SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
9
0
1
8
4
Bản tin quận 22 Tháng Hai 2021 8:15:00 SA

Tết Nguyên Tiêu - Nét đẹp trong văn hóa người hoa Nam Bộ

 

Người Hoa ở Nam Bộ có nhiều lễ Tết, lễ hội. Tết Nguyên Tiêu là một trong những lễ hội lớn nhất của người Hoa Nam Bộ trong năm. Đầu năm âm lịch người Hoa bắt đầu năm mới bằng Tết Nguyên Đán vào mùng một tháng giêng. Ở Trung Quốc, Tết Nguyên Đán được gọi là “Xuân tiết”. Lễ này đánh dấu sự kết thúc một mùa đông khắc nghiệt để chuyển sang một mùa xuân ấm áp, thời tiết trong sáng, khởi đầu cho một chu kỳ thời tiết mới của một năm mới. Tuy nhiên, trong quan niệm của người Hoa, năm mới được tính theo Âm lịch bắt đầu từ Tết Nguyên Tiêu vào ngày rằm tháng giêng âm lịch (ngày 15 tháng 1). Cũng trong quan niệm của người Hoa, ngày Nguyên Tiêu là lúc khí dương tràn ngập xua tan khí âm của năm cũ để bắt đầu chính thức một năm mới. Khí hậu ở phương Bắc có bốn mùa rõ rệt trong năm, riêng mùa xuân bắt đầu từ rằm tháng giêng (âm lịch). Ngày Nguyên Tiêu thường tiết trời ấm áp, bầu trời ít mây, có nắng nhẹ tạo nên cảm giác dễ chịu và sảng khoái đối với mọi người. Với Tết Nguyên Tiêu, người Hoa quan niệm sự chuyển đổi về mặt thời tiết, rũ bỏ một mùa đông lạnh lẽo, khắc nghiệt để chuyển sang những tháng ngày mới tươi đẹp và đầy hy vọng.

 

Trong văn hóa Trung Hoa, Tết Nguyên Tiêu được tổ chức lớn hơn cả Tết Nguyên Đán và kéo dài nhiều ngày đêm. Đêm 15 tháng giêng (Âm lịch) còn gọi là Nguyên Dạ, người dân thường thức suốt đêm cúng lễ nơi đền, miếu, dạo chơi ngoài đường. Đường phố và đền miếu được kết hoa, treo nhiều lồng đèn màu đỏ. Cũng trong văn hóa Trung Hoa, có nhiều cách giải thích nguồn gốc ra đời của Tết Nguyên Tiêu với nhiều truyền thuyết khác nhau. Những truyền thuyết này thường gắn với việc trong đêm Nguyên Tiêu người dân treo nhiều lồng đèn đỏ trước nhà, trước các đền miếu …  Đèn lồng đỏ là biểu trưng cho ngọn lửa để xua đuổi tà ma, ác quỷ và sự giá lạnh, đem lại sự yên bình, ấm áp cho người dân.

Người Hoa ở Nam Bộ vốn là những di dân từ các tỉnh duyên hải Nam Trung Hoa đến miền Nam Việt Nam tìm đất mưu sinh. Người Hoa ngày nay là công dân và là một thành phần trong cộng đồng 54 dân tộc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện có khoảng 850.000 người Hoa ở Việt Nam, và hơn một nửa trong số đó sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến định cư trên vùng đất Nam Bộ Việt Nam, người Hoa đã tạo dựng cho mình một văn hóa người Hoa Việt Nam, là một cấu thành của văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Văn hóa của người Hoa là sự kết hợp giữa một số yếu tố văn hóa truyền thống Trung Hoa khu vực duyên hải phía Nam Trung Hoa do các thế hệ di dân người Hoa đầu tiên mang theo trong cuộc hành trình tìm đất mưu sinh ở Nam Bộ. Đến vùng đất mới ở Nam Bộ, văn hóa truyền thống Trung Hoa của các thế hệ di dân ban đầu có sự thích nghi với môi trường sống mới bao gồm môi trường tự nhiên và xã hội. Nam Bộ là vùng đất bằng phẳng nhiều kênh rạch, sông nước, nơi chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều nắng, nhiều mưa. Môi trường xã hội của vùng đất Nam Bộ là sự giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa người Hoa và các dân tộc cộng cư gồm người Việt, Khmer, Chăm…  Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ không hoàn toàn là văn hóa truyền thống Trung Hoa mà là văn hóa của tộc người Hoa trên đất Nam Bộ, một vùng văn hóa đa tộc người, đa tôn giáo. Trường hợp lễ hội Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở Nam Bộ là một dẫn liệu rõ nét về diễn trình văn hóa của người Hoa Nam Bộ Việt Nam.

 

Nguyên Tiêu là một trong số những lễ hội truyền thống của văn hóa Trung Hoa mà di dân người Hoa mang theo trong hành trang đến vùng đất Nam Bộ. Đến vùng đất mới định cư người Hoa phải tái sắp xếp hoặc tái cấu trúc những hành trang văn hóa cho phù hợp hoặc thích ứng với cuộc sống mới, trong một không gian văn hóa mới. Ở khu vực Chợ Lớn của thành phố Sài Gòn trước đây, là nơi người Hoa tổ chức lễ hội Nguyên Tiêu đông đảo, tập trung nhất. Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức đã ghi lại quang cảnh ngày Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở Chợ Lớn cách nay gần 200 năm:

Đường lớn phía Bắc có miếu Quan Thánh, và 3 hội quán Phước Châu, Quảng Đông, Triều Châu ở2 bên tả hữu. Phía Tây đường lớn ở giữa có miếu
Thiên Hậu, gần phía Tây có hội quán Ôn Lăng. Phía Tây đường lớn ở đầu phía Nam có hội quán Chương Châu. Hễ gặp tiết đẹp, đêm trăng, các ngày tam nguyên, sóc vọng, thì treo đèn đặt bàn, đua tranh kỹ xảo, trông như cây lửa cầu sao, thành gấm vóc, hội Quỳnh Dao, trống kèn huyên náo, trai gái dập dìu …”

Ngày nay, Tết Nguyên Tiêu vẫn được tổ chức ở các điểm tụ cư hoặc ở các đền miếu của người Hoa khắp vùng Nam Bộ. Đặc biệt là lễ hội Nguyên Tiêu được tổ chức ở Quận 5, nơi vùng Chợ Lớn thuộc thành phố Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo sự tham dự của người Hoa và du khách đến từ nhiều nơi. Khu vực tổ chức Tết Nguyên Tiêu ở Quận 5 cũng chính là địa điểm tổ chức Tết Nguyên Tiêu truyền thống mà Trịnh Hoài Đức đã miêu tả cách đây gần 200 năm, như đã dẫn ở đoạn văn trên. Xin lưu ý, trong đoạn văn trên Trịnh Hoài Đức có dùng từ “tam nguyên”. Tam nguyên có nghĩa là 3 ngày rằm quan trọng trong năm theo văn hóa Trung Hoa. Đó là rằm tháng giêng gọi là Thượng nguyên, cũng chính là Tết Nguyên Tiêu, Trung nguyên là rằm tháng bảy và Hạ nguyên là rằm tháng mười (Âm lịch).

Vào dịp Tết Nguyên Tiêu, các đường phố khu vực Chợ Lớn ở Quận 5 đông nghẹt người, nhất là trước các miếu (chùa) Bà Thiên Hậu (Hội quán Tuệ Thành), Quan Công  (Hội quán Nghĩa An), Quỳnh Phủ Hội quán … phố xá, nhà cửa, đền miếu của người Hoa trong khu vực được trang hoàng đẹp đẽ, đèn lồng đỏ treo thành dãy dài, màu sắc rực rỡ … Các đội múa lân, múa sư, múa rồng …, các nghệ nhân biểu diễn đi cà kheo, đóng vai bát tiên chúc phúc đi đến từng nhà, từng cửa hàng … cầu chúc cho chủ nhân và mọi người nhiều may mắn. Đường phố quận 5 trở nên rộn ràng, sôi động, mọi người tươi cười, phấn khởi chúc mừng cho nhau một năm mới an khang, thịnh vượng. Vào những ngày Tết Nguyên Tiêu, các đền miếu của người Hoa trở thành những trung tâm hoạt động của lễ hội. Tại đây, nhiều bà con người Hoa đến thắp nhang, đốt vàng mã để cầu xin các vị thần thánh ban cho tài lộc, may mắn, sự bình an. Các cuộc vui chơi, giải trí của bà con người Hoa cũng được tổ chức ở các cơ sở tín ngưỡng, hội quán như viết thư pháp, hội họa, đấu cờ tướng, đấu giá đèn lồng v.v… Nhiều đèn lồng được đấu giá với số tiền lớn, người thắng cuộc được đèn lồng xem đó là sự may mắn. Số tiền thu được sau cuộc đấu giá đèn lồng sẽ nộp vào quỹ từ thiện của cơ sở tín ngưỡng để giúp đỡ người nghèo, làm học bổng cho trẻ em hiếu học, gặp khó khăn … Một tập tục thú vị trong dịp Nguyên Tiêu là các gia đình người Hoa đều làm món bánh trôi nước. Người Hoa tin rằng ăn bánh trôi nước trong dịp lễ này thì mọi việc sẽ được hanh thông, trôi chảy.

 

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số đền miếu, hội quán của người Hoa tập trung trong khu vực Quận 5, vào những đêm Nguyên tiêu có tổ chức biểu diễn sân khấu của các đoàn hát Quảng, hát Tiều (*). Đây là hoạt động sân khấu cổ nhạc của người Hoa chủ yếu diễn ra trong dịp Tết Nguyên Tiêu, thu hút đông đảo người xem là bà con người Hoa và cả người Việt, du khách trong và ngoài nước …  Những đêm biểu diễn này hoàn toàn miễn phí phục vụ người xem. Tuy nhiên, nhiều người Hoa có điều kiện kinh tế hoặc may mắn trong công việc sản xuất, kinh doanh sẽ tự nguyện góp một khoản tiền ủng hộ đoàn hát hoặc hội quán. Những người đóng góp tiền bạc sẽ được Ban tổ chức xướng tên và ghi tên vào một tờ giấy đỏ dán trước sân khấu. Số tiền thu được trong đêm diễn, ngoài một số ít bồi dưỡng cho các diễn viên, còn lại sẽ góp vào quỹ từ thiện của cộng đồng người Hoa để làm việc công ích …

* Một số nét khác biệt của Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Nam Bộ và Tết Nguyên tiêu ở Trung Hoa

Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở Nam Bộ có nguồn gốc từ văn hóa truyền thống Trung Hoa. Tuy nhiên, so với Tết Nguyên Tiêu ở Trung Hoa thì rõ ràng Tết Nguyên Tiêu của người Hoa cũng có không ít sự khác biệt. Nếu ở Trung Quốc là ngày Tết đón mừng mùa xuân ấm áp sau những tháng mùa đông rét buốt, thì Tết Nguyên Tiêu của người Hoa Nam Bộ được chú trọng vào sự đón mừng năm mới. Ở Nam Bộ, trong năm chỉ có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa. Tết Nguyên Tiêu ở Nam Bộ là thời điểm giữa mùa khô, khí hậu khô ráo, sắp chuyển sang nóng bức vào những tháng kế tiếp. Một số người Hoa có cảm nhận Tết Nguyên Tiêu là sự kết thúc của một mùa lễ hội, nghỉ ngơi, vui chơi kéo dài từ Tết Nguyên Đán cho đến Tết Nguyên Tiêu. Ở Trung Hoa Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Trạng Nguyên. Bởi lẽ thời phong kiến, vào dịp Tết Nguyên Tiêu, các hoàng đế Trung Hoa thường mời các vị trạng nguyên dự yến trong vườn thượng uyển, cùng nhau làm thơ, vịnh nguyệt, ngắm trăng, uống rượu … Tất nhiên, ý nghĩa này của Tết Nguyên Tiêu ở Trung Hoa hầu như ít người Hoa Nam Bộ biết đến. Có chăng, đâu đó trong một vài gia đình người Hoa Nam Bộ có nấu một nồi chè đậu đỏ cho con cháu, mong con cháu học hành giỏi giang, đỗ đạt, hiển vinh … Phải chăng đó là dấu vết còn lại của Tết Nguyên Tiêu xưa của người Hoa ở Nam Bộ ?

 

Thực trạng lễ hội Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở Nam Bộ cho thấy, nếu ở Trung Hoa, Tết này được tổ chức lớn nhất trong năm, hơn cả Tết Nguyên Đán, thì ở Nam Bộ người Hoa lại ăn Tết Nguyên Đán có phần lớn hơn. Ngoại trừ khu vực các đền miếu của người Hoa ở Quận 5 thành phố Hồ Chí Minh, Tết Nguyên Tiêu còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống kiểu Trung Hoa và thu hút đông đảo người tham dự, còn hầu hết các địa phương có người Hoa ở Nam Bộ thì không khí Tết Nguyên Tiêu cũng gần như Tết Nguyên Đán. Điều này có lẽ bởi ở Nam Bộ, Tết Nguyên Đán là tết lớn nhất trong năm của người Việt, nên đã ảnh hưởng đến quan hệ lễ tết của người Hoa. Ở một vài địa phương như Cần Thơ, Sóc Trăng, nơi có đông người Hoa sinh sống, Tết Thanh Minh lại được trọng thị hơn Tết Nguyên Tiêu!

Lễ hội tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở Nam Bộ vừa có những nét giống và khác nhau so với lễ Tết Nguyên Tiêu truyền thống trong văn hóa Trung Hoa. Đó cũng chính là đặc điểm của văn hóa người Hoa Nam Bộ thể hiện qua Tết Nguyên Tiêu. Hơn hết, lễ hội tết Nguyên Tiêu là một nét đẹp trong văn hóa người Hoa Nam Bộ. Tết Nguyên Tiêu kết hợp với tết Nguyên Đán thực tế là một mùa lễ hội đặc sắc của người Hoa đón mừng một năm mới. Bà con người Hoa đến các đền miếu để cầu xin sự phù trợ của các vị thần thánh cho công cuộc làm ăn phát đạt, cho gia cảnh bình yên, hạnh phúc. Đó cũng là chỗ dựa tâm linh quan trọng của người Hoa trong quá trình định cư và phát triển trên đất Nam Bộ. Với những nghi thức, nghi lễ trong tết Nguyên Tiêu, những thế hệ trẻ của người Hoa hiểu biết về văn hóa, lịch sử của dân tộc mình để vừa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Hoa Nam Bộ.

Tết Nguyên Tiêu còn là dịp gặp gỡ của bà con người Hoa để chia sẻ, thấu hiểu nhau trong công việc kinh doanh, sản xuất và cả đời sống cá nhân, gia đình. Từ đó tạo nên sự gắn kết cộng đồng người Hoa, giúp đỡ nhau trong các lĩnh vực cuộc sống và sản xuất. Ở Nam Bộ vào dịp lễ tết Nguyên Tiêu không chỉ bà con người Hoa tham gia lễ hội, mà con đông đảo bà con người Việt, người Khmer … cũng đều chung vui với bà con người Hoa. Từ đó đã tạo nên sự đoàn kết, gắn bó giữa bà con người Hoa với các dân tộc anh em. Chính sự đoàn kết của các dân tộc anh em là sức mạnh cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển vùng đất Nam Bộ trong quá trình lịch sử.

(*) Các đoàn tuồng cổ của người Hoa trước năm 1975 có khá nhiều, do các Mạnh Thường Quân là những nhà buôn, nhà kỹ nghệ người Hoa tài trợ. Sau năm 1975, 2 đoàn tuồng cổ Quảng Đông và Triều Châu do Sở Văn hóa Thông tin thành phố Hồ Chí Minh quản lý và phục vụ đồng bào Hoa, đặc biệt là tham gia biểu diễn vào dịp Tết Nguyên Tiêu tại một số Hội quán, đền miếu như chùa Bà Thiên Hậu (Tuệ Thành hội quán), chùa Ông Quan Công (Nghĩa An hội quán).


Số lượt người xem: 2158    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm