SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
6
0
1
2
Bản tin quận 26 Tháng Tám 2019 8:10:00 SA

Mùa thu rồi, ngày hăm ba…

 

“Mùa thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời, lời hoan hô, dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền…”

Câu mở đầu bài hát “Nam bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, dẫu đã cũ xưa, nhưng vẫn là một lựa chọn khó thay đổi khi nói về giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Tại Sài Gòn, tháng 9/1945, quân Pháp theo chân quân Anh vào giải giới quân Nhật đã đầu hàng Đồng Minh, đã tiến chiếm các trụ sở hành chính quân sự. Khi ấy, Xứ ủy Nam kỳ đóng tại Chợ Lớn, họp liên tục ba lần, quyết định ra lời kêu gọi Nam bộ kháng chiến, ngày 23/9/1945.

Vậy là cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra từ Sài Gòn, rất sớm, vì mãi tới gần 15 tháng sau, ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch mới ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Thời ấy, Chợ Lớn là một tỉnh, và chính Tỉnh ủy Chợ Lớn là cơ quan đứng ra tổ chức các phiên họp của Xứ ủy dẫn tới quyết định kháng chiến, trong những tháng ngày sôi động hừng hực khí thế chống ngoại xâm của nhân dân miền Nam. Điều này được ghi nhận bởi nhiều tài liệu sử sách và hồi ký, trở thành một dấu son đáng tự hào của Chợ Lớn trong trang sử truyền thống của đồng bào Nam bộ.

Riêng tác giả của bài hát thôi thúc lòng người tiến lên theo nhịp quân hành, nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, lại là một trường hợp độc đáo, trước sau chưa hề có.

Trước đó,, ông là một thanh niên hát hay, đàn giỏi, nhưng chưa từng sáng tác nhạc. Sinh ra trong một gia đình giàu nức tiếng, cha là chủ hãng rượu lớn nhất miền Tây, nhưng ông sống khiêm tốn và luôn giúp đỡ bạn bè và những người quen biết. Tạ Thanh Sơn học cùng trường College Cần Thơ với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, người sau này là tác giả các bài hát Tiếng gọi sinh viên, Lên đàng… Cả hai là bạn thân, cùng tuổi, cùng lớp, cùng ở nội trú tại trường.

Ngày 23/9/1945, Nam bộ kháng chiến, Tạ Thanh Sơn lập tức vào chiến khu đồng Tháp Mười tham gia, và được phân công làm công tác thông tin tuyên truyền, do đã nổi tiếng đàn hay, hát giỏi từ ở trường trung học.

Sáng sớm ngày 25/9/1945, Tạ Thanh Sơn bắt tay vào viết bài hát Nam bộ kháng chiến, và viết một mạch đến trưa là xong. Ông tìm Lưu Hữu Phước, đưa bài hát nhờ góp ý, đồng thời ôm đàn ngồi hát cho Phước nghe. Lúc bấy giờ, Phước đã vang danh nhạc sĩ từ những bài hát Lên đàng, Bạch Đằng Giang, Tiếng gọi sinh viên (sau đổi lại là Tiếng gọi thanh niên)… vẫn được hát vang trong phong trào Thanh niên Tiền phong do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sáng lập và làm thủ lĩnh.

Nghe Sơn hát xong, Phước xúc động nói bài hát quá hay, không cần phải chỉnh sửa gì nữa!

Từ đó, bài hát lan nhanh, trở thành bài hát được yêu thích và phổ biến nhất thời kháng chiến chống Pháp.

Điều độc đáo khác, Tạ Thanh Sơn trong một thời điểm tinh hoa phát tiết, viết ra bài hát, xong là không bao giờ viết nhạc nữa. “Nam bộ kháng chiến” là độc bản, là duy nhất. Chỉ với một bản nhạc, Tạ Thanh Sơn đã ghi tên mình vào nhạc sử Việt, một lần, nhưng tồn tại mãi với thời gian.

Sau ngày đất nước thống nhất, Tạ Thanh Sơn về Cần Thơ sinh sống, là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Năm 1980, ông xin nghỉ, về quê ở Trà Ôn, Vĩnh Long rồi qua đời tại đây năm 1986.

Nhiều bậc cao niên kể lại, thời kháng chiến, các buổi biểu diễn văn nghệ ở miền Tây, khi ca sĩ hát bài “Tiểu đoàn 307” và “Nam bộ kháng chiến”, thường chỉ hát được vài câu đầu, sau đó là toàn thể khán giả đã vổ tay đồng ca cho tới hết bài.

Đó chính là di sản để lại của nhạc sĩ chỉ sáng tác duy nhất một bài hát “Mùa thu rồi, ngày hăm ba…”, Tạ Thanh Sơn.


Số lượt người xem: 1156    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm