SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
5
7
3
6
0
Bản tin quận 06 Tháng Giêng 2020 8:00:00 SA

Những lời chúc lành đầu năm mới của người Hoa

 

Năm mới của người Hoa bắt đầu từ mùng 1 tháng Giêng âm lịch. Họ chào đón Tết bằng nhiều nghi thức, phong tục, cổ truyền.

Người Hoa đến định cư ở Việt Nam ngót trên 320 năm nay. Có những tập quán phong tục xưa vẫn được gìn giữ, có tập quán đã chuyển đổi theo nhịp phát triển của xã hội, cũng có những tục lệ đã biến đổi nay chỉ còn trong ký ức người già. Nhân dịp tết đến xuân về, chúng tôi xin giới thiệu một vài tục lệ tiêu biểu của người Hoa trong dịp Tết.

Người Hoa quanh năm chăm chỉ làm việc, Tết là dịp họ nghỉ ngơi, vui chơi, hội hè. Từ giữa tháng Chạp âm lịch, họ đã chuẩn bị sắm Tết. Ngày 16 tháng Chạp có người cúng tổ tiên và cúng trời. Họ để cháo trắng, nhang, quần áo và tiền giấy cho những vong hồn bất hạnh. Ngày đó trong nhà ăn món bánh rán nhân thịt và nhắc nhở nhau cố gắng trả hết nợ nần (nếu có) năm cũ.

Họ mua dần các thứ thực phẩm khô: vịt lạp, lạp xưởng, thịt heo mưối, gà muối phơi khô, làm củ kiệu, dưa hành…

Không khí Tết rộn rang hơn từ 23 tháng Chạp: Tiễn đưa ông Táo về trời… ông Táo là Thần bếp, vị gia thần gần gũi thân thiết của từng gia đình, biết rõ vui, buồn, khó khăn, thuận lợi của từng người trong nhà. Ông Táo có nhiệm vụ cuối năm về dâng sớ báo cáo tổng kết chuyện từng gia đình, từng địa phương nơi mình cư ngụ. Bởi vậy khi cúng Ông Táo người Hoa thường có thêm 2 cây mía còn nguyên lá trên ngọn: để ông Táo giải khát và những lời tấu trình lên thượng đế sẽ ngọt ngào như mía. Người ta cũng không quên đốt thêm một xấp giấy ngũ sắc có in hình “cò bay ngựa chạy” và một con cá chép còn sống: đó là phương tiện giúp ông Táo về trời cho nhanh.

Cũng từ ngày này trên hè phố các tuyến đường Nguyễn Trãi, Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông thuộc Quận 5 có nhiều bàn gỗ được kê tạm để các thầy đồ viết thuê câu đối trên giấy đỏ. Những “ông đồ” này ngày nay càng được trẻ hóa, họ luyện chữ để viết những câu quen thuộc cầu cho “Quốc thái dân an”, việc làm ăn được “phát tài phát lộc”, “Ngũ phúc lâm môn”, “Như ý cát tường” hay chữ “Phúc”…

Chiều 30 là bữa cơm tất niên, mọi thành viên trong gia đình phải có mặt để cùng nhau đón những giây phút thiêng liêng đầu năm mới. sau bữa cơm tất niên không ai được đòi nợ. Trong những ngày đầu năm, chủ nợ và con nợ gặp nhau vẫn vui vẻ, trịnh trọng chúc nhau “An khang thịnh vượng”… Trước giở giao thừa, người mẹ trong gia đình chiên 01 con cá chép to, bỏ vào hủ gạo đậy lại đến mùng 2 mới dùng: “Ngư” đồng âm với “Lư”. Trong thức cúng của người Hoa gồm có một con gà trống luộc (sắc kay), phát âm nghe như “Kiết Tường”, bên cạnh đó, người Hoa còn bày bánh Niên cao làm bằng bột nếp” mọi việc trong năm mới sẽ tốt, sẽ cao hơn năm cũ. Ngoài ra còn có bánh mè hình tròn (viên mãn) hoặc hình trái lựu (thọ)…

Mùng 1 tết: “Chiêu chay văn tạp, sanh ý hòa hợp” sáng ăn chay chiều ăn mặn… Sáng mùng một, mọi người phái nam tề tựu cùng nhau vào từ đường, lớn nhỏ theo thứ tự thắp hương mừng tuổi tổ tiên sau đó chúc thọ các vị cao niên trưởng họ. Rời từ đường, các gia đình trong thân tộc đến nhà nhau chúc tết, chúc những điều may mắn…Ngày mùng 1 còn gọi là ngày “Quá niên”.

Mùng hai là ngày khai niên, con cháu tụ họp đông đủ; đó là ước mong gia đình được hạnh phúc, thịnh vượng. Người Hoa cúng Thần tài. Lệ này được giữ suốt năm và khai trương việc làm ăn buôn bán.

Mùng 3: mọi người thăm viếng bạn bè, chúc Tết, rủ nhau cùng đi chơi.

Mùng 4 và 6: là ngày chẵn tốt để khai trương việc làm ăn, buôn bán…

Trong dịp Tết có nhiều lễ hội dân gian được tổ chức giúp vui đám đông dân chúng. Các đoàn tuồng cổ lập sân khấu biểu diễn ở sân chùa, các đoàn biểu diễn lân, sư, rồng biểu diễn khắp nơi…

Phong tục tập quán là đời sống tinh thần không thể thiếu của bất cứ một cộng đồng xã hội nào. Phong tục tập quán được lập đi lập lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Qua đó từng con người, từng nhóm nhỏ, từng đám đông của một làng, một nước… đã ký thác vào mơ ước, tin tưởng, hy vọng của mình về một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn hiện tại.


Số lượt người xem: 1083    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm