SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
4
9
3
8
2
Bản tin quận 18 Tháng Ba 2019 8:05:00 SA

Nghề truyền thống -Trong dòng đời phố thị

 

Thành phố Sài Gòn có lịch sử hơn ba thế kỷ, từ khi quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam, lập dinh Phiên Trấn và dinh Trấn Biên năm 1680, đưa dân miền Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Tín, Quảng Nam, Quảng Ngãi) vào khai hoang lập ấp trên miền đất mới. Cùng thời điểm ấy, lân quốc Trung Hoa vào thời Minh Mạt, vương triều Mãn Thanh nổi lên, lệnh cho dân phải theo phong tục người Mãn là cạo đầu, thắt tóc đuôi sam, lòng người ly tán. Nhiều cựu thần, bại tướng triều Minh kéo nhau bỏ xứ ra đi, tìm nơi lánh thân chứ không chịu thần phục Mãn Thanh. Họ giong buồm ra biển, xuôi gió vào Việt Nam, xin quy phục nhà Nguyễn. Có đoàn thuyền lên tới hàng trăm chiếc, chở mấy ngàn người, gồm cả quan, binh và gia quyến.

Lịch sử ghi nhận Trần Thượng Xuyên ở Biên Hòa, Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho, Mạc Cửu ở Hà Tiên là ba người lãnh đạo của ba đoàn thuyền lớn nhất, đã lần lượt được chúa Nguyễn cho phép định cư. Từ đó, họ gia nhập cộng đồng người Việt, sinh cơ lập nghiệp, làm đủ thứ nghề, với không ít người là thợ giỏi. Dần dà, ngày tháng trôi qua, Gia Định thành phát triển thành trung tâm kinh tế, thu hút mạnh người tứ xứ đổ về, vùng Chợ Lớn với làng Minh Hương có sẵn thành nơi lý tưởng để người Hoa hội tụ, trở nên trù phú hẳn.

Trên vùng đất mới, cư dân Việt cùng di dân Hoa chung sống, hòa nhập, cùng nhau thi thố mọi nghề nuôi thân. Vẫn còn ở Quận 5 những địa danh hình thành từ thời xa xưa ấy. Kế bến xe Chợ Lớn là đường Xóm Vôi, chợ cũng Xóm Vôi, có nghĩa nơi đây đã từng tồn tại một khu lò nấu vôi lớn và mua bán mặt hàng này, vừa cần trong xây dựng, vừa dùng vào việc trị phèn trong nghề nông. Gần đó, có xóm Lò Rèn, nay là Nhà thờ Cha Tam đường Học Lạc, hẳn là nơi rèn đúc vũ khí thô sơ lẫn nông cụ, phục vụ sản xuất lẫn nhu cầu khí giới cho quân lính thời bấy giờ. Khu vực bệnh viện Chợ Rẫy, xưa là xóm Rẫy, đất giồng cao cặp kênh thông ra đường Châu Văn Liêm bây giờ - xưa cũng là kênh bị lấp làm đường thời Pháp thuộc – được dân trồng các loại rau màu, bán ngay ven kênh cho ghe xuồng ngang qua. Xa hơn một chút, bên Quận 6 là khu Lò Gốm, cung cấp vật dụng sành sứ, đồ đất nung dùng trong sinh hoạt của cộng đồng cư dân, nằm cặp kênh Tân Hóa cho tiện vận chuyển nguyên liệu lẫn sản phẩm tiêu thụ các nơi.

“Vật đổi sao dời”! Đó là những nghề truyền thống xưa, nay đã mai một theo thời gian, hay giả sử rằng muốn tồn tại, phải vượt ra khỏi không gian phố thị chật chội để tìm nơi mới, vùng ven hay các tỉnh thành phụ cận. Dân đô thị không thể nghe tiếng búa đập trên đe thợ rèn, ngửi khói đốt lò gốm hay nung vôi. Cuộc đổi thay do tiền định, hay chính sự lột xác lớn lên từng lúc của đô thị đã vô tình đẩy đuổi những nghề truyền thống này ra khỏi không gian của mình?

Tuy vậy, không phải nghề truyền thống nào cũng lùi xa thành phố, nhường chỗ cho trào lưu đô thị hóa. Có những nghề vẫn tồn tại và phát triển, với sự thích nghi tốt theo hoàn cảnh. Khá nhiều nghề ở Quận 5 hiện nay có thể minh họa cho điều này.

Gần ngã tư Lương Nhữ Học – Nguyễn Trãi, có một nghề khá xưa và… lạ lẫm: nghề làm áo cho các tượng thờ, đặc biệt là áo cho các tượng Bà. Có nơi làm lặng lẽ, nhưng cũng có nơi ra tiệm lớn trên đường Trần Hưng Đạo như tiệm Linh Phụng, khuyếch trương việc bán hàng qua Facebook hẳn hoi. Sản phẩm nghề này đa dạng: áo, mão, hia, quạt, long, đai… kèm theo một số “phụ kiện” khác. Trong tín ngưỡng dân gian Việt – Hoa, có khá nhiều Bà được thờ cúng: Bà Chúa Xứ Núi Sam, Châu Đốc, Bà Thiên Hậu của người Hoa, Bà Thánh Mẫu YANA ở Tháp Bà Nha Trang, Bà Chúa Kho, Bà Công Chúa Liễu Hạnh ở miền Bắc… Phục trang của các Bà vì vậy cũng có sự khác biệt.

Riêng Bà Chúa Xứ Núi Sam, có tục lệ hàng năm tắm và thay áo cho Bà vào ngày vía, vì vậy nhiều người đi dâng lễ tại đây thường sắm sửa đầy đủ phục trang cho Bà. Áo dâng Bà nhiều tới mức Ban trị sự dùng cắt ra, bỏ bao lì xì lại cho khách cúng lễ, gọi là lộc Bà ban cho.

“Sản phẩm” phụ của nghề làm áo cúng Bà còn có áo ông địa, áo thần tài, áo Phật Bà Quan Âm… Áo may tỉ mỉ, kết cườm thêu hoa, đính thêm hình chim phượng, chim công đủ màu sắc, nên một bộ áo Bà kèm đủ phụ kiện lên tới vài triệu đồng – không thua giá một bộ veston trẻ trung, đắt tiền. Nhờ vậy, nghề xưa nhưng sống “khỏe re”, hàng làm không kịp bán, khoảng tháng 4 Âm lịch hàng năm.

Một nghề truyền thống khác là làm đầu lân – cách nói gọn của cả ba loại lân – sư – rồng. Khu vực có nhiều gia đình tham gia nghề này nằm ở nơi giáp ranh ba quận 5, 6 và 11, số lượng lên tới hàng trăm hộ nhưng không tập trung thành xóm, mà sống rải rác, với số đông ở trong những con hẻm. Nghề này xuất phát từ ban đầu chỉ phục vụ cho các đội lân, dần dần phát triển khi múa lân được công chúng nhiệt tình ủng hộ và ưa thích, nhất là trẻ thơ. Lân và ông địa trở thành món hàng phổ cập, bày bán nhiều nơi.

Nhưng, người được nhiều đội lân nổi tiếng thừa nhận như một nghệ nhân làm đầu lân tại Chợ Lớn lẫn Sài Gòn là ông Tư Nhứt, ở đường Lão Tử, Phường 11, Quận 5. Gia đình ông đã có truyền thống làm đầu lân qua ba đời.

(Còn tiếp)


Số lượt người xem: 1280    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm