SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
7
7
4
3
Bản tin quận 17 Tháng Sáu 2019 1:35:00 CH

Báo chí Cách mạng Việt Nam được Bác sáng lập đầu tiên

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa thế giới, là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập ra nền báo chí cách mạng đầu tiên của nước ta. “Tổng số bài báo của Người viết từ năm 1919 đến năm 1969 là 1.535 bài, (Kể cả bài không có bút danh), với 53 bút danh khác nhau trên các báo”. Riêng báo nhân dân tính từ số ra đầu tiên ngày 11/3/1951 đến số 5.526 ra ngày 01/6/1969, Người đã viết 1.205 bài với 23 bút danh khác nhau.

Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc) Bác đã sáng lập ra tờ báo Thanh Niên – Cơ quan của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên. Đây là tờ báo cách mạng Việt Nam đầu tiên do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và biên tập chính. Từ tháng 02/1922 ở Pháp đến tháng 11/1941, Bác về nước hoạt động Bác đã trực tiếp tổ chức, sáng lập, biên tập nội dung, trình bày và phát hành 08 tờ báo chủ lực của cách mạng nước ta. Gồm các báo “Le Paria” (Người cùng khổ) – 1922; “Thanh Niên” – 1925; “Công Nông” – 1926; “Lính cách mạng” – 1929; “Tạp Chí Đỏ” và “Thân ái” – 1930; “Việt Nam độc lập” – 1931; “Cứu Quốc” – 1931. Đồng thời Bác có thơ khuyên đồng bào mua báo “Việt Nam độc lập” : … “Báo độc lập hợp thời đệ nhất / Làm cho ta mở mắt, mở tai / Cho ta biết đó biết đây / Ở trong nước và ở ngoài thế gian”.

Những bài báo của Bác viết rất giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc. Bác viết nhiều thể loại : Tin ngắn, tin hình, chính luận, trào phúng, ký, tuyên ngôn, hiệu triệu, thơ tự sự, trữ tình. Người viết báo suốt cả cuộc đời làm cách mạng từ năm 1919 đến năm 1969. Bài báo cuối cùng của Người là : “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác rất coi trọng công tác báo chí, Người cho rằng báo chí là người tổ chức quần chúng làm cách mạng. Những bài ca của Bác đăng báo thường kết thúc bằng những câu kêu gọi đoàn kết : “Khuyên ai nên nhớ chữ đồng, dân ta nên nhớ chữ đồng”. Bác còn trực tiếp dạy chữ quốc ngữ cho một số anh chị em trong cơ quan và gia đình cơ sở cách mạng.

Tại đại hội nhà báo Việt Nam lần thứ II (16/4/1959), Người chỉ rõ : “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ”. Tại đại hội lần thứ III của hội nhà báo Việt Nam (08/9/1962), Bác đến thăm và nói chuyện với đại hội, đi cùng Bác có các đồng chí Trường Chinh, Xuân Thủy, Nguyễn Xiển, Bác nói : … “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động” …

Người đã viết trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” : “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng mới lọt tai quần chúng, viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Chúng ta phải chống tất cả những thói rỗng tuếch”. Người từng nhắc nhở : “Phải đặt câu hỏi : Viết cho ai ? – Viết cho đại đa số công – nông – binh. – Viết để làm gì ? – Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình, để phục vụ quần chúng”. Người căn dặn không những phải viết có nội dung mà phải viết làm sao để tất cả người đọc ai cũng hiểu được nội dung mình viết. Người nhắc nhở đã là nghề nghiệp báo chí phải cẩn thận suốt đời : “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết, chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc đi đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa vô ích bỏ đi” ; “Viết phải thực” ; “Nói có sách, mách có chứng” … Để làm tròn nhiệm vụ của mình, Bác yêu cầu đội ngũ cán bộ báo chí phải không ngừng học tập để nâng cao hiểu biết về chính trị và trình độ chuyên môn.

Chặng đường 94 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng phát triển lớn mạnh. Kết quả đó đã nói lên sự đóng góp rất đáng kể của đội ngũ làm báo trong cả nước. Chất lương mỗi bài báo đều do đội ngũ những người cầm bút quyết định. Nhân dịp kỷ niệm, ôn lại truyền thống ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), những lời dạy của Bác Hồ là bài học sâu sắc đối với những người cầm bút chúng ta.


Số lượt người xem: 1073    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm