SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
6
6
7
7
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 21 Tháng Chín 2020 9:50:00 SA

Thành công nhờ một chữ tâm

 

Từ ám ảnh của tuổi thơ đến con đường hoạt động cách mạng

Những năm cuối thập niên 50 thế kỷ XX...

Nhà cô bé Lưu Kim Hoa gần ngay chợ Đức Hòa, cứ đêm nghe tiếng pháo là sáng ra có xác người được đưa về chợ. Cảnh tượng đau thương đó khiến cô bé mới 10 tuổi đã thấy băn khoăn: sao sự sống bị cướp đi một cách dễ dàng như vậy?! Và nỗi ám ảnh về tiếng pháo đêm đêm, về những cái chết tức tưởi như vô tình, cảnh gia đình ly tán,... chính là hiện thực của chiến tranh. Có lẽ từ đây, ý thức phản kháng cũng bắt đầu lớn dần trong cô...

15 tuổi (năm 1962) Hoa thoát ly gia đình lên Sài Gòn xin vào làm công nhân ở Hãng Vimytex, một hãng dệt lớn ở miền Nam khi đó, chủ là giới tư bản Đài Loan và tư bản người Hoa ở Sài Gòn. Lúc bấy giờ, công nhân hãng dệt đang đấu tranh chống lại giới chủ áp bức, bóc lột và vô cớ sa thải công nhân. Phong trào đấu tranh ở hãng dệt thu hút đông đảo công nhân người Hoa tham gia đấu tranh. Khi đó có Chi bộ Đảng (gồm 7 đồng chí, trong cấp ủy có 3 đồng chí: Trần Khai Nguyên-Bí thư; Hà Tăng và Nhan Còn) do Ban cán sự Công vận người Hoa trực tiếp chỉ đạo. Cô bé Lưu Kim Hoa vừa bước vào đời, tự lập, đã may mắn tiếp xúc được với những công nhân-Đảng viên khí tiết, đầy lý tưởng cách mạng. Nhờ đó, cô gái Lưu Kim Hoa đã được khai sáng nhận thức về giai cấp, về lẽ phải, sự công bằng.

Thời gian này, hãng dệt có nhiều đợt đấu tranh quyết liệt với giới chủ. Để đàn áp phong trào, giới chủ liên kết với chính quyền, cảnh sát dùng vũ lực bắt bớ công nhân và vận động nhiều gia đình không cho con em tham gia đấu tranh. Thấy lực lượng bị mỏng đi, cô gái trẻ Lưu Kim Hoa (lúc đó là ủy viên Ban chấp hành Phân bộ Nghiệp đoàn dệt - người nhỏ tuổi nhất cùng với Lương Khai, Huỳnh Thu Lan và đảng viên Dư Huệ Liên) đứng lên vận động anh chị em công nhân đoàn kết, kiên trì đấu tranh vì quyền lợi chung của công nhân hãng dệt. Những lý lẽ chân tình, thái độ kiên định, quyết liệt của cô gái trẻ đã tác động mạnh đến nhiều công nhân khi đó. Trong cuộc chiến không cân sức giữa giới chủ và công nhân, nhiều đợt chính quyền tiếp tay giới chủ bắt đi một số công nhân cốt cán của phong trào. Lưu Kim Hoa có tên trong số công nhân “được” tên Quận trưởng quận Thủ Đức mời lên “làm việc”. Hoa chẳng hề nao núng mà còn chủ động đề nghị chị Dư Huệ Liên bàn bạc với anh chị em để có cách ứng phó trả lời thống nhất... Những thử thách cam go trong cuộc tranh đấu đã trui rèn bản lĩnh chính trị cho cô gái trẻ.

Cuộc đấu tranh của công nhân hãng dệt Vimytex diễn ra công khai, trực diện với giới chủ và ngày càng quyết liệt. Công nhân người Việt, Hoa các hãng, xưởng, nghiệp đoàn có lúc kéo qua hãng dệt Vimytex ở Thủ Đức biểu thị sự đồng tình với cuộc đấu tranh của công nhân Vimytex, siết chặt hàng ngũ cùng nhau tạo sức ép với giới chủ và chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, nhiều lần chính quyền đàn áp, đánh đập công nhân, dùng cả vòi rồng xe chữa cháy có chất độc gây ngạt thở để giải tán đám đông biểu tình. Bất bình với chính quyền Sài Gòn, dư luận báo giới, học sinh, sinh viên, trí thức, tiểu thương,... ủng hộ công nhân Vimytex kéo nhau xuống đường tuần hành, đòi hòa bình, dân chủ, dân sinh. Chủ hãng dệt Vimytex buộc phải nhượng bộ, đăng báo chính thức thu nhận lại toàn bộ công nhân bị sa thải, trong đó có một số người bị chính quyền Sài Gòn bắt giam và giải quyết các yêu cầu của công nhân về quyền dân sinh.

Đó là nét son rạng rỡ trong truyền thống đấu tranh cách mạng của đồng bào người Hoa tại Sài Gòn - Chợ Lớn và Nam bộ. Cô Lưu Kim Hoa là một chứng nhân, một phần tử cốt cán trong cuộc đấu tranh bền bỉ và thắng lợi đó. Cuối năm 1964, cô Hoa được rút về Khu để học tập, bồi dưỡng chính trị. Năm 1965, cô được điều về cơ quan Tuyên huấn thuộc Ban Hoa vận T4 làm công tác báo chí. Báo Công nhân của Hoa vận T4 in phát hành số đầu tiên vào ngày 01/5/1965 có sự tham gia trực tiếp của cô Lưu Kim Hoa. Và cũng trong năm này, Lưu Kim Hoa được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi tròn 18 tuổi.

Nhà in khi đó là nhà của gia đình đồng chí Trần Khai Nguyên đang ở (số 81 đường Gò Công P.13, quận 5), bề ngoài là một cơ sở sản xuất nút đồng - phụ kiện tấm bạt xe xích lô. Đó là tờ Công nhân, tờ báo đầu tiên bằng Hoa ngữ đưa nhiều thông tin về chủ trương chính sách, phong trào hoạt động cách mạng ở các nơi. Báo làm bằng loại giấy quyến, dai, mỏng và hút mực. Do hoàn cảnh hoạt động bí mật, báo không phát hành thường xuyên mà phát hành tùy chủ trương, tình hình và thông tin tập hợp được, mỗi kỳ phát hành được hàng ngàn bảng.

Máy in khi đó còn thô sơ, mọi thứ đều làm thủ công. Do yêu cầu nhiệm vụ, Hoa làm việc trong nhà in, cán đáng các khâu nên cô được học thêm nhiều nghề: nghe đài phát thanh, ghi lại các chủ trương chính sách, viết lại thông tin, đánh máy, sắp chữ, in, đối chiếu văn bản và đi phát hành khi cần. Niềm vui lớn nhất khi đó với Hoa là cô học được thêm nhiều điều, thành thạo mọi khâu trong quá trình sản xuất và phát hành tờ báo. Cô Lưu Kim Hoa đã trở thành một đảng viên có lý tưởng cách mạng.

Nhà in được ngụy trang rất khéo, tủ, giường ngủ được đóng 2 lớp để cất giấu khung chữ chì. Khi in, tiếng máy chạy khá lớn, do đó máy dập nút cũng phải hoạt động đồng thời để tiếng dập nút át tiếng ồn của máy in... Mọi việc trôi chảy cho tới một ngày, cảnh sát đi tuần, cơ sở không kịp dẹp máy in. Mấy tên cảnh sát xăm soi một lúc, có lẽ không nhận ra nên chúng bỏ đi. Sợ cơ sở in bị lộ, tổ chức quyết định dời nhà in sang địa điểm khác cũng trong quận 5. Thời buổi chiến tranh, hoạt động bí mật rất khó khăn, huống chi là giấu một cơ sở in, nhưng tờ Công nhân vẫn tiếp tục được phát hành, dù vài lần phải tạm đóng cửa và thay đổi địa điểm (số 641/10 đường Gia Phú, quận 6; rồi qua quận 5 đóng tại số 1 (lầu 1) Nguyễn Duy Dương, rồi lại về đường Hàm Tử,...). Có thời gian, các đồng chí lãnh đạo phải rút đi hết, Hoa và một đồng chí nữ ở lại, giữ cơ sở in và được giao vũ khí phòng khi bất trắc...

Bảo toàn nhà in là việc rất quan trọng, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, yêu cầu về truyền đơn, tài liệu rất lớn, Hoa và vài đồng chí phải làm việc ngày đêm ở nhà in. Rồi cơ sở bị trúng pháo, nhà sập, tài liệu văng tứ tung, nhiều đồng chí bị thương. Hoa bị móp một phần sọ và một miễng pháo cắt ngang sóng mũi, làm vẹo mũi, máu chảy rất nhiều. Cô được các đồng chí đưa về hầm bí mật, trú ẩn. Đến lúc này mọi người vẫn chưa biết đồng chí Trần Khai Nguyên hy sinh... Sau này mọi người mới rõ, anh đã giữ bí mật đến hơi thở cuối cùng, khí tiết rạng ngời gương liệt sĩ.

Ngày đất nước thống nhất, tờ báo Công nhân được đổi tên thành tờ Giải phóng, tiền thân của tờ Sài Gòn Giải phóng tiếng Hoa.

Sau 1975, cô Lưu Kim Hoa trải qua các vị trí: cán bộ công vận, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Liên đoàn lao động quận 5, Phó Ban công tác người Hoa Thành phố, đại biểu Quốc Hội Khoá X (nhiệm kỳ 1997 – 2002)… Cô vẫn giữ lối làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ, nói ít hơn làm và khi nói là làm bằng được. Nghỉ hưu từ năm 2004, nhưng trên thực tế cô vẫn làm việc liên tục đến nay. Cô là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố; Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số (3 nhiệm kỳ); Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố; Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Trung quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Quận 5 đến thăm bà Lưu Kim Hoa

Trong môi trường mới: thuyết phục bằng Tâm trong sáng

Cuối nhiệm kỳ 1998 - 2003, cô Hoa lúc đó là Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số. Thấy sức khỏe có vấn đề, lại sắp nghỉ hưu, nên cô chủ động làm đơn xin rút khỏi Ban chấp hành Hội, với lý do sức khỏe và vì lĩnh vực văn hóa, văn nghệ không phải sở trường, chuyên môn của mình. Thời gian này cô bị bệnh nặng, phải nằm bệnh viện rồi về nhà an dưỡng mấy tháng trời, không biết gì về công tác chuẩn bị Đại Hội. Khi bệnh cô thuyên giảm cũng tới ngày Đại hội. Cô là người nữ duy nhất được bố trí ngồi ở Đoàn Chủ tịch, điều hành Đại hội. Năm đó, cô Lưu Kim Hoa tiếp tục trúng cử vào Ban chấp hành Hội, được tín nhiệm vào chức danh Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số, nhiệm kỳ 2003 - 2008. Dù sức khỏe không tốt, nhưng đã là Đảng viên, cô nhận nhiệm vụ mà lòng quá nhiều trăn trở...

Đến nay, tròn 20 năm (một nhiệm kỳ là Phó Chủ tịch, 3 nhiệm kỳ là Chủ tịch) lãnh đạo một tổ chức chính trị, xã hội-nghề nghiệp, gồm nhiều dân tộc, nhưng chủ yếu là 3 dân tộc Hoa, Chăm và Khmer. Việc cô làm được là gắn kết văn nghệ sĩ của các dân tộc, giữ được sự đoàn kết, có tiếng nói chung, động viên được văn nghệ sĩ sáng tác, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, đa dạng hóa các loại hình nghệ thuật của dân tộc Hoa, Chăm và Khơmer. Từ đầu tư sáng tác các thể loại văn xuôi, thơ, ca nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh... đến bồi dưỡng, đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, góp phần định hướng thẩm mỹ cho thanh niên qua nhiều cuộc thi viết văn, vẽ tranh thủy mặc, viết thư pháp, nhiếp ảnh, các lớp luyện ca, múa, nhạc truyền thống người Hoa; mở các lớp dạy văn hóa của dân tộc Khmer, lớp tập huấn về tiếng Chăm,... Mặc dù Hội viên người Hoa đông nhất, nhưng cô Lưu Kim Hoa luôn lắng nghe nguyện vọng, nhu cầu của tất cả văn nghệ sĩ, kịp thời giải quyết những gút mắc khó xử. Nói thì đơn giản, nhưng thực tế, trong một gia đình nhiều thành viên còn có lúc không thuận thảo, huống chi đây là văn nghệ sĩ của nhiều dân tộc. Việc bất đồng ý kiến, thậm chí mâu thuẫn là không tránh khỏi. Làm sao để mọi người thông hiểu nhau, cùng vì lợi ích của văn nghệ sĩ và nền văn học nghệ thuật của mỗi dân tộc hòa chung dòng văn hóa của Việt Nam, hơn nữa, mỗi người làm gì cũng nghĩ đến mọi người.

Cô Lưu Kim Hoa đã dần dần thuyết phục mọi người bằng cái tâm làm việc trong sáng, không định kiến, không thiên vị. Khi khen thưởng thì hết sức tế nhị, cân nhắc rất chi li và thật công tâm. Ban chấp hành hợp nhất, thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào văn hóa của các dân tộc. Đó là cả một nghệ thuật và bản lĩnh lãnh đạo, lèo lái của người đứng đầu. Từng làm dân vận, kinh nghiệm là một lợi thế khi giữ trọng trách lãnh đạo một tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp mà bản thân cô không phải là nghệ sĩ. Qua 3 nhiệm kỳ cô làm Chủ tịch Hội, tình cảm anh em trong Hội đã ngày càng gắn bó nhau hơn.

Nét đặc biệt của Hội là có Ban bảo trợ, gồm các Hội quán người Hoa cùng đồng hành đóng góp kinh phí, hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa văn nghệ của dân tộc mình. Ban đầu cả 3 dân tộc Hoa, Khmer và Chăm đều có Ban Bảo trợ. Nhưng do hoạt động khó khăn, Ban Bảo trợ dân tộc Chăm và Khmer không duy trì được. Còn Ban bảo trợ người Hoa luôn đồng hành cùng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ ở quận 5, từ sự chỉ đạo sát sao, rõ ràng và thuyết phục trong từng hạn mục, khi lãnh đạo Hội đề xuất là Ban bảo trợ chấp thuận, đó là phương thức hiệu quả khuyến khích phong trào văn hóa, văn nghệ của quận 5 ngày càng lớn mạnh. Cách làm việc rõ ràng, công khai và công tâm của cô tạo nhiều ấn tượng đẹp và thuyết phục được hầu hết những ai từng tiếp xúc với cô.

Nhiều năm qua, Hội VHNT các dân tộc thiểu số, thường trú tại số 137 đường Triệu Quang Phục, quận 5 đã góp phần quan trọng trong sự phát triển văn hóa, văn nghệ của thành phố, đặc biệt trên địa bàn quận: chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể TP và các địa phương tổ chức hoạt động phục vụ nhu cầu văn hóa các dân tộc trên địa bàn như: lễ hội Nguyên Tiêu của người Hoa, Lễ hội Kate của người Chăm, Lễ Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer và Ngày hội Văn hóa các dân tộc - 19/4 hàng năm,... trở thành nét văn hóa đặc trưng của Quận 5, cũng là của thành phố, không nơi nào có. Ngoài ra, trong hơn 10 năm qua, Hội đã đầu tư sáng tác hơn 30 công trình, trong đó có nhiều tác phẩm ý nghĩa về đề tài đấu tranh cách mạng của đồng bào người Hoa, những tác phẩm giới thiệu văn hóa truyền thống các dân tộc. Đặc biệt, nhiều tác phẩm chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được Thành phố và Trung ương khen thưởng.

Gia đình và điều chưa nói...

Câu chuyện cuộc đời cô như cuốn phim quay chậm, từ tuổi thơ sớm vất vả, ít niềm vui, việc thoát ly gia đình tham gia phong trào, đến hoạt động cách mạng, như thể cô chỉ có một con đường và cứ điềm tĩnh bước tới. Cô biết rõ mình đi đâu và đến đâu, hiểu mình muốn gì và cần làm gì.

Cô là chị lớn thứ hai trong gia đình. Người chị cả có chồng ra riêng, cuộc sống cũng thiếu thốn. Hoa là chị lớn của 2 đứa em nhỏ, nhưng do gia đình quá khó khăn, Hoa phải thoát ly gia đình đi làm công nhân ở hãng dệt Vimytex, nhưng cô vẫn luôn là người chị được các em nể trọng nhất. Năm 1970, con cái nhiều gia đình người Hoa cho con vượt biên ra nước ngoài làm ăn. Nhân một lần cô về thăm gia đình, người em trai muốn đi, nên hỏi ý kiến chị. Cô không đồng ý và người em cũng không dám trái lời.

Thời gian làm công nhân ở Hãng dệt Vimytex, hoạt động phong trào, có khi 3,4 tháng cô mới về nhà một lần thăm mẹ và em. Khi chuẩn bị chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, năm đó, vì nhiệm vụ, Hoa đã không về nhà. Đối với người Hoa, Tết là ngày đoàn tụ gia đình, sự vắng mặt của đứa con đồng nghĩa với việc hiếu lễ không tròn. Khi bị thương, sau Tết, cô mới về nhà, mẹ nhìn cô, thương con gái và chỉ khóc… Mẹ hiểu tính nết cô nhất. Bà hiểu Lưu Kim Hoa làm gì cũng suy nghĩ chín chắn, có khó khăn thì tự mình giải quyết, không bao giờ để mẹ buồn phiền, lo lắng. Bản tính trầm tĩnh, kiên định, khi đã quyết là làm chu đáo, nên dù con gái mới lớn, ở xa, bà cũng không tìm cách liên lạc hay gọi về. Sự im lặng đầy cảm thông, tin cậy, bình thản chờ con về, tình thương bao la của mẹ trong cái cách ân cần chăm sóc con. Cho tới giờ, cô Hoa vẫn nhớ. Nó trở thành nỗi ray rứt bởi cái cảm giác mình không trọn tình trọn nghĩa với mẹ và các em trong giai đoạn kinh tế vô cùng khó khăn đó. Tiếng nói cô bỗng nghẹn nửa chừng vì nhớ mẹ, tôi cũng muốn khóc theo vì nhớ mẹ của mình... Chỉ có tình mẹ mới bao dung và tha thứ cho đứa con trong mọi hoàn cảnh, giúp cho con thỏa chí làm điều nó muốn và cũng chỉ có tình mẹ mới thấu cảm mọi ý nghĩ của con.

Cô kể trong nước mắt nhớ mẹ: cả nhà không ai biết cô làm gì cho đến khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Một thời gian dài, mẹ cô vất vả nuôi con nhỏ, thanh xuân của bà gắn liền với chiếc máy may, nhưng vẫn không chu toàn nổi kinh tế gia đình. Hai em trai cô phải nghỉ học sớm để đi làm, vậy mà người mẹ cũng chưa từng buông lời trách cứ con gái lớn không đỡ đần kinh tế cho gia đình, không ở bên phụ giúp bà lo cho các em. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng dường như thâm tâm cô vẫn ray rứt vì điều này.

Chọn quận 5 làm nơi sinh sống, bởi vùng đất này đã quá thân thuộc với cô trong suốt thời gian cô làm báo Công Nhân. Cho tới khi nghỉ hưu, cô mới có nhiều thời gian bên mẹ, chăm sóc bù đắp cho bà.

Lần đầu gặp cô, tôi rất ấn tượng. Người phụ nữ nhỏ bé, nước da trắng xanh ngồi ở giữa, nghiêm trang mà lịch thiệp chủ trì cuộc họp, đa phần là phái nam 3 dân tộc Hoa, Khmer và Chăm. Khi đó, Ban chấp hành gần 25 người, nhưng chỉ có 3 người nữ. Trong suy nghĩ tôi, số ít này đã làm nên sự nổi bật, không chỉ là vẻ nữ tính, mềm mỏng mà còn ở lề lối làm việc cẩn trọng, biết lắng nghe và mọi quyết định hướng tới lợi ích chung. Tôi may mắn có thời gian ngắn làm việc với cô, âm thầm tìm hiểu mới có thể làm đầy đặn bài viết này, bởi cô là người rất ít chịu nói về mình, khiêm nhường và đầy tự trọng.

Cô cười nhẹ mà rất tươi, tự hào: Quận 5 là trung tâm văn hóa của người Hoa, hầu như tất cả hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao thương, tín ngưỡng,... đều tập trung tại đây và số lượng người Hoa sinh sống ở quận 5 khá đông, chiếm 35% dân số quận. Người Hoa trọng chữ Tín, làm ăn giỏi và cũng duy trì nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc.

Đến bây giờ, nếu không đi họp hay ở nhà vì bệnh, cô vẫn giữ thói quen đến cơ quan rất sớm, có khi chưa ai vào làm. Sức khỏe của một thương binh có chứng nhận bậc 4/4 (vì trận pháo năm Mậu Thân để lại di chứng chóng mặt, nhức đầu và tai cô thỉnh thoảng vẫn chảy máu tươi), vậy mà cô vẫn âm thầm vượt lên chính mình hoàn thành nhiệm vụ, bất chấp cơ thể đòi được nghỉ ngơi. Đầu nhiệm kỳ 2015-2019, tự nhận thấy sức khỏe đã kém, việc cần kíp là bồi dưỡng đội ngũ kế thừa, cô Hoa đã âm thầm tìm, chọn người thay thế mình - có đủ uy tín, được nhiều người tin tưởng và có khả năng gắn kết văn nghệ sĩ cả 3 dân tộc. Tuy nhiên, từ lãnh đạo đầu ngành đến tập thể tổ chức đều mong muốn cô tiếp tục gánh vác trọng trách. Với trách nhiệm một Đảng viên có 50 năm tuổi Đảng, cô lại tiếp tục nỗ lực vượt qua hạn chế về sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, vừa chăm lo bồi dưỡng kế thừa cho nhiệm kỳ sau.

Nói về lãnh đạo của mình, NSND, họa sĩ Trương Hán Minh cho rằng: bà Lưu Kim Hoa là viên gạch nối giữa các thành viên của Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số, một người trầm tĩnh, nhẹ nhàng mà kiên định, mỗi quyết định đều có sức thuyết phục

Những đóng góp của cô Lưu Kim Hoa từ khi còn hoạt động phong trào cho đến nay, hơn 50 năm, mỗi giai đoạn dù là công việc nào cô cũng làm việc hết mình. Chặng đường hơn 50 năm của cô đã góp phần bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc và đặc biệt xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vững mạnh, nhất là ở khu vực quận 5. Hội đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và Cờ truyền thống của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội Lưu Kim Hoa với những đóng góp tích cực của mình đã được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng II, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen, huy chương, kỷ niệm chương của các cấp các ngành và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Nếu như một lần gặp cô - người phụ nữ lãnh đạo đầu ngành văn học, nghệ thuật ở Quận 5, có đóng góp không nhỏ trong lĩnh vực này và sự đoàn kết anh em giữa 3 dân tộc, tôi tin mọi người sẽ hiểu phong trào văn hóa, nghệ thuật ở Quận 5 vì sao lại trở nên đặc biệt như vậy.


Số lượt người xem: 861    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm