SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
9
0
1
4
Tin tức sự kiện 19 Tháng Mười 2020 8:35:00 SA

Đường Hồ Chí Minh trên biển

 

Hội nghị lần thứ 15 BCHTW Đảng (khóa II) đã xác định con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực. Để thực hiện nhiệm vụ đó, miền Nam cần có sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.         

Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương lập đơn vị vận tải hoạt động trên tuyến đường dọc Trường Sơn (gọi tắt là Đoàn 559) và đơn vị vận tải trên tuyến đường biển (gọi tắt là Đoàn 759). Các tuyến vận tải chiến lược đó sau này lấy tên là đường Hồ Chí Minh.

Tháng 5-1959, tại Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, tiểu đoàn 603 vận tải quân sự đường biển ra đời mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” gồm 107 cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết. Chuyến tàu đầu tiên nhổ neo vào đúng đêm 30 Tết Canh Tý (27-1-1960), chở năm tấn vũ khí và thuốc men cho Quân khu 5, điểm hẹn cập bến là chân đèo Hải Vân. Khi đến vùng biển miền Trung, tàu gặp bão, bị hỏng, giạt vào bờ, hầu hết thủy thủ bị bắt.

Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập lực lượng vận tải trên biển.

Cuối năm 1961, đầu năm 1962, các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa đã cử sáu thuyền gỗ gắn máy bí mật vượt biển ra miền Bắc an toàn, được Bác Hồ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đón tiếp ân cần.

Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xác định hướng đột phá của Đoàn 759 là Nam Bộ, sau đó sẽ phát triển ra miền Trung.

Thuyền “Bạc Liêu”, do các đồng chí Bông Văn Dĩa và Lê Văn Trạnh phụ trách, thực hiện chuyến trinh sát mở đường. Ngày 18-4-1962, thuyền vào tới Bồ Đề, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cập bến Vàm Lũng.

Trung tuần tháng 8-1962, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chuyến tàu vỏ gỗ đầu tiên do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng) đêm 11-10-1962, cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn ngày 16-10-1962, mở ra luồng tàu bí mật nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Chuyến tàu thứ hai khởi hành ngày 16-10-1962; chuyến thứ ba, ngày 14-11-1962 và chuyến thứ 4, ngày 14-12-1962. Cả bốn chuyến tàu vỏ gỗ không số chở 100 tấn vũ khi cho khu 9 đều vào tới Cà Mau an toàn.

Sau đó, Xưởng Đóng tàu 3 Hải Phòng và một số cơ sở công nghiệp khác được Bộ Quốc phòng giao đóng loại tàu vỏ sắt (Ký hiệu VS) tốt hơn để vận tải trên biển trong mọi thời tiết.

Ngày 17-3-1963, chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên chở vũ khí vượt biển vào Nam và đã cập bến Rạch Láng (Trà Vinh).

Trong năm đầu, bằng chính con đường Hồ Chí Minh trên biển, Đoàn 759 đã hoàn thành an toàn 23 chuyến vận tải vào Nam mang theo 1.318 tấn vũ khí, đạn dược phục vụ theo kịp tình hình phát triển của chiến trường miền Nam.

Đêm 26-9-1963, tàu vỏ gỗ, do thuyền trưởng Lê Văn Một, chính trị viên Đặng Văn Thanh chỉ huy, với 12 thủy thủ, rời cảng Bích Đông (Hải Phòng) chạy thẳng vào Bà Rịa với nhiệm vụ mở luồng, mở bến chi viện vũ khí cho khu 7. Tới đảo Phú Quý, tàu chuyển hướng vào bến, không may mắc cạn gần đồn Phước Hải của địch. Cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng bốc dỡ vũ khí đưa giấu vào nơi an toàn. Ngày hôm sau, con tàu vẫn nằm trên cạn, chính trị viên và thợ máy tình nguyện ở lại canh gác, sẵn sàng phá hủy tàu khi có địch xuất hiện. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Đến chiều, nước lên, con tàu ra khỏi nơi cạn, vào bến được cất giấu an toàn.

Tháng 8-1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 cho Quân chủng Hải quân. Đầu năm 1964, Bộ Quốc phòng ra quyết định chuyển Đoàn 759 với phiên hiệu mới là Đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.

Từ đầu năm 1964 đến đầu năm 1965, nhờ giữ được bí mật, 20 tàu vỏ gỗ, vỏ sắt không số, với 88 chuyến vượt đường Hồ Chi Minh trên biển, vận chuyển 4.000 tấn vũ khí cho chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và khu 5, mặc dù Mỹ - ngụy tăng cường tuần tra, tổ chức rộng rãi mạng lưới mật vụ, do thám…(1)

“Sự kiện Vũng Rô” xảy ra. Đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Địch tăng cường đánh phá, nhưng Đoàn 129 vẫn tiếp tục vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Sự bí mật của con đường Hồ Chí Minh trên biển đã không còn nữa. Nhưng cái giỏi của ta lúc này là tạo ra sự bí mật ngay giữa cái không bí mật. Những tuyến tàu vận tải vào Nam của Đoàn 125 tiếp tục nhổ neo. Trong khi đó, 40% lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ được huy động vào “nhiệm vụ ngăn chặn thâm nhập bằng đường biển” từ Bắc vào Nam. Mức độ ác liệt của sự đánh phá của địch tại đường Hồ Chí Minh trên biển là khó mà tưởng tượng nổi và ngày một tăng theo đà thất bại của cuộc chiến tranh trên bộ của chúng. Sự hy sinh, mất mát và sức chịu đựng vô bờ của một dân tộc ra trận đã trả giá như thế nào cho ngày chiến thắng.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ khi bị địch bao vây, không còn con đường nào khác, đã chiến đấu đến cùng hay hy sinh quên mình cùng con tàu, không để rơi vào tay giặc, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con đường và đồng đội. Các anh mãi mãi sống trong tâm trí các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Từ những ngày đầu, bằng phương tiện thô sơ, thuyền gắn máy đi dọc ven biển, Đoàn 125 đã tiến lên sử dụng nhiều loại phương tiện có trang bị hiện đại vươn ra biển khơi, hoạt động độc lập, dài ngày, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi ở hầu hết các tỉnh ven biển miền Nam, đến cửa ngõ Sài Gòn và tận cùng đất nước.

Từ năm 1961 đến tháng 4-1975, Đoàn 125 đã vận chuyển 44.324 tấn vũ khí, trang bị, hàng hóa. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đoàn 125 đã vận chuyển thần tốc 130 lần với 143 chuyến tàu, chở 8.741 tấn vũ khí hạng nặng gồm 50 xe tăng và đại pháo; đưa 18.741 cán bộ, chiến sĩ vượt 65.721 hải lý để tham gia chiến đấu. (2)

Mười sáu năm kể từ khi Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch chủ trương mở tuyến vận tải trên biển Đông cho đến ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng 30-4-1975, đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần tích cực thực hiện quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cùng với Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng tự hào của cả dân tộc, hiện thân của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

(1) Báo Nhân Dân hằng tháng, số 145, tháng 5-2009.

(2) Báo Nhân Dân, số 19621, ngày 16-5-2009.


Số lượt người xem: 484    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm