩnh Linh - Quảng Bình. Trưa ngày 2-8-1964, tàu Ma-đốc đã tiến sâu vào vùng biển của ta giữa Hòn Mê và Lạch Trường (Thanh Hóa). Sau một giờ chiến đấu, giữa một bên là tàu khu trục và các máy bay hiện đại của Mỹ, một bên là hải quân của ta. Các chiến sĩ thuộc Phân đội 3, Đoàn 135 đã bắn rơi một máy bay, bắn bị thương một chiếc khác và đánh đuổi tàu khu trục Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", lấy cớ sử dụng không quân tập kích bất ngờ vào các căn cứ hải quân của ta. Trong trận đầu thử lửa, Hải quân ta đã chiến đấu rất anh dũng, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương 3 chiếc và bắt sống một phi công.

- Tháng 12-1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định mở cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 được Hội nghị Trung ương 14 (1-1968) nhất trí thông qua. Từ 30-1 đến 31-3-1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã diễn ra ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn miền Nam. Quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã khoảng 147.000 tên địch, trong đó có 43.000 tên Mỹ, phá hủy 43 % vật tư dự trử chiến tranh của Mỹ ở miền Nam. Đây là đòn quyết định làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải "xuống thang chiến tranh", tạo bước ngoặt, mở đầu thời kỳ đi xuống về chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

- Từ ngày 18 đến 29-12-1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác trên Miền Bắc nước ta. Trong chiến dịch này, Mỹ đã sử dụng: 193 máy bay B52, 455 máy bay chiến đấu chiến thuật, 210 máy bay chiến đấu hải quân. Trong 12 ngày đêm, chúng đã huy động trên 729 lần chiếc B52, 1.900 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném tất cả 10 vạn tấn bom với sức công phá bằng 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hirosima, Nhật Bản, năm 1945. Các lực lượng vũ trang của ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó 34 B52, 5 F11 (1). Ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ R.Nich-xơn buộc phải ra lệnh ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và trở lại bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri.

- Mùa Xuân năm 1975, ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mở đầu là chiến dich Tây Nguyên từ ngày 4 đến 24-3-1975. Tiếp đến là chiến dịch Huế - Đà Nẵng từ 21 đến 29-3-1975. Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị quyết tâm chiến lược: giải phóng miền Nam trước mùa mưa (5-1975). Từ ngày 26 đến 30-4-1975, quân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tổng công kích giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đồng bằng sông Cửu Long và toàn bộ vùng đất, vùng biển, các đảo của Tổ quốc.

11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên tòa nhà chính của dinh tổng thống ngụy, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ một trung đội khi mới ra đời đến đại thắng mùa Xuân năm 1975 kết thúc 30 năm chiến tranh chống đế quốc xâm lược, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã trở thành một đội quân cách mạng chính quy - lực lượng nòng cốt của chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc độc lập, tự do của Tổ quốc và công cuộc xây dựng nước nhà trong một thời kỳ lịch sử mới của đất nước.

 

(1) Báo Nhân Dân, số 17311, ngày 14-12-2002 và số 17678, ngày 21-                    12-2003.


Số lượt người xem: 412    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm