SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
0
2
1
8
Tin tức sự kiện 27 Tháng Ba 2017 2:20:00 CH

Thị trường dịch vụ Y tế và Khám - Chữa bệnh

 

BAO NHIÊU NGƯỜI ĐẾN QUẬN 5 ĐỂ KHÁM - CHỮA BỆNH TRONG MỘT NGÀY?

Chúng tôi không đủ điều kiện để có số liệu thống kê chi tiết về số lượng bệnh nhân của gần 20 bệnh viện ở Quận 5, nên chỉ có thể ước tính, từ một số bệnh viện chính:

- Bệnh viện Chợ Rẫy: Khoảng 5.000 bệnh nhân đến khám - chữa bệnh mỗi ngày, chưa kể 3.000 bệnh nhân nội trú. Tết Đinh Dậu vừa qua, 1.200 bệnh nhân nội trú đã ăn Tết trong bệnh viện, chưa tính số thân nhân nuôi bệnh… ăn theo. Riêng bảy ngày nghỉ Tết chính thức, bệnh viện tiếp nhận và xử lý hơn 2.100 ca cấp cứu - một con số đã làm náo loạn bất kỳ một bệnh viện cấp tỉnh nào.

- Bệnh viện Đại học Y Dược: Tính trên tổng số bệnh nhân ở cả hai cơ sở ở đường Nguyễn Chí Thanh và đường An Dương Vương, đã khám và điều trị hơn 2 triệu lượt người trong năm 2016. Số lượng bình quân là hơn 6.000 bệnh nhân mỗi ngày.

- Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình, đường Trần Hưng Đạo: Khám và điều trị gần 2.000 lượt người mỗi ngày, chưa tính 500 bệnh nhân nội trú thường xuyên.

- Bệnh viện Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Trãi: Khám và điều trị khoảng 2.000 lượt người mỗi ngày, chưa tính 400 bệnh nhân nội trú thường xuyên.

Tổng cộng ở 4 bệnh viện này, mỗi ngày có 15.000 người đến khám và điều trị, chưa tính hơn 4.000 người bệnh nội trú, chưa tính số thân nhân nuôi bệnh, lẫn thân nhân đi cùng khi khám bệnh. Tính gộp cả những người liên quan bệnh nhân, con số phải xấp xỉ 30.000 người - tương đương với “quân số” ba sư đoàn quân chính quy!

Nhưng, Quận 5 còn hàng chục bệnh viện khác nữa: bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện An Bình, bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, bệnh viện Truyền máu & Huyết học, bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, bệnh viện 30/4, Quân y viện 7A, bệnh viện Nhiệt Đới, bệnh viện Tâm thần…

Nếu số lượng bệnh nhân và thân nhân ở một chục bệnh viện này chỉ ngang bằng 4 bệnh viện nêu phần trên, ước tính phải có khoảng 60.000 người đến Quận 5 để khám - chữa bệnh mỗi ngày.

THỊ TRƯỜNG THƯƠNG MẠI - DỊCH VỤ PHỤC VỤ KHÁM - CHỮA BỆNH

Đi khám bệnh, điều đầu tiên là xếp hàng chờ lấy số thứ tự, đăng ký thông tin cá nhân và mục đích khám, xong ngồi chờ. Nhân viên tiếp nhận nhập dữ liệu xong, sẽ cấp cho người khám bệnh một số thứ tự khác, ở phòng khám cần đến theo mục đích. Trước khi đến phòng khám, phải đóng tiền khám bệnh, xong lại… ngồi chờ đến số thứ tự ở phòng khám. Bác sĩ khám, thông thường ít khi có kết luận ngay, mà phải qua một vài xét nghiệm y khoa. Cầm phiếu xét nghiệm của bác sĩ cấp, người bệnh tìm đến phòng xét nghiệm liên quan (có thể là xét nghệm máu, siêu âm tim, chụp X quang hoặc CT phổi…) nộp phiếu, lại… chờ. Xong việc xét nghiệm, tiếp tục chờ lấy kết quả, trở về chờ gặp bác sĩ, nhận kết quả chẩn đoán bệnh và toa thuốc, ra quầy thuốc bệnh viện nộp toa, chờ gọi tên, đóng tiền, nhận thuốc, ra về. Có thể dọc đường về phải tìm mua thêm thuốc, nếu bệnh viện không có đủ thuốc.

Tóm lại, đã đi khám - chữa bệnh, cái sự chờ đợi là lẽ đương nhiên, phải coi là cơ hội rèn luyện tính kiên nhẫn. Nhưng ở vài bệnh viện đông đúc, có “dịch vụ chờ”. Ngay từ bước đầu tiên chờ lấy số thứ tự, ở bệnh viện Đại học Y Dược, có người sẵn sàng bán lại, giá từ 100.000 đồng - 200.000 đồng, tùy số lượng người chờ nhiều hay ít. Chờ nhận kết quả xét nghiệm giá rẻ hơn, từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng.

Một số dịch vụ khác: cho thuê chiếu, ghế bố, chăm sóc bệnh nhân, cho thuê xe đưa bệnh nhân về quê… Riêng chăm sóc bệnh nhân hiện đã là nghề của nhiều người, phần lớn là phụ nữ đứng tuổi. Tùy bệnh nặng, nhẹ và có lây nhiễm hay không … giá công chăm sóc từ 250.000 đồng/ngày đến 400.000 đồng/ngày…Có thể thỏa thuận thuê tháng, rẻ hơn, nếu người bệnh nội trú dài hạn.

Xung quanh bệnh viện là dịch vụ giữ xe, xét nghiệm y khoa, xe ôm, taxi, quán cóc và hàng rong đủ loại… cũng không thể thiếu quán ăn, quán cà phê. Có vài quán đường Nguyễn Chí Thanh, đối diện bệnh viện Chợ Rẫy mở bán cả ngày lẫn đêm, nhân viên nghỉ luân phiên.

Nơi kinh doanh trông hiền lành nhất quanh các bệnh viện là những nhà thuốc tây, lúc nào cũng sáng choang, sạch sẽ, nhân viên hầu hết đồng phục trắng, chuyên nghiệp. Chữa bệnh thì phải dùng thuốc. Thuốc bao nhiêu tiền cũng phải mua, thiếu tiền thì vay mượn, cầm cố tài sản để lo thuốc thang, chứ không lẽ bó tay chờ chết?... Vì lẽ này, không thể đếm nỗi những nhà thuốc tây san sát quanh các bệnh viện.

Nếu nói “thương trường là chiến trường”, thị trường thuốc chữa bệnh hoàn toàn đúng theo ý nghĩa xác thực nhất. “Cuộc chiến” của các công ty dược phẩm không chỉ ở các nhà thuốc tây ngoài bệnh viện, mà đã len lỏi đến từng khoa, phòng chức năng…

Quận 5, nơi hội tụ 15 đơn vị bệnh viện cỡ lớn và tiếng tăm, đây là thị trường hấp dẫn nhất thành phố Hồ Chí Minh của các nhà sản xuất - kinh doanh dược phẩm cả nước. Để dễ so sánh, Quận 1 có 2 bệnh viện Phụ sản Từ Dũ và Nhi Đồng 2, Quận 3 có 3 bệnh viện: Bình Dân, Tai Mũi Họng và Mắt, Quận 4 có 1 bệnh viện Khánh Hội, Quận 6 và Quận 8 không có, Quận 10 có 3 bệnh viện: Viện Tim, 115, Nhi đồng 1 và Trung tâm cấp cứu Trưng Vương, Quận 11: không có. (Ở đây, trong bài này, không tính các bệnh viện quận, huyện theo biên chế). Tính trong phạm vi nội thành, số lượng bệnh nhân ở Quận 5 nhiều hơn tổng số bệnh viện các quận khác cộng lại.

Rõ ràng, Quận 5 đang có trong mình một thị trường dịch vụ y tế và khám - chữa bệnh vô cùng lớn và sôi động từng ngày. Nên chăng, lợi thế này cần được quan tâm nghiên cứu, có giải pháp cụ thể tạo ra những lợi ích góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong thời gian tới?


Số lượt người xem: 1185    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm