SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
3
1
2
2
8
Bản tin quận 07 Tháng Tám 2017 8:05:00 SA

Mùa Trung thu đang tới gần

 

Trung thu - được gọi là ngày Tết Trung thu - chẳng ai xác định được bắt đầu từ bao giờ và ở đâu…? Chỉ biết là ở Việt Nam, hình ảnh và hoạt động về Trung thu được thể hiện trên trống đồng Ngọc Lũ, còn ở Trung Quốc, được ghi nhận có từ thời nhà Đường. Hiện tại, Trung thu là một dịp lễ hội ở nhiều nước Đông Á: Triều Tiên, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, với ngày 15/8 Âm lịch là ngày lễ chính, có bánh Trung thu, có trái cây, có đèn Trung thu và các hoạt động vui chơi cho trẻ em đón trăng rằm. Riêng chuyện thần thoại về ngày Trung thu phổ biến nhất trên thế giới vẫn là chuyện Hằng Nga - Hậu Nghệ của Trung Quốc và chuyện Cây đa - Chú Cuội của Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm thương mại sôi động nhất nước - cũng là nơi thị trường Trung thu khởi động sớm nhất.  Còn hai tháng nữa mới tới ngày Tết Trung thu, nhưng trên đường phố đã thấy những quầy bánh, những lồng đèn Trung thu rải rác xuất hiện, “trình diện” khách thập phương, như thể một lời thông báo: Trung thu đang tới - Chúng tôi có mặt! Và gần như thông lệ, những chỉ dấu sớm nhất về mùa Trung thu luôn luôn khởi phát từ Quận 5, trên bốn trục chính: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn Ông và Nguyễn Tri Phương.

Còn nhớ, mùa Trung thu năm 2016, giới kinh doanh đã “lãnh đủ” khi đầu mùa, dự báo thị trường là có triển vọng tốt, nhưng thực tế diễn ra ngược lại. Vì vậy, năm nay, các đơn vị kinh doanh Trung thu khá thận trọng. Bánh Trung thu đầu mùa đang được chào bán thăm dò ở mức giá của năm ngoái. Ông Phù Tử Văn, chủ hệ thống tiệm bánh Hỷ Lâm Môn khá nổi tiếng với 8 tiệm bánh được bố trí rải khắp trên địa bàn thành phố, cho biết: chưa thể dự báo gì về sức mua mùa Trung thu năm nay. Thương hiệu Hỷ Lâm Môn hàng năm đều chọn một chủ đề chính cho sản phẩm bánh Trung thu. Chủ đề năm 2017 là “Hải Vương Ảnh Nguyệt”, ý nghĩa tạm dịch: “Hải sản quý dưới trăng”, với nội dung này, sẽ có các dòng sản phẩm bánh Trung thu có nhân là hải sản giá trị cao: bào ngư, sò điệp, vi cá… và sản phẩm đặc biệt đủ hải sản mang tên của chủ đề sẽ có trọng lượng 1,2kg, 8 trứng. Ông khẳng định: thương hiệu của chúng tôi lấy chất lượng làm nên uy tín để tồn tại và phát triển hơn 30 năm qua, vì vậy khách hàng tin cậy, và đó chính là niềm vui của chúng tôi mỗi mùa Trung thu.

Nổi đình nổi đám nhất những mùa Trung thu vừa qua là các thương hiệu Kinh Đô, Bibica, Như Lan, Đồng Khánh với chi phí quảng cáo mạnh, tổ chức bán hàng rộng rãi quy tụ lực lượng bán lẻ đông đảo. Điều dễ thấy nhất ở những thương hiệu này là ưu thế sản xuất lớn mang tính công nghiệp, đảm bảo các yếu tố vệ sinh thực phẩm và tiếp cận thị trường hết sức bài bản, có riêng những dòng sản phẩm giá trị khác nhau để khách hàng tùy chọn theo túi tiền và nhu cầu.

Vài năm gần đây, xu hướng tiêu dùng mùa Trung thu đang có thêm xu hướng mới là trở lại với hương vị bánh Trung thu truyền thống, làm thủ công, sản xuất nhỏ nhưng kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu đến sơ chế, chế biến, đóng gói được chăm chút tỉ mỉ. Thương hiệu điển hình của các làm này là cơ sở Tuyền Hương đường Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5. Theo ông Châu Huệ Vinh, chủ cơ sở, Tuyền Hương thành lập từ năm 1967, đến nay vừa chẵn 50 năm - nửa thế kỷ đã qua, nhiều lúc thăng trầm, nhưng cơ sở vẫn tuyệt đối tuân thủ phương châm làm bánh Trung thu theo công thức cổ truyền, kết hợp thủ công với sự hỗ trợ của thiết bị máy móc cơ bản, nhằm giữ gìn hương vị truyền thống không bị thay đổi.

Nếu biết Tuyền Hương làm chiếc bánh Trung thu kỹ lưỡng thế nào, có lẽ người ăn bánh mới hiểu rõ nổi gian nan từ câu chữ đơn giản: giữ gìn truyền thống! Mỡ heo dùng làm bánh phải là loại mỡ heo mới mổ xong, dày trên 2cm. Các loại mứt bí, mứt gừng, mứt chanh… trong nhân bánh, cơ sở đều tự làm lấy. Bánh nhân hạt sen là hạt sen, mỡ nước và nước đường, không pha thêm dù chỉ 1% bột vào nhân.

Một cơ sở khác là Nam Việt, số 22bis đường Ngô Quyền, Phường 6, Quận 5 cũng tương tự như Tuyền Hương, công thức cổ truyền, hương vị truyền thống, không “đua đòi” theo thị trường, không có bánh Trung thu nhân trà xanh, ca cao hay hải sản… như nhiều nhà sản xuất khác.

Cái chung của các cơ sở làm bánh theo truyền thống là quy mô nhỏ mang tính gia đình, thợ chỉ thuê thời vụ, hết mùa Trung thu ai về nhà nấy. Điểm chung nữa là không hề quảng cáo và đặc biệt có ông chủ “gàn”, bảo thủ, không muốn thay đổi, dẫu cho thị trường có bao đổi thay.

(còn tiếp)


Số lượt người xem: 927    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm