SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
8
9
5
4
Bản tin quận 29 Tháng Mười Hai 2016 3:30:00 CH

NGUYỄN CHÍ THANH - NHÀ CHÍNH TRỊ, QUÂN SỰ XUẤT SẮC CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 

Nguyễn Chí Thanh là một trong những nhà lãnh đạo tài năng, một nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng và Nhà nước.    

Anh tham gia cách mạng từ năm 1934, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1937. Từ năm 1937 đến 1938, Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Anh đã bị thực dân Pháp bắt ba lần, giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Trong nhà tù, Anh luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù và tìm cách vượt ngục thành công để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ 8 của Đảng khai mạc ngày 13-8-1945 ở Tân Trào, Anh được cử là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương

và Trung ương cử Anh làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Lần đầu tiên, Anh được gặp Bác Hồ và được Người đặt cho tên mới: Nguyễn Chí Thanh.

Thời kỳ ở Bình Trị Thiên khói lửa, Nguyễn Chí Thanh khẳng định: “Mất đất, nhưng không mất dân, thì không mất nước”, kiên quyết bám dân, xây dựng cơ sở, phát triển chiến tranh du kích trong vùng địch kiểm soát sẽ xoay chuyển được tình thế. Mặt trận Bình Trị Thiên trở nên sôi động, góp phần chặn đứng âm mưu của địch mở rộng chiến tranh ra Thanh Nghệ Tĩnh.

Năm 1950, Anh được Đảng giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân và Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

Nguyễn Chí Thanh nhận thức rằng: “Phải ra sức tăng cường và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò công tác chính trị. Đó là bài học lớn nhất; vứt bỏ kinh nghiệm đó, vi phạm nguyên tắc đó bất cứ lúc nào, trong điều kiện nào, đều là sai lầm và dẫn tới thất bại”.

Anh coi trọng tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, phê bình và tự phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, giáo dục đạo đức cách mạng, rèn luyện đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho các tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Anh ra sức xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân về mặt chính trị và tư tưởng nhằm đáp ứng yểu cầu của nhiệm vụ chiến đấu, chăm lo công tác giáo dục cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội ta là quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng là bản chất và truyền thống tốt đẹp của quân đội do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công giáo dục, rèn luyện được Anh tiếp tục phát huy trong các lực lượng vũ trang. Và chính Nguyễn Chí Thanh là hình ảnh tiêu biểu của “Anh bộ đội cụ Hồ” với đầy đủ hình tượng cao đẹp, tầm vóc và ý nghĩa của danh hiệu cao quý đó.

Năm 1959, Anh được Quốc hội, Chính phủ, Hồ Chủ tịch phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1961, Anh làm Trưởng ban Nông nghiêp Trung ương, đi sâu đi sát phong trào nông dân, chỉ đạo cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp, từng bước đưa nông dân miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt đầu, Anh được chuyển sang giữ cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Năm 1964, Anh được Bộ Chính trị và Bác Hồ cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Ngày ấy, Tố Hữu có viết bài thơ tiễn đưa Anh lên đường vào cuộc chiến đấu mới:

Tiễn đưa

Đưa tiễn Anh đi mấy dặm đường

Nặng tình đồng chí lại đồng hương !

Đã hay đâu cũng say tiền tuyến

Mà vẫn bâng khuâng mộng chiến trường !

Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ

Hơn nghìn trang giấy luận văn chương.

Đi đi, non nước chờ Anh đó !

Tiền tuyến cần thêm ? Có hậu phương…

Là người đúng đầu của Đảng bộ miền Nam, Nguyễn Chí Thanh đã tập trung trí tuệ và sức lực đem đường lối của Đảng  về cách mạng miền Nam trang bị cho cán bộ, chiến sĩ, đem ánh sáng của Đảng soi rõ con đường giải phóng của đồng bào miền Nam. Anh đặc biệt coi trọng việc chỉnh đốn các tổ chức của Đảng và phát triển các đoàn thể quần chúng, ra sức xây dựng các lực lượng vũ trang với ba thứ quân.

Anh chủ trương ta không bị động đánh theo cách đánh của Mỹ, mà phải buộc Mỹ đánh theo cách đánh của ta.

Từ thực tế các trận Bàu Bàng, Vạn Tường…, Anh đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, nêu thành khẩu hiệu hành động nổi tiếng, lan tỏa thành cao trào cách mạng khắp chiến trường miền Nam.

Khẩu hiệu “Nắm thắt lưng địch mà đánh” do Anh đề xướng đã chỉ cho các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam cách đánh có hiệu quả nhất. Khẩu hiệu “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” do Anh đưa ra đã dấy lên một phong trào chiến đấu sôi nổi tiến công vào quân Mỹ và quân ngụy ở miền Nam, lập được nhiều chiến công xuất sắc.Anh còn phát động phong trào thi đua lập các “Vành đai diệt Mỹ”, thi đua phấn đấu trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Từ đó, quân và dân miền Nam đã đập tan cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của 20 vạn quân Mỹ và nửa triệu quân ngụy trong đông xuân 1965 - 1966.

Bài viết “Năm bài học phản công chiến lược mùa khô” với bút danh Trường Sơn của Anh là vũ khí tư tưởng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quyết chiến và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Mùa hè năm 1967, Anh ra Hà Nội báo cáo Bộ Chính trị và Bác Hồ tình hình chiến trường miền Nam và cùng Bộ Chính trị, Bác Hồ thiết kế và hoạch định cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 sắp tới. Ngày 6-7-1967, sau một cơn “nhồi máu cơ tim”, Anh đã đột ngột ra đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 53, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với quân và dân ta trong những ngày chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Được tin Anh qua đời, nhà thơ Tố Hữu, người đồng hương, đồng chí, đã viết:

“Tôi chẳng buồn đâu, chỉ nhớ Anh

Mặt không muốn khóc, lệ vòng quanh.

Nước non đau xé như lòng mẹ

Mất một người con: “Nguyễn Chí Thanh”

Tố Hữu còn tin rằng Nguyễn Chí Thanh vẫn sống:

“Ôi ! Sống như Anh, sống trọn đời

Sáng trong như ngọc, một con người

Thanh ơi !Anh mất rồi chăng đấy ?

Cứ thấy như Anh mở miệng cười”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân huy chương cao quý khác.


Số lượt người xem: 1206    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm