SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
4
5
4
8
7
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 20 Tháng Ba 2017 2:40:00 CH

Tống Văn Thơm – Chủ tịch Nghiệp đoàn Vệ sinh dân lập Quận 5

Người tái sinh rác thải

 

Tọa lạc trên một con hẻm ngoằn ngoèo ở đường Lê Văn Khương, Quận 12, TP HCM là một ngôi nhà hai tầng chứa đầy đồ tái chế, trên tường treo nhiều bằng khen, kỷ niệm chương cho chủ nhân được mệnh danh “người tái sinh rác thải”.

 

Chú Tống Văn Thơm với bình hoa “Duyên dáng Việt Nam”

Sau hơn 24 năm tìm tòi, sáng tạo những mô hình tận dụng phế liệu từ rác, đến nay chú Tống Văn Thơm  đã có hơn 2.000 mô hình, sản phẩm tái chế, ước tính trị giá khoảng một tỷ đồng.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Campuchia, chú Thơm không được học hành tử tế mà phải đi ở mướn từ  nhỏ. Năm 12 tuổi, cha bị tai nạn nên gia cảnh càng khó khăn, chú  Thơm với độc bộ quần áo không lành lặn sáng bưng bê hủ tíu thuê, tối về giữ con cho người ta. Chú phải mượn 300 đồng tiền Campuchia chạy chữa cho cha và bù lại phải ở đợ trong 3 năm. May mắn sau đó, chú Thơm được một người chủ khác trả nợ giúp, nhận về làm con nuôi, cho đi học nghề điện tử, cơ khí ở trường nghề. Năm 20 tuổi, chú làm quản lý cho xưởng của chủ.

Trong những năm 1970 biến cố ở Campuchia, gia đình chú chạy loạn sang Việt Nam, rồi di chuyển về Long Xuyên (An Giang). Kể từ đó chú rong ruổi khắp miền Tây làm đủ nghề kiếm sống.

Sau năm 1975, chú  Thơm lên Sài Gòn làm việc trong một công xưởng sản xuất. Công việc lặn xuống nước vớt tàu khiến chú bị bệnh, phải nghỉ sớm về làm nghề vá xe đạp. Chính thời gian này chú Thơm quen vợ mình làm nghề lao công. Thấy mấy hộ dân trong hẻm không có ai lấy rác, chú tiên phong thành lập nên hệ thống thu gom rác dân lập (chỉ có ở TP HCM). Tính đến nay, chú Thơm đã gắn bó với nghề làm rác hơn 40 năm. Trước kia chú có riêng một đường rác nguyên khu chợ Hòa Bình, Quận 5, sau này bán lại cho người khác. Nghề rác càng lúc càng khó sống, chú Thơm phải bán nhà ở chợ Hòa Bình, Hóc Môn để nuôi con ăn học. Bây giờ, con cái của chú có người đã học lên thạc sĩ với nghề nghiệp ổn định.

Năm 1998, khi thành phố phát động chương trình “Vì môi trường xanh sạch đẹp”, chú  Thơm nảy ra ý tưởng thu nhặt đồ phế thải từ kho phế liệu, mua từ đồng nghiệp đem về tái chế. Từ những đầu đĩa bỏ đi, lon bia, hộp sữa, máy cassette… chú mày mò tìm cách “tái sinh” chúng thành những đồ vật độc đáo có tính ứng dụng cao.

Năm 2004, nghiệp đoàn rác TP HCM được thành lập với sự hỗ trợ của tổ chức Enda Việt Nam, chú Thơm được bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Rác dân lập Quận 5, quản lý 15 phường với gần 170 nhân viên. Mỗi sáng, chú làm việc ở nghiệp đoàn, buổi chiều đi làm rác. Không như đồng nghiệp thu lượm ve chai khác, cứ tầm 3h chiều chú Thơm lại về nhà, tiếp tục công việc mày mò tái chế của mình.

"Một đường rác của tôi có 160 hộ, mỗi nhà thu 30.000 đồng một tháng thì chỉ kiếm được 4,8 triệu mỗi tháng. Chi cho xăng xe thì không còn lại bao nhiêu. Mấy người làm rác sống chính nhờ ve chai, nhưng thời gian gần đây ve chai rớt giá thê thảm, nên lại càng khó. Tôi may còn sống nổi là nhờ nghề tay trái, tháng cũng kiếm được 3-4 triệu đồng", ông Thơm chia sẻ

Công việc tay trái mà chú Thơm nói là bán những đồ tái chế nhỏ trị giá mấy trăm nghìn đồng do chú làm ra. Đa phần các món đồ này biết “hát”, phát nhạc nghe vui tai. Ngoài ra, hàng xóm có đồ điện tử gì hư hỏng lại đem qua cho chú sửa, mỗi lần trả công 50.000-100.000 đồng.

Trong hơn 2.000 món đồ tài chế của chú Thơm, có khoảng 1.000 sản phẩm có giá trị, được nhiều người hỏi mua với giá cao nhưng chú Thơm chưa bán. Trong số đó phần lớn là những đồ điện tử đời cũ như máy quay đĩa, máy chụp hình, cassette, radio, TV, âm li, máy chiếu... được ông làm “sống” lại.

Tôi gặp chú tại Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn lết xây dựng đời sống văn hóa” Quận 5, biểu dương gương “Người tốt – việc tốt” năm 2016; Đây là lần gặp gỡ thứ hai của tôi với chú. Lần gặp trước đó, tôi được gặp chú tại Hội thi cắm hoa năm 2017 – Chào mừng kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2017 do Liên đoàn lao động Quận 5 tổ chức. Chú đại diện cho nghiệp  đoàn đi thi cắm hoa, Bình hoa của chú với tựa đề “Duyên dáng Việt Nam”, làm từ giấy tái chế, rất đẹp về ý nghĩa vật chất cũng như tinh thần. Chú nói: Cô biết không bình hoa này là tôi dành tặng cho các chị em phụ nữ Quận 5 nói chung và người vợ yêu dấu của mình nói riêng. Đây là bình hoa 3T “Tái chế – Tiết kiệm – Tái sử dụng” để gửi gắm các chị em phụ nữ sử dụng các vật dụng gia đình tiết kiệm, sản phẩm nào còn có thể sử dụng được thì mình sử dụng, còn không sử dụng được nữa thì mình chuyển sang công năng khác. Và chú còn cho tôi xem rất nhiều, rất nhiều hình ảnh đẹp về những sản phẩm mà chú đã tái chế; trong đó còn có một sản phẩm mà chú cũng kịp khoe với tôi rằng: đây là sản phẩm tôi sẽ tham gia vào chương trình “Giờ trái đất năm 2017” làm bằng vật liệu là các lon bia tạo hình 60+.

Được biết, chú là một trong 168 gương Người tốt – việc tốt được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận 5 biểu dương tại hội nghị. Trước đó, vào năm 2016, chú còn được nhận  Giải thưởng “Thương hiệu xanh”; được chương trình truyền thông doanh nhân - doanh nghiệp năm 2016 vinh danh vì đã tích cực trong hoạt động phát triển kinh doanh và công tác xã hội;…


Số lượt người xem: 2414    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm