SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
6
6
6
6
Bản tin quận 12 Tháng Ba 2018 9:10:00 SA

Hoa xuân trong hồn thơ dân tộc

 

Khi những giọt sương nở rộ đâm chồi sang xuân, thì cũng là lúc trăm hoa đua nở, thơm hương, tỏa ngát xô nghiêng bướm vàng. Mùa xuân không những hoa đào sắc thắm đỏ, hoa mai dát vàng kiêu hãnh trong gió sương, mà còn có hàng trăm thứ hoa đồng nội khác cũng thi nhau khoe sắc trong thơ.

 

Mãn Giác thiền sư đời Lý, sáng ngủ dậy nhìn thấy “Nàng thơ” hoa mai nở, ông bối rối cảm xúc và bật ra vần thơ thật tuyệt vời:“Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, trước cửa, nở một nhành mai!” (Cáo tật thị chúng- Ngô Tất Tố dịch). Hoa mai nở đã làm cho nhà sư bâng khuâng chăng?

Chu Mạnh Trinh là một nhà nho nổi tiếng ở sự phóng khoáng hào hoa, thành thạo cả cầm, kì, thi họa. Ông rất mực yêu mến hoa mai: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái, Lững lờ khe yến cá nghe kinh(Hương sơn phong cảnh ca).

Nếu ai đã một lần đến Chùa Hương, đi dạo trên các đồi dốc quanh chùa thì mới thấm thía ý vị của câu thơ và nhất định bạn sẽ yêu hoa mai hơn!

Cao Bá Quát, người đời suy tôn là “Thánh Quát”. Ông viết nhiều câu thơ và ca ngợi về hoa mai. Đây là câu đối của ông:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm

Nhất sinh đê thủ, bái hoa mai”!

Vua Trần Nhân Tông, vị vua cung kiếm anh hùng của dân tộc ta! Người cũng có nhiều vần thơ ca ngợi ca hoa mai: “Sương giọt mùi hương, lay  bướm dậy/ Đêm ngời ánh nước, khiến chim lơi/Hằng Nga nếu biết vẻ đẹp của hoa mai/ Thì có luyến tiếc chi nơi cung thiềm lạnh lẽo” (Hoa Mai sớm –lần 1).

Đại thi hào Nguyễn Du khi đi sứ bên Trung Quốc, một chủ lò gốm xin ông ghi cho vài chữ vào ấm chén trước lúc cho vào lò nung.

Nguyễn Du vui vẻ cầm bút:“Ngêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ, hạc là người quen”. Trước sự bao la của tạo hóa, mênh mông của trời đất, ấy mà Nguyễn Du chỉ tâm niệm về mai hạc và thi nhân! Nhưng nhà thơ viết “hạc là người quen”.

Nếu mai vàng kiêu hãnh là biểu tượng của mùa xuân đất phương Nam thì ở xứ Bắc, loài hoa vinh dự được chọn là hoa đào. Theo giai thoại tổ tiên ta kể lại, việc miền Bắc chơi đào, trong khi miền Nam chơi mai trong dịp Tết được giải thích: sau khi mở rộng bờ cõi về phương Nam vốn có khí hậu nóng hơn không thích hợp với việc trồng đào, mỗi khi Tết đến, những người đi mở đất nhớ đến cành đào ngoài Bắc nhưng không thể có được đã chọn mai (một cây hoa rất phổ biến ở trong Nam, đẹp, nhiều hoa lại nở đúng mùa Tết) để thay thế.

Nếu ngày Tết mà thiếu hoa đào thì thiếu hẳn hương sắc. Trong thơ Nguyễn Trãi, hoa đào đồng nghĩa với mùa xuân, đồng nghĩa với vẻ đẹp kín đáo thanh cao: “Một đóa đào yêu khéo tốt tươi - Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười” (Đào hoa thi). Nguyễn Bỉnh Khiêm vịnh hoa đào cũng cho rằng đào là giống cây xuất xứ từ cõi tiên: “Tiên thụ thùy tương quán lý tài? - Hảo xuân nhất độ hảo hoa khai” (Cây tiên bên quán bởi ai trồng? Mỗi độ xuân về rực rỡ bông).

Với Nguyễn Bính, nhìn cánh đào rơi trong ngày xuân chạnh lòng nhớ cố nhân: “Hôm nay còn xuân, mai còn xuân - Một cánh đào rơi nhớ cố nhân” (Xuân tha hương). Vũ Đình Liên thì khắc khoải với thời gian mỗi độ xuân về: “Mỗi năm hoa đào nở - Lại thấy ông đồ già - Bày mực tàu giấy đỏ - Bên phố đông người qua” (Ông đồ).

Mai hay đào đều là hai loài hoa tinh khiết, quý hiếm trong muôn loài, tượng trưng cho sức sống kì diệu của thế giới loài hoa giữa trời xuân, lại có hương thơm nhẹ nhàng thanh thoát, hợp với không khí đầm ấm hạnh phúc của người đang rạo rực vui xuân, du xuân. Đào đỏ, mai vàng. Màu đỏ thắm tươi biểu tượng cho sự vui mừng; màu vàng tượng trưng cho sự vinh hiển cao sang.

Ngoài hoa mai, hoa đào còn có không ít loài “hoa đồng nội cũng giăng lưới tình xuân, rượu quê dễ xiêu lòng”. Đẹp làm sao hình ảnh “vườn cũ thức mùi hoa bưởi”, những bông hoa trắng ngần, đua nhau khoe sắc thắm, ngào ngạt hương thơm, chập chờn cánh bướm. Thi sĩ Nguyễn Bính đã có những câu  rất gợi cảm và nên thơ:“Thong thả dân gian nghỉ việc đồng/Lúa thì con gái mượt như nhung/ Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng/Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng (Xuân về).

Ngước nhìn những hạt mưa xuân mong manh, dịu dàng, ta bắt gặp những bông hoa xoan bắt đầu bung nụ, những cánh hoa nhỏ xíu mảnh mai rơi rơi trong gió nhẹ, trong mưa bụi phập phồng. Chợt khao khát thèm nhớ cánh hoa xoan tím ngắt dịu dàng vươn lên mái tóc, nhẹ nhàng buông trên áo, trên vai ai. Nguyễn Bính đã điểm tô cho không khí rạo rực của những ngày đầu Xuân không phải là hoa đào tươi thắm, không phải là layơn sang trọng mà chỉ là hoa xoan: Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,/Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy./Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,/ Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”(Mưa xuân). Nhà thơ Nguyễn Hồng Hải đón xuân mới, lại nhớ đến mùa xuân của tuổi trẻ và tình yêu: “Cái tuổi biết mùa xuân sang/ Mơ màng như hoa xoan ấy/ Phía cuối bờ dâu xóm bãi/ Mắt ai biêng biếc mong chờ” (Hoa xoan). Hoa xoan tím cả một trời xuân thương nhớ. Hoa Xoan, xoan cũng là Xuân đọc chệch đi như hát Xoan tức hát Xuân đấy ạ!

Ngày xuân ta còn bắt gặp nhiều loại hoa loa kèn, với nhiều màu sắc khác nhau, mọc ở bất cứ nơi đâu, bên lề đường, trên triền đê, bờ ao, bờ dậu. Khác với các loài hoa mọc trong vườn, hoa đồng nội không rực rỡ, không kiêu kỳ, không có hương thơm quyến rũ thế nhưng cũng khiến lòng người xao xuyến, rung động tâm hồn: “Hoa dành vàng lối vắng/ Nụ hôn đằm thắm xuân/Người đi chưa trở lại/ Hoa dành… dành nhớ thương…! Mỗi khi bắt gặp hoa loa kèn, bạn sẽ liên tưởng đến bức tranh nổi tiếng “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sỹ Tô Ngọc Vân và biết đâu lại ngân nga những dòng thơ về một loài hoa:Hoa loa kèn em cắm chờ anh/Anh không đến từng nụ hoa vẫn nở/Cứ hào phóng tỏa hương theo gió/Làm sao dồn bắt được mùi hương… (Hoa loa kèn thơm phố tháng Tư Xanh - Lương Đình Khoa).

Đến với thơ Hàn Mặc Tử ta bắt gặp trong  làn nắng “ửng” và “khói mơ” có “Bóng xuân sang” trên giàn hoa thiên lí: Trong làn khói ửng giấc mơ tan/Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang (Mùa xuân chín).

 Trong mãnh vườn xuân còn có hoa chanh, hoa cà, hoa ổi, hoa bí, hoa bầu… dịu dàng mà mộc mạc, cho ta mùa quả trĩu cành: “Đến mùa quả chín nhìn lên/Những điều tưởng đã lãng quên thì còn...”.

Hoa xuyến chi trắng muốt ngỡ là mỏng manh nhưng lại có thể âm thầm mọc kín cả những nơi cằn cỗi, sỏi đá... để rồi khi nhìn từ xa chỉ thấy ngợp một sắc trắng mênh mông như những đám mây trời sà xuống mặt đất. Những ngày xuân, hoa xuyến chi nở rộ làm nền cảnh đẹp rất tao nhã: “Em thách cưới một vòng hoa xuyến chi /Để tôi suốt trưa mải mê khắp triền đồi lộng gió/Bới tung từng bụi cỏ /Khấp khởi vui mừng khi tìm được một nụ hoaEm có nhớ về hoa Xuyến Chi /Như nhớ lời thầm thì đêm cuối đông trời Hà Nội/Thế kỷ xanh chông chênh trên lưng cụ Rùa cằn cỗi/Gió Hồ Gươm - ta không dối lòng mình!...(Hoa xuyến chi - Phạm Vũ Ngọc Nga).

cuốn“Lãng du trong văn hoá Việt Nam”, Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc đã thống kê: “Trong Truyện Kiều có tới hơn 130 câu thơ sử dụng chữ “hoa”, không kể những câu thơ sử dụng tên hoa như: phù dung, đào, (lửa) lựu, mai, lan, huệ…. có thể đến hàng trăm”, nhà nghiên cứu khẳng định: “Văn hoá truyền thống Việt Nam mang dấu ấn  của hoa”.

Xuân lại về, tiết trời ấm áp, ngoài kia trăm hoa đang đua nở, thi nhân, thi sĩ cũng nở hoa xuân trong những vần thơ!

Tài liệu tham khảo:

1-Thơ Văn Lý Trần, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989

2-Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông Toàn Tập, NXB TPHCM, 2000.

3-http://www.thivien.net, trang thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm,  Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Đình Liên, Nguyễn Hồng Hải, Lương Đình Khoa, Phạm Vũ Ngọc Nga.

4-Lãng du trong văn hoá Việt Nam, Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc, NXB Thế giới.


Số lượt người xem: 1421    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm