SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
4
7
5
4
2
Bản tin quận 09 Tháng Bảy 2018 8:00:00 SA

Người tài và chính sách trọng dụng người tài

 

Người tài (talent), nói chung, là những người vừa có lý tưởng cao đẹp. vừa có trí tuệ phát triển và giàu tính sáng tạo, có thể đóng góp xuất sắc vào kho tàng trí tuệ của đất nước, của nhân loại. Người tài là người có kiến thức sâu sắc, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp mới, biết tổ chức các nguồn lực để tạo ra nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, địa phương, đất nước. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người tài phải bao gồm cả đức và tài, trong đó đức là gốc.

Người xưa dùng chữ “Đãi sĩ” để chỉ cách đối xử với kẻ sĩ, với người tài. “Đãi sĩ” đi đôi với “Chiêu hiền”. “Chiêu” phải biết “Đãi”, “Đãi” để mà “Chiêu”. Các bậc đế vương anh minh đã nhận thức sâu sắc vai trò của người tài đối với xã hội, quốc gia, đặc biệt là đối với sự hưng vong của ngay bản thân các triều đại. Trải qua các triều đại, “chiêu hiền” đã được nâng lên thành quốc sách.

Ngay sau khi lên ngôi, Minh Mệnh đã coi trọng việc học tập, chọn lựa người tài và ra chỉ dụ cho bộ Lễ: “Đạo trị nước tất phải lấy việc gây dựng người tài làm ưu tiên”.

Trong thời kỳ cực thịnh của phong kiến Việt Nam, vua Lê Thánh Tông đã đặc biệt coi trọng công tác giáo dục và đào tạo người tài cho đất nước. Vâng mệnh vua Lê, nhà văn hóa lớn Thân Nhân Trung, Tao Đàn Phó đô nguyên súy, đã thảo bài văn bia năm 1484 và bài văn bia năm 1487, qua đó, ông nhấn mạnh những nội dung cơ bản trong chính sách hiền tài của Nhà nước:

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp kém. Vì thế các bậc thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí là công việc cần kíp. Bởi kẻ sĩ có quan hệ trọng đại với quốc gia như thế, cho nên được quý chuộng không biết dường nào…”(Văn bia 1484). Trong thư tịch cổ nước ta, khó có thể tìm được áng văn nào nói hay hơn về vai trò của hiền tài đối với đất nước cũng như thái độ trọng người tài của Nhà nước. Có thể coi đây là tuyên ngôn bất hủ về chính sách người tài không chỉ của nhà Lê mà của muôn thời.

Hiền tài là người có cả tài năng và đức hạnh, là người vừa có tài vừa có đức. Theo Thân Nhân Trung, đó là người “lấy trung nghĩa mà rèn cho danh thực hợp nhau, thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời, khiến cho mọi người đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết, may ra trên không phụ lòng nhân dưỡng dục của triều đình, dưới không phụ công phu học tập thường nhật” (Văn bia 1487).

Thân Nhân Trung đã khẳng định một chân lý lịch sử: “Kẻ sĩ có quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước” (Văn bia 1484).

Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), hai văn bia nói trên đã luôn luôn nhắc nhở các triều đại, các nhà nước về chính sách đối với hiền tài, bởi lẽ, sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự thịnh suy của hiền tài.

Tháng 11-1429, sau khi đánh tan quân Minh, Lê Lợi hạ Chiếu cầu hiền do Nguyễn Trãi soạn thảo, trong đó, có đoạn: “Tuy người tài ở đời vốn không ít mà cầu tài không có một đường. Hoặc có người nào có tài kinh luân mà bị khuất ở hạng quan nhỏ, không ai tiến cử, cùng người hào kiệt ở nơi đồng nội hay lẫn trong binh lính, nếu không tự đề đạt thì Trẫm bởi đâu mà biết được. Từ nay về sau, các bậc quân tử ai muốn đi chơi với ta đều cho tự tiện”(1).

Nước Đại Việt là một nước văn hiến với đủ hai nhân tố: nền tảng văn hóa của nhân dân và sự xuất hiện những hiền tài của đất nước. Hiền tài thể hiện tinh hoa của phẩm chất và tâm hồn được chắt lọc và nâng cao từ trong nhân dân. Mối quan hệ giữa nhân dân và hiền tài tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc. Ý nghĩa này được Nguyễn Trãi khái quát trong Đại Cáo Bình Ngô:

                    “Như nước Đại Việt từ trước

                      Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

                      Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

                      Nhưng hào kiệt không bao giờ thiếu”.

Trong “Chiếu lập học”, nhà chính trị, nhà thơ Ngô Thời Nhậm thay lời vua Quang Trung thảo ra khoảng năm 1789, đã viết:

                     “Kiến quốc dĩ giáo học vi tiên.

                      Cầu trị dĩ nhân tài vi cấp”.

(Xây dựng đất nước lấy dạy và học làm đầu; yêu cầu cai trị đất nước lấy việc dùng nhân tài làm cấp thiết)(2).

Sau khi đại thắng quân Thanh (Kỷ Dậu - 1789), vua Quang Trung ban bố ngay “Chiếu cầu hiền”, và là người hết sức khiêm tốn, tôn trọng và khoan dung, độ lượng với các bậc hiền tài, nên nhiều sĩ phu thức thời đã một lòng một dạ phò tá nhà vua như: Nguyễn Thiếp, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích…

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực tuyệt vời tiêu biểu nhất về việc trọng dụng người tài. Chỉ trong vòng một năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Người đã có hai bài đăng trên báo Cứu quốc: “Nhân tài và kiến quốc” (14-11-1945) và “Tìm người tài đức” (20-11-1946). Đó là Chiếu cầu hiền của cách mạng với những lời lẽ chân thành, lay động con tim của đông đảo trí thức, nhân tài lúc bấy giờ. Trong bài “Tìm người tài đức”, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức…Nay muốn…trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”(3).

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Người đã mời các nhân sĩ, trí thức và cả những quan lại của triều đình nhà Nguyễn ra gánh vác việc nước. Khi sang Pháp, Người đã vận động nhiều trí thức có tâm, có tài sẵn sàng bỏ lại sau lưng những ưu đãi về vật chất để trở về cống hiến vô điều kiện cho đất nước.

Cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng người tài là lòng thiết tha thực sự cầu hiền, xuất phát từ tư tưởng nhân văn, dựa trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vì Tổ quốc trên hết.

Trong bài “Thiếu óc tổ chức - Một khuyết điểm lớn trong các Uỷ ban Nhân dân” đăng trên báo Cứu quốc, số 68, ngày 4-10-1945, Người viết: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, …có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”(4). Người nói như vậy và suốt cả cuộc đời, Người đã làm như vậy. Nhờ những chính sách đúng đắn của Người đối với người tài, nên đội ngũ cán bộ có tài, có đức ngày càng nảy nở như hoa mùa xuân.

Đất nước ta không thiếu người có tài, có đức. Vấn đề là phải có sự đồng bộ từ nhận thức, thái độ đến cơ chế chính sách trong phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ cho đúng.

Trọng thị, trọng dụng, trọng đãi người tài là ba khâu liên quan chặt chẽ với nhau. Trọng dụng là biểu hiện cụ thể của trọng thị, và là động lực quan trọng để thu hút người tài. Trọng đãi là sự trả công xứng đáng cho những đóng góp của người tài cho xã hội, đất nước.

Người tài mong muốn trước hết là được làm việc và cống hiến. Do vậy, cần quan tâm đến ba yếu tố: Điều kiện làm việc, quyền tự chủ trong lĩnh vực hoạt động, và cuộc sống ổn định.

Một tài năng mà không có đất “dụng võ” chẳng khác gì con cá sống giữa ruộng khô, có vùng vẫy rồi cũng chết.

Hiện nay, trong công tác cán bộ, lan truyền câu vè theo trật tự ưu tiên, đó là “Nhất trực hệ, nhị tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ”. Trước đây, người ta nói tứ là trí tuệ, nhưng gần đây, câu vè được điều chỉnh lại, trí tuệ bị gạt ra ngoài. Người tài làm gì còn chỗ đứng. Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy, chỉ có người tài mới nhận ra người tài. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hay “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Mặt khác, phải kể đến tham vọng của người tài. Khi không được đổi xử như ý, họ sinh tâm trạng chán chường hoặc rời bỏ cơ quan, đơn vị mà ta gọi là chảy máu chất xám.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã yêu cầu: “Phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần “thời kỳ nào, phong trào nào thì cán bộ đó”.

Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng, khoá XII đã thông qua Nghị quyết Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong công tác cán bộ, chính sách trọng dụng người tài được thực hiện trên cơ sở tiến hành các giải pháp chủ yếu dưới đây:

1) Xây dựng Bộ Luật Trọng dụng người tài, làm cơ sở pháp lý chuẩn mực để thi hành chính sách trọng dụng người tài trên pham vi cả nước, coi đó là Chiếu cầu hiền của Nhà nước ta. Nội dung của Bộ Luật này bao gồm những vấn đề cơ bản như: định nghĩa người tài; phân loại người tài theo từng lĩnh vực; những nguyên tắc phát hiện, lựa chọn và trọng dụng người tài; trách nhiệm tiến cử, đề cử; đánh giá năng lực, cống hiến của người tài; cam kết của người tài; cơ chế bảo vệ người tài và chế tài xử lý đối với những hành vị trù dập người tài, v.v…

Trong khi chưa có Bộ Luật Trọng dụng người tài, cần xây dựng một Bộ tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh. Những ai tài hẹn, đức mọn tự đối chiếu với Bộ tiêu chí, không thể, không muốn và không dám có tham vọng làm quan, thậm chí có dùng tiền cũng không mua được.

2) Phải có cơ chế thi tuyển minh bạch đối với các chức danh bổ nhiệm và cơ chế tranh cử đối với các chức danh bầu cử bằng cương lĩnh, chương trình hành động.

3) Cơ chế bổ nhiệm, đề cử, tiến cử phải gắn với trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan. Người lãnh đạo, quản lý cố ý bổ nhiệm “nhầm” người, dù người đó là người bên ngoài hay người thân đều bị pháp luật trừng trị. Có như vậy, người được bổ nhiệm dù là con cháu, nhưng có đủ tài đức, cũng sẽ đường đường bước ra chính trường.

4) Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức theo hướng xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ, vị trí, việc làm cụ thể... Tổ chức bộ máy gọn, nhẹ, hiệu lực, hiệu quả; biên chế được tinh giản triệt để...

5) “Xử lý hài hoà, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa tính phổ biến và đăc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể”, như Nghị quyết TW 7, khoá XII đã xác định. (5)

6) Thực hiện kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch...

7) Tham nhũng trong công tác cán bộ khó phát hiện nhất, nên an toàn nhất. Những quan chức thoái hoá, biến chất đã khai thác triệt để vấn đề này. Cho đến nay, chưa có vụ tham nhũng lớn nào trong công tác cán bộ được đưa ra xét xử. Do vậy, cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong công tác cán bộ nên được coi trọng hơn, tiến hành quyết liệt hơn.

8) Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Đã đến lúc cần có một chiến lược người tài đúng đắn nhất trong tổng thể chiến lược con người nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII của Đảng.


Số lượt người xem: 1088    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm