SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
8
0
5
4
Bản tin quận 23 Tháng Ba 2020 8:20:00 SA

Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

 

Biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên là một nét đẹp rất quan trọng trong đạo làm người. Lòng biết ơn này được tôn lên thành Đạo Ông Bà, mà cụ thể được biểu hiện qua bàn thờ gia tiên với ngày giỗ riêng cho mỗi nhà, hay từ đường của một gia tộc với ngày giỗ hội hàng năm chung cho cả họ.

Tương tự, trong một nước thì con dân cũng biết ơn thủy tổ của mình. Thủy tổ ấy được tôn là Quốc tổ. Thiết lập Quốc lễ Giỗ Tổ là xác định một ngày giỗ chung cho toàn dân, không phân biệt thành phần dân tộc và xu hướng tín ngưỡng hay chính kiến. Từ đường chung cho cả dân tộc Việt Nam ta là Đền Hùng ở đất Phú Thọ.

Hiếm có một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác Tổ tiên - Ngày Giỗ Tổ và từ đường - đền thờ Tổ chung như dân tộc Việt Nam. Từ huyền thoại Mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào đã gắn kết chúng ta lại thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam. "Hằng năm ăn đâu làm đâu, cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ" đã trở thành đạo lý truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn đời nay.

Trên núi Nghĩa Lĩnh uy nghiêm, trầm mặc, có lăng vua Hùng, có điện thờ trời, cột đá thề. Đó là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi. Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam, đó là nơi cội nguồn dân tộc. 

Người ở miền Nam nếu vì đường xá xa cách thì đã có Đền Hùng trong khu vực Thảo Cầm viên Sài Gòn (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1). Còn trong cả nước hiện có hơn 1.400 địa điểm, di tích, kiến trúc thờ Vua Hùng. Còn nhớ, ngay sau ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18-2-1946 quy định ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) là một trong những ngày kỷ niệm lịch sử và "những viên chức, công nhật tòng sự tại các công sở" được nghỉ một ngày hưởng lương. Sau đó, do điều kiện kháng chiến chống xâm lược lâu dài, việt nghỉ lễ tạm gác lại. Ngày 23-3-2007, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bổ sung dự án luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của bộ luật Lao động, quy định người lao động được nghỉ một ngày vào lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch) và vẫn hưởng nguyên lương.

Vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng và nói chuyện với đại đoàn quân Tiên Phong, bộ Quốc phòng dựng bia tưởng niệm ở đền Giếng, ghi lời căn dặn của Bác: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Có thể coi đây như là một cột đá thề của con cháu thời đại Hồ Chí Minh.

Việc tổ chức lễ giỗ Quốc tổ không nhấn mạnh hình thức hoành tráng, mà đi sâu hơn vào tâm thức linh thiêng của dân tộc. Làm mọi người ý thức tích cực, ý nghĩa thiêng liêng của ngày Giỗ Quốc tổ, sao cho mọi người thấm thía rằng giỗ Quốc tổ Hùng Vương sẽ tạo thêm điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi cho toàn dân hướng về cội nguồn, tình yêu nước, đoàn kết dân tộc, biệt tự trọng với truyền thống lịch sử nước nhà. 

Dân tộc Việt Nam có truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Truyền thống ấy đã được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. “Dù ai đi được ngược về xuôi / Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Lời nhắc nhở ấy đã đi vào tâm thức của cả dân tộc, “nếu ai không nhớ / sẽ không lớn nổi thành người”.


Số lượt người xem: 540    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm