Sáng ngày 10/3/2025, tại Trường THCS Kim Đồng, hơn 1750 học sinh và 50 cán bộ - giáo viên đã được tham gia hoạt động trải nghiệm thú vị, đó là tìm hiểu về "Tranh dân gian Đông Hồ". Đây vừa là hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh có cơ hội biết thêm về một loại hình văn hóa truyền thống đồng thời giúp các em tìm hiểu về kỹ thuật in tranh, nguyên liệu để tạo ra những bức tranh dân gian Đông Hồ qua phần giới thiệu và giao lưu với gia đình nghệ nhân Đỗ Đức Thuận.

Được biết, tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, đây là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.

Với những nét tinh túy riêng và mang đậm những giá trị văn hóa to lớn, tranh tết Đông Hồ bằng những hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn. Sự phong phú và đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh hầu như tất cả những gì diễn ra trong đời sống bình dị của người lao động như: Chăn trâu thổi sáo, Hứng dừa, Đấu vật… cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như Lễ trí, Nhân nghĩa, Vinh hoa, Phú quý, Lợn đàn, Gà đàn… Nét hấp dẫn của tranh dân gian Đông Hồ không chỉ đề cập đến cuộc sống: thóc đầy bồ, gà đầy sân, mong ước vinh hoa phú quý… mà còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc.

Với cách trình bày khoa học, gần gũi, nghệ nhân Đỗ Đức Thuận đã lột tả một cách sinh động về những điểm độc đáo của tranh Đông Hồ, đó là màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy dùng in tranh là giấy dó được làm từ vỏ cây dó, với đặc tính xốp, mềm, mỏng, dai, dễ hút màu mà khi in không bị nhòe. Trên giấy được quét lên một lớp hồ điệp có nét sáng óng ánh rất đặc thù bằng cách: người ta nghiền nát vỏ con điệp (một loại sò vỏ mỏng ở biển) trộn với hồ (loại bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi là bột sắn), dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Với chổi lá thông sẽ tạo thành những đường ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng có ánh lấp lánh của những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, trong quá trình làm giấy điệp có thể pha thêm màu khác vào hồ. Màu sắc được sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như màu đen từ than cây xoan hay than lá tre, màu xanh từ gỉ đồng, lá chàm, màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ từ sỏi son, gỗ vang… Đây là những màu cơ bản, không pha trộn.

Tiếp đó, các em học sinh đã được thực hành với việc tham gia in tranh từ các bản khắc gỗ, một trong 02 khâu chính - sáng tác mẫu (khắc ván) và in (vẽ tranh) - để tạo nên những bức tranh Đông Hồ đặc sắc, tất cả đã đã tạo nên buổi học tập, trải nghiệm lý thú và bổ ích. Với việc tổ chức hoạt động nêu trên, trường THCS Kim Đồng, không chỉ mang lại những giá trị thiết thực trong việc giảng dạy mà còn đã và đang trực tiếp góp phần vào việc gìn giữ và tôn vinh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ một trong những Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.