SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
2
7
5
9
Tin tức sự kiện 22 Tháng Năm 2017 2:40:00 CH

APEC 2017 VÀ KỲ VỌNG CỦA VIỆT NAM

 

Năm 2017, Việt Nam đăng cai và làm Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Đây là Hội nghị quan trọng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, có ý nghĩa lớn đối với nước ta và các nước trong khu vực. Nhận thức rõ vai trò của mình, Việt Nam đã chủ động chuẩn bị mọi mặt từ rất sớm, nhằm đảm bảo tổ chức thành công sự kiện này.

Bối cảnh

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 25 (APEC 2017), diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều biến động và thách thức lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thay đổi thế giới một cách nhanh chóng, hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vẫn chưa được khắc phục, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 chỉ đạt 2,2%, thấp nhất kể từ khi lâm vào tình trạng khủng hoảng. Xu thế toàn cầu hóa đang bị chững lại bởi các “dòng xoáy ngược”, thậm chí “đảo chiều của xu thế toàn cầu hóa trong thế kỷ XXI”1. Do thành quả của quá trình toàn cầu hóa bị tác động bởi một số nước lớn, khiến sự phân chia lợi ích kinh tế không đồng đều giữa các quốc gia, khu vực và thế giới, làm nảy sinh tư tưởng phản đối tự do hóa thương mại ngày càng gia tăng, nhất là hai trong ba trung tâm kinh tế thế giới là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Xu hướng “tái bảo hộ mậu dịch” đang tăng lên một cách đáng lo ngại. Đặc biệt là sự yếu thế của nền kinh tế đầu tàu có khả năng dẫn dắt, lãnh đạo thế giới.

Theo giới quan sát, các mô hình toàn cầu hóa hiện có, như: EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU),… thì APEC đang có vị thế vượt trội, trong khi EU đứng trước nguy cơ tan rã sau sự kiện nước Anh quyết định rời khỏi EU (Brexit); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được Mỹ dẫn dắt dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma đứng trước nguy cơ bị vô hiệu hóa hoặc suy giảm vị thế do quan điểm của tân Tổng thống Mỹ D. Trump. Còn mô hình Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn dắt, đang trong quá trình đàm phán xây dựng, chưa định hình rõ nét. Vì thế, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ngày càng được các quốc gia, khu vực và thế giới đặc biệt quan tâm.

Mặc dù, thời cơ và thách thức đan xen, song với tinh thần, trách nhiệm đối với khu vực, Việt Nam đề xuất nguyện vọng đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC 25 vào năm 2017.

Sự tin tưởng của bạn bè

Sau hơn 30 năm đổi mới và 19 năm là thành viên APEC, Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực. Quan hệ hợp tác kinh tế của Việt Nam với các thành viên APEC được tăng cường. Với mạng lưới hiệp định thương mại tự do của 21 thành viên là minh chứng sinh động cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng kinh tế khu vực nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a ra tuyên bố chung khẳng định, Việt Nam đăng cai Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 25 vào năm 2017. Như vậy, đây là lần thứ Hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch và chủ nhà tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017, tạo cơ hội để nâng tầm của chính sách “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong năm khuôn khổ APEC 2017 với 20 hội nghị lớn cùng gần 200 hoạt động bên lề Hội nghị, thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược của Việt Nam về tương lai châu Á - Thái Bình Dương và mong muốn thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.

Tích cực, chủ động chuẩn bị

Để đăng cai, tổ chức thành công các Hội nghị, hoạt động của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam năm 2017, Đảng, Nhà nước ta đã có những bước đi tích cực, chủ động chuẩn bị chu đáo mọi mặt từ sớm. Ngay từ cuối năm 2013 đầu năm 2014, Việt Nam đã thành lập Nhóm công tác liên ngành, tiếp đó ngày 16-7-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1082/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia APEC 2017 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm chủ tịch. Ủy ban gồm đầy đủ ủy viên của các bộ, ban, ngành Trung ương và một số địa phương (Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam và Quảng Ninh) với 5 tiểu ban: Tiểu ban Nội dung, Tiểu ban Vật chất và Hậu cần, Tiểu ban An ninh và Y tế, Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa, Tiểu ban Lễ tân. Cùng với đó, thành lập bộ phận thường trực (Ban thư ký) giúp việc cho Ủy ban Quốc gia APEC 2017. Các tiểu ban, địa phương tích cực chuẩn bị mọi mặt theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về nội dung, Việt Nam chủ động tham vấn các ủy ban quốc tế và các thành viên của APEC về các trọng tâm: Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và kết nối; bảo đảm tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Được sự hậu thuẫn của các ủy ban APEC và các nước thành viên, Việt Nam đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ đề, mục tiêu và những nội dung ưu tiên, sáng kiến cho Năm APEC 2017 trên nguyên tắc thúc đẩy hợp tác, nâng cao vai trò của Diễn đàn, gắn với lợi ích của các nền kinh tế thành viên, nhất là lợi ích của nước chủ nhà.

Về vật chất, hậu cần với quan điểm của Việt Nam là, tiết kiệm, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, nhưng “phải rất chu đáo”, “đàng hoàng”, đặc biệt là vệ sinh, an ninh, trật tự, an toàn. Riêng với thành phố Đà Nẵng, địa phương được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017 thì tập trung cải tạo Trung tâm Hội chợ - Triển lãm đáp ứng yêu cầu phục vụ các Hội nghị trong tuần lễ Cấp cao APEC 2017; chuẩn bị các địa điểm tổ chức Ga-la-đi-nơ cấp cao; cải tạo trung tâm hành chính Thành phố, v.v. Đồng thời, phối hợp với Tiểu ban An ninh bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho Tuần lễ Cấp cao; giao thông trong lộ trình hoạt động của các đại biểu; tuyển chọn nhân sự, đào tạo, tập huấn tình nguyện viên, v.v.

Về thông tin, tuyên truyền, Việt Nam có nhiều ý tưởng sáng tạo, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người cũng như các tiềm năng về kinh tế, du lịch… tới bạn bè quốc tế và khu vực, thu hút sự quan tâm rộng rãi của giới truyền thông; lồng ghép các hoạt động truyền thông về Năm APEC với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, du lịch. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Kỹ năng làm báo  và giới thiệu cung cấp thông tin, nội dung về các sự kiện lớn của năm APEC 2017; đồng thời, chỉ đạo thành lập Trung tâm Báo chí phục vụ APEC 2017.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2016, mọi công tác chuẩn bị cho APEC 2017 đã hoàn thành. Đánh giá về công tác chuẩn này, tiến sỹ Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế cho biết, “công tác chuẩn bị Năm APEC 2017 của Việt Nam là chu đáo, hoàn chỉnh với thời gian chuẩn bị kéo dài hai năm”. Thứ trưởng Ngoại giao Pê-ru, Chủ tịch SOM APEC 2016, ông Luis Quesada “đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam, nhấn mạnh năm 2017 và những năm tới có ý nghĩa then chốt đối với định hướng phát triển của Diễn đàn APEC; bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp thiết thực, thúc đẩy hợp tác và liên kết APEC trong những năm tới”. Còn Ông Va-le-ry Sô-rô-kin, thành viên của Đoàn đại biểu Nga dự ISOM cho rằng, “công tác chuẩn bị của Việt Nam dành cho Năm APEC 2017 rất tuyệt vời”, v.v. Thực tế, Hội nghị SOM 1 diễn ra từ ngày 18-02 đến ngày 03-3-2017 ở thành phố Nha Trang, Khành Hòa đã khẳng định điều đó.

Mục tiêu và kỳ vọng của Việt Nam

Mục tiêu của APEC 2017 được xác định: (1) Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (2) Đẩy mạnh kết nối kinh tế khu vực sâu, rộng hơn; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; (4) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Vì thế, Việt Nam rất kỳ vọng ở kết quả của Hội nghị, trong đó có sự đóng góp tích cực của mình. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi nhìn lại Hội nghị cấp cao APEC 18 do Việt Nam đăng cai (2006), với việc ra đời một số hiệp định ngay sau đó, như: TPP, Mỹ là nước đầu tiên tuyên bố tham gia đàm phán (9-2008); tiếp đến là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng chính thức được khởi động đàm phán (ngày 20-11-2012). Tham gia Hiệp định RCEP có 16 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nòng cốt là 10 quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu-di-lân và Ố-xtrây-li-a (ASEAN + 6). Trong đó, có 6 quốc gia tham gia cả hai cơ chế đối tác kinh tế RCEP và TPP là Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Sin-ga-po, Niu-di-lân và Ô-xtrây-li-a. RCEP đại diện cho 50% dân số thế giới và chiếm 30% GDP toàn cầu.

Ngay sau khi tân Tổng thống Mỹ D. Trump, ký sắc lệnh rút khỏi TPP (21-01-2017), các nước tham gia RCEP đã đề nghị thúc đẩy nhanh đàm phán và nâng cao tiêu chuẩn của Hiệp định này gần giống TPP. Trong bối cảnh đó, các nước Nhật Bản, Sin-ga-po đề nghị 11 nước TPP còn lại tiếp tục hoàn tất thủ tục pháp lý để thực hiện TPP không có Mỹ hoặc là sẵn sàng tiếp nhận khi Mỹ quay trở lại. Vì thế, nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng, năm nay, Hội nghị Cấp cao APEC được tổ chức ở Việt Nam, rất có thể hiệu ứng của nó diễn ra như năm 2006. APEC 2017 sẽ là động lực để ra đời một Hiệp định Thương mại tự do lớn hơn hoặc là sự khởi đầu để hình thành một khu vực mậu dịch tự do như tham vọng của nhiều nhà lãnh đạo trong APEC đã thể hiện. Vì trong số 21 thành viên APEC đã có 12 thành viên đàm phán xong TPP, còn Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đã ngỏ ý tham gia vào Hiệp định này, gần đây In-đô-nê-xi-a, Thái Lan và Phi-líp-pin cũng đã có ý định gia nhập TPP. Đó là những kỳ vọng, nhưng là những kỳ vọng rất có cơ sở.

Về phần mình, đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này Việt Nam còn có những kỳ vọng thiết thực và cụ thể, đó là:

Một là, đóng góp thiết thực vào tiến trình của APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất, hiệu quả hơn. Then chốt là hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư vào năm 2020, trong bối cảnh “tái bảo hộ mậu dịch” đang gia tăng.

Hai là, nâng cao vị thế APEC là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng, hình thành liên kết khu vực sâu hơn, rộng hơn, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, trong khi hình ảnh của EU, TPP, TTIP có thể bị mờ dần. 

Ba là, tăng cường tình hữu nghị, quan hệ đối tác với các thành viên APEC. Doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới. 

Bốn là, quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại cơ hội phát triển, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Thông qua APEC 2017, Việt Nam có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về diễn đàn hợp tác.

Như vậy, sự liên kết kinh tế sâu, rộng mang tính bước ngoặt của khu vực đã và đang hình thành mạnh mẽ, nổi bật là hàng loạt các mô hình đang hứa hẹn những không gian phát triển rộng lớn với những tiềm năng hợp tác mới. Trong đó, APEC được kiến tạo với mục tiêu “vì người dân, vì doanh nghiệp, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu” trong thế kỷ XXI.


Số lượt người xem: 992    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm