SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
7
6
7
2
Bản tin quận 18 Tháng Mười Một 2019 8:35:00 SA

Bài học cách mạng vô giá

 

Tháng 11-19140, cùng với việc phát xít Nhật kéo vào Bắc bộ, thừa cơ thực dân Pháp bối rối, quân phiệt Thái Lan theo lệnh phát xít Nhật tiến đánh Campuchia. Thực dân Pháp bắt lính người Nam bộ và Khmer ra trận làm bia đỡ đạn.

Căm thù thực dân Pháp và được cổ vũ bởi khởi nghĩa Bắc Sơn, nhân dân Nam bộ sục sôi tranh đấu. Từ sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (11-1939) họp tại Hóc Môn – Bà Điểm (Sài Gòn), mặc dù một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bị bắt nhưng Xứ ủy Nam kỳ vẫn củng cố và lớn mạnh.

Tháng 3-1940, Ban Thường vụ Xứ ủy do đồng chí Võ Văn Tần, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư đã vạch ra Đề cương chuẩn bị bạo động đưa các hoạt động lẻ tẻ vào phong trào chống Pháp và tay sai, chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.

Cả Nam bộ rạo rực không khí chuẩn bị. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra giữa ban ngày. Có nơi, khi bọn mật thám kéo đến bắt cán bộ, nhân dân nổi trống mõ uy hiếp, đánh tháo. Các đội tự vệ, du kích dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, phát triển ngay ở những xí nghiệp lớn tại Sài Gòn như Ba Son, F.A.C.I, bến tàu, nhà đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ…; ở nông thôn, phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Làng nào cũng có lò rèn, ngày đêm sản xuất vũ khí. Nhân dân góp nồi đồng, mâm thau, lư hương để du kích đúc đạn. Thậm chí xuất hiện cả những cơ sở làm bom, lựu đạn xi măng, súng thô sơ ở Móp Xanh (Tân An), Bà U (Mỹ Tho), chùa Hòa Thượng Đồng (Rạch Giá).

Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu không một người lính, không một đồng xu cho đế quốc chiến tranh diễn ra sôi nổi trong nhân dân và binh lính. Do công tác binh vận của ta ráo riết, phần lớn trong số 15.000 binh lính người Việt đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy.

Trước tình hình quần chúng sôi sục và chiến tranh Pháp – Thái sắp nổ ra, tháng 7-1940, Xứ ủy Nam kỳ họp mở rộng đã thông qua đề cương chuẩn bị khởi nghĩa do Thường vụ Xứ ủy khởi thảo. Đồng chí Phan Đăng Lưu, đại diện Trung ương Đảng, sau khi dự hội nghị này được cử ra Bắc họp Hội nghị Trung ương lần thứ VII để báo cáo và xin Chỉ thị của Trung ương.

Sau khi nghe đồng chí Phan Đăng Lưu báo cáo cặn kẽ việc chuẩn bị khởi nghĩa, Hội nghị Trung ương nhận định điều kiện khởi nghĩa ở Nam kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, vì vậy đề nghị Xứ ủy Nam kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Trung ương cũng phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở về Nam để hoãn cuộc khởi nghĩa.

Ngày 20-10-1940, vừa về đến Sài Gòn, đồng chí Phan Đăng Lưu đã bị bắt. Lệnh khởi nghĩa lúc đó đã phát đi khắp nơi không thể thu hồi lại. Cùng với đó, kế hoạch của cuộc khởi nghĩa đã phần nào bị địch phát hiện trước ít ngày. Tối 22-11-1940, đồng chí Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy mới thay đồng chí Võ Văn Tần đã bị bắt và một số đồng chí khác trong Thành ủy Sài Gòn sa lưới mật thám. Đế quốc ra lệnh cấm trại binh lính người Việt và tước vũ khí của số phản chiến. Kế hoạch định lấy súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn vào lúc 24 giờ ngày 22-11-1940 làm súng lệnh không thành !

Mặc dù vậy, đêm 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vẫn bùng nổ với khí thế mạnh mẽ và quy mô lớn chưa từng có. Nông thôn Nam bộ rung chuyển. Từ Biên Hòa đến Cà Mau, 18 tỉnh nổi dậy cướp chính quyền. Ở Mỹ Tho, 54 trong số 56 xã được giải phóng. Ở Chợ Lớn, ta giành được nhiều tổng. Ở Tân An, các xã hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, hữu ngạn Vàm cỏ Đông đều về tay nhân dân… Cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm được kéo lên trước nhà làm việc của chính quyền cách mạng.

Mặc dù chính quyền cách mạng chỉ giữ được một thời gian ngắn (lâu nhất ở Mỹ Tho giữ được 49 ngày) nhưng cũng như Xô Viết Nghễ Tĩnh ngót 10 năm trước, đó là những ngày hội của quần chúng.

Thực dân Pháp điên cuồng đàn áp nhằm tiêu diệt chính quyền cách mạng. Máy bay dội bom xuống làng mạc, thôn xóm. Cùng với quần chúng, quân du kích Nam kỳ đã chiến đấu vô cùng anh dũng. Tại Hóc Môn (Gia Định) cách Sài Gòn 20km, dưới sự chỉ huy của đồng chí Mười Đen – Xứ ủy viên, du kích vây đồn, chặn đánh địch tiếp viện ở cầu Bông, giết tên Ác-nôn, Chánh xứ tỉnh Tây Ninh và một số lính, thu 15 súng rồi kéo lên Truông Mít (Tây Ninh). Ở Cần Giuộc, Bến Lức đội du kích của đồng chí Nguyễn Thị Bảy đã làm bọn địch kinh sợ phải gọi chị là “Bà Chúa Đỏ”. Ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) đội du kích của nữ đồng chí Hồng, Bí thư Quận ủy, cùng quần chúng chiếm đồn địch trong 3 ngày, làm chủ quận lỵ. Ở Mỹ Tho, hàng ngàn du kích do Bí thư Tỉnh ủy chỉ huy phá hoại gần 10km đường bộ, 14 cầu, ngăn 6 con sông, bóc đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho. Ngày 14-12-1940, địch phải dùng thủy, lục, không quân tiến công Mỹ Tho nhưng mãi đến 14-1-1941 chúng mới chiếm lại được và đẩy du kích vào Đồng Tháp Mười.

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị dập tắt. Bọn đế quốc vẫn chưa hết hoảng sợ. Một bãi bắn được dựng lên vội vã ngay tại thị trấn Hóc Môn (Gia Định). Ngày 18-8-1941, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam có một cuộc tàn sát quy mô lớn. Các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của dân tộc, của Đảng, trong đó có Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai…, đã bị giặc Pháp giết. Tấm gương hy sinh dũng cảm của các đồng chí mãi mãi sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Khởi nghĩa Nam kỳ là trang sử oanh liệt của miền Nam “đi trước về sau” trên suốt chặng đường cách mạng của đất nước. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam kỳ khởi nghĩa là hiệu kèn giải phóng hùng dũng báo hiệu thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ đã để lại một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của Đảng và nhân dân ta; đã nêu cao tấm gương đấu tranh anh dũng; ý chí quật cường, tinh thần cách mạng tiến công, để lại cho chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau truyền thống bất khuất, kiên cường của lòng yêu nước quả cảm vô song. Qua cuộc khởi nghĩa này, quần chúng càng gắn bó với Đảng, càng tôi luyện chí khí cách mạng, củng cố nhận thức: Con đường sống duy nhất của dân tộc là phải dùng bạo lực cách mạng dập tan bạo lực phản cách mạng của bọn đế quốc và phong kiến, giành lại độc lập tự do.


Số lượt người xem: 731    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm