SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
0
0
8
0
Bản tin quận 14 Tháng Năm 2018 10:20:00 SA

Thuê bao di động phải bổ sung ảnh chân dung: Nỗi khổ của người dân!

 

Giữa tháng 4/2018, người dân cả nước như lên cơn sốt vì lo âu, do các nhà mạng đồng loạt thông báo liên tục: ngày 24/4/2018 là hạn chót bổ sung ảnh chân dung vào hồ sơ thông tin thuê bao số điện thoại di động đang sử dụng. Ai nấy đùng đùng đi đăng ký. Các điểm giao dịch nhà mạng nào cũng đông nghẹt người. Cửa hàng của Vinaphone góc ngã tư Châu Văn Liêm – Hải Thượng Lãn Ông trong các ngày 23, 24/4 không còn chỗ gửi xe (trên vỉa hè). Những dòng thác người đăng ký dồn dập khiến mạng internet bản thân các nhà mạng cũng bị nghẽn từng hồi, gây bối rối cho lực lượng nhân viên vốn đã căng thẳng trước đám đông người chầu chực chờ tới lượt – mặt mũi người nào cũng cau có, khó đăm đăm.

Cũng may, vào ngày cuối, một thông báo khác được phát ra: sau ngày 24/4… “tạm thời” chưa cắt các thuê bao di động chưa bổ sung thông tin cá nhân, nôm na là chưa đi… chụp hình. Mọi người thở phào, có người còn chạnh lòng, liên tưởng ngộ nghĩnh: Ôi giào…! Cứ y như là “thánh chỉ tới!” vào lúc Bao Công đã rút thẻ trảm giơ lên trước mặt ấy!... Suýt chút là cái số điện thoại… bay đầu!

Hỏi thăm một số người quen, té ra nỗi vất vả vì nhà mạng của dân thành phố kém xa so với bà con nông thôn. Bỏ việc đồng áng, đi chục cây số, chờ chực suốt buổi quả là một cực hình không dễ cam chịu. Câu châm ngôn “Khách hàng là thượng đế” ở đâu thì đúng, nhưng ở đây, trong các phòng máy lạnh của các nhà mạng, bỗng trở nên yếu xìu, không “ép phê” nào.

Điều cực nghịch lý là ở mọi cấp, mọi nơi, mọi ngành đang thực thi nhiều giải pháp để phục vụ người dân tốt hơn, thủ tục hành chính ngày một tinh gọn hơn, đặc biệt là hệ thống chính quyền cấp cơ sở phường, quận là nơi cọ xát với nhu cầu của người dân luôn lấy sự hài lòng của người dân là một mục tiêu quan trọng để làm thước đo hiệu quả công việc, thì ngược lại, ngành viễn thông cùng các nhà mạng như sổ toẹt vào những nỗ lực ấy một cách phũ phàng, không thương tiếc. Gọi cho đúng tên, là “hành dân”, và không phải dăm ba ngàn người mà là chục triệu người, không phải thu hẹp ở một nơi mà trên phạm vi cả nước, gây bức xúc cộng đồng.

Nguyễn Trãi xưa mở đầu bài Bình Ngô Đại Cáo bằng một tuyên ngôn chính trị chắc nịch: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Làm cho một nửa dân số phải rối ren mất công, mất việc, mất thời gian đi lại chầu chực để “được chụp hình”, vì nhu cầu quản lý của ngành truyền thông, rõ ràng không thể là việc nhân nghĩa, hay nói khác đi theo ngôn ngữ đương đại là thiếu ý thứcc chính trị. Xem kỹ lại, việc bổ sung thông tin cá nhân thực hiện theo Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định rõ ngành truyền thông và các nhà mạng có thời hạn một năm để thực hiện. Một năm qua, không hề có những đợt truyền thông hướng dẫn, nhắc nhở cộng đồng rộng khắp và hiệu quả. Cũng không hề có sự phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai thu thập bổ sung thông tin cá nhân, hay huy động thêm các nguồn nhân lực khác tỏa đi các địa bàn dân cư hỗ trợ người dân thực hiện.

Như vậy, từ chủ trương đúng đắn của Chính phủ với mục đích quản lý xã hội tốt hơn, ngành truyền thông và nhà mạng để nước tới chân mới nhảy, gần kề thời hạn chót mới tấp cập kêu gào đăng ký. Bản thân điều này đủ chứng tỏ sự thiếu tôn trọng khách hàng sử dụng thuê bao điện thoại.

Ngày nay, số điện thoại thuê bao ngoài việc sinh hoạt cá nhân, còn là phương tiện không thể thiếu trong làm ăn, là con số dùng giao dịch tín dụng, lên mạng tra cứu thị trường, nắm bắt tình hình, tìm kiếm cơ hội sản xuất kinh doanh hoặc đối tác trong và ngoài nước… Số điện thoại quen thuộc hẳn nhiên gắn liền với một doanh nhân, như một sự thể hiện tính ổn định, bền vững dưới mắt khách hàng và những doanh nhân, doanh nghiệp bè bạn. Dù gian nan đi bổ sung thông tin, ai cũng phải cắn răng thu xếp công việc để đi, nhưng chẳng ai phục, thậm chí không ít người tỏ lộ sự bất mãn cay cú ở quầy giao dịch của nhà mạng, vì cảm thấy mình bị rơi vào thế bị bắt bí, trong khi tiền trả phí thuê bao đều đều, không thiếu một xu.

Tóm lại, chính các nhà mạng bê trễ, lơ là và sau đó dồn ép người dân làm thủ tục bổ sung, không thì… cắt! Dồn đến sát ngày cuối, vẫn còn hàng chục triệu số thuê bao không thể kịp bổ sung (hoặc chủ thuê bao “chơi lì”) phải đành… chưa cắt sau ngày 24/4/2018.

Đây không phải là cung cách làm ăn có kế hoạch, chặt chẽ và tôn trọng khách hàng, khó có thể tồn tại khi gia nhập sân chơi lớn toàn cầu hóa đang cận kề trước mặt.


Số lượt người xem: 988    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm