SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
2
0
0
3
Bản tin quận 08 Tháng Mười 2018 9:20:00 SA

Khi xe buýt ế!

 

Ngày 21/9/2018, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định tạm ngưng hoạt động hai tuyến xe buýt số 37 – lộ trình từ Cảng Quận 4 đi Nhơn Đức, Nhà Bè và số 60 – lộ trình từ bến xe An Sương đi khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Bình Chánh. Lý do: vắng khách!

Trước đó hơn một tháng, cũng đã có hai tuyến xe buýt 40 và 149 ngưng hoạt động, cũng vì cùng một lý do trên.

Tháng 7/2018, đã xảy ra sự việc nhiều tài xế xe buýt thuộc Hợp tác xã Vận tải Đông Nam và chủ xe hè nhau kéo đến Trung tâm Quản lý giao thông công cộng để phản đối việc tiền trợ giá bị nợ kéo dài, chậm được chi trả, gây khốn đốn cho các chủ xe và đời sống của các tài xế.

Có vấn đề gì đang xảy ra, với hệ thống xe buýt đang vận hành ?

VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG: BỨC TRANH ĐƠN ĐIỆU!

Toàn thành phố hiện có 150 tuyến xe buýt, số lượng xe trên 2.000 chiếc, là lực lượng xe buýt hùng hậu nhất nước hiện nay. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của lực lượng này, hàng năm ngân sách thành phố phải chi ra trên 1.000 tỷ đồng, gọi là “trợ giá”, cho hơn 100 tuyến xe buýt. Tính ra, 2/3 số tuyến xe buýt hiện hữu đang được ngân sách bù lỗ, nhằm duy trì hoạt động xe buýt, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Thoạt nghe, cứ ngỡ như kinh doanh xe buýt là… sướng, vừa thu tiền vé, vừa có tiền bù lỗ, nhưng thực tế không phải như vậy! Không ít doanh nghiệp xe buýt đang cầm cự để tồn tại trong khó khăn. Hợp tác xã Vận tải số 28 là đơn vị đang khai thác nhiều tuyến xe buýt: 15, 16, 73, 84, 101, 144, 151… vừa nhận được thông báo đòi nợ gần 700 triệu đồng từ công ty Cổ phần Kinh doanh khí miền Nam, chi nhánh Đồng Nai, cho biết sẽ ngưng cung cấp nguyên liệu khí hóa lỏng kể từ ngày 5/10/2018, nếu Hợp tác xã không trả nợ, vì đã khuất nợ từ… tháng 7/2018. Nếu điều này xảy ra, thật là đáng tiếc, vì sẽ có một số lượng lớn xe buýt thân thiện với môi trường phải tạm dừng hoạt động.

Căn cứ vào hiện trạng có thể thấy rõ rất ít tuyến xe buýt có lời, số đông được ngân sách hỗ trợ nhưng cũng không gọi là duy trì, còn khách xe buýt ngày một thưa vắng dần. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này về cơ bản xuất phát từ nhận thức của giới lãnh đạo ngành giao thông, đơn giản hóa nhu cầu đa dạng của người dân, chỉ chăm bẳm vào một phương tiện công cộng duy nhất là xe buýt trong nhiều chục năm, không chú trọng đa dạng hóa các loại xe vận tải khách công cộng theo nhiều chiều kích khác nhau, thỏa mãn nhiều loại nhu cầu đi lại sinh hoạt của cư dân đô  thị.

Trong quá khứ trước năm 1975, Sài Gòn chỉ khoảng 3 triệu dân cư, ít hơn 4 lần so với hiện nay, nhưng người dân đi lại bằng đủ loại xe sẵn sàng phục vụ: xe buýt, xe lam, xe Daihatsu, xích lô máy, xích lô đạp… và tất nhiên là cả xe ôm và taxi. Hành khách nuốn đi loại xe nào tùy vào túi tiền và nhu cầu. Giá rẻ nhất vẫn là xe buýt – như bây giờ - nhưng phải lên xuống theo trạm. Giá cao hơn xe buýt nhưng vẫn bình dân là xe lam, xe Daihatsu, chạy theo tuyến như xe buýt nhưng lên xuống thoải mái, không cần theo hệ thống trạm nên khách vẫn thường lựa chọn vì nhanh gọn, đỡ mất công cuốc bộ thêm như đi xe buýt.

Sự đa dạng của nhu cầu đi lại đòi hỏi sự đa dạng của các phương tiện vận chuyển công cộng, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp lẫn người dân nhạy bén, nắm bắt kịp nhu cầu. Đó là một thực tế từ quá khứ. Sự đơn điệu suốt mấy mươi năm dài của xe buýt đã góp phần đáng kể vào tình trạng khó khăn của chính lực lượng xe buýt hiện nay, do thiếu sự bổ sung linh hoạt của xe cỡ nhỏ, chở ít, đi tuyến ngắn, chi phí thấp và cơ động, có thể cũng không cần trợ giá vẫn sống khỏe.

CẦN NHANH CHÓNG ĐA DẠNG HÓA?

Bổ sung cho xe buýt bằng các loại xe cỡ nhỏ chục chỗ ngồi, mở tuyến ngắn, dài hoặc mới, hoặc trùng với tuyến xe buýt toàn phần hoặc một phần, chính là cách “chia lửa” cho xe buýt lâu nay phải đóng vai “Nhất kiếm trấn ải”, đang chững lại và có dấu hiệu đuối sức, bỏ cuộc trên một số tuyến hành trình.

Cuộc mưu sinh của hàng chục triệu con người tại thành phố Hồ Chí Minh vẽ ra một bức tranh muôn màu, và phải chăng, những chuyến xe buýt vắng khách là một thực tế hiển nhiên khẳng định sự tụt hậu của chủ trương phát triển vận chuyển công cộng chỉ bằng xe buýt trong suốt nhiều năm qua? Thành phố chúng ta không thiếu nhà đầu tư, cũng không lo thiếu vốn. Phong trào taxi Grab thu hút hàng chục ngàn người bỏ vốn, sắm xe tham gia ào ạt là một minh chứng gần nhất, cho thấy nhiều lợi ích: người dân được giá rẻ, các hãng xe taxi phải thay đồi thích nghi để tồn tại, cơ cấu vận chuyển khách công cộng được bổ sung lực lượng, nhà nước có thêm nguồn thu thuế, công nghệ ứng dụng có nơi thể hiện cụ thể tạo thêm tiện nghi cho đời sống người dân.

Rất cần những bước đi đột phá để phát triển vận chuyển hành khách công cộng trong thời gian tới, từ những bất ổn của thực trạng xe buýt đang diễn ra.


Số lượt người xem: 1207    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm