SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
8
7
9
9
3
Bản tin quận 18 Tháng Mười Hai 2018 8:45:00 SA

Rác: Phải phân loại để xử lý tốt hơn

 

* Trên 9.000 tấn – là lượng rác thải ra mỗi ngày tại thành phố.

* Chỉ riêng các con kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ và Bến Nghé – chưa kể Nhiêu Lộc – Thị Nghè, lượng rác vớt được ít nhất là 10 tấn/ngày, nhiều nhất… 80 tấn/ngày, bao gồm các thứ rác thải sinh hoạt, túi nylon, mút  xốp… do cư dân nội thành vô tư xả rác xuống kênh.

* Hầu hết các miệng cống thoát nước dọc đường phố đang là nơi vứt rác của người đi đường.

Rác đang là một vấn nạn lớn của đại đô thị thành phố Hồ Chí Minh. “Văn minh, sạch đẹp” trở thành một câu khẩu hiệu xuông, khi đường phố nhan nhãn rác, đặc biệt là những đường phố gần chợ, bệnh viện, bến xe… nhiều khách vãng lai và hoạt động mưu sinh trên vỉa hè. Các con đường quanh bệnh viện Đại học Y dược, bệnh viện Chợ Rẫy, chợ Hòa Bình, Bến xe Chợ Lớn… đầy rẫy những hình ảnh minh họa sống động cho thực trạng này, ngay tại địa bàn Quận 5.

Rác nơi công cộng, rác thu gom từ địa bàn dân cư, rác thải công nghiệp “né” xử lý vì chi phí cao, luồn lách tìm nơi vắng vẻ, đêm khuya đổ lén lút, xong là “dzọt”. Nhiều đám rừng tràm ở huyện Bình Chánh, giáp Đức Hòa đang là nạn nhân của rác công nghiệp, cỏ không mọc nổi vì phế phẩm cao su, bã nhựa, xỉ sắt… để thành đống khắp nơi. Khi sự đã rồi, dân hỏi chính quyền, chính quyền gọi hỏi cơ quan chức năng, rốt cuộc chẳng ai biết rác từ đâu tới, đành… chờ đó, tìm cách xử lý sau!

Hàng năm, thành phố chi ra từ ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng cho việc thu gom, xử lý rác, trong đó bao gồm cả việc nạo vét bùn, rác lắng đọng trong lòng hệ thống cống rãnh. Về phía người dân, ước tính với 3 triệu hộ gia đình trả phí thu gom cho hệ thống rác dân lập bình quân là 600.000đồng/năm/hộ, tính ra khoảng 1.800 tỷ đồng mỗi năm. Vậy, riêng chuyện rác, nhà nước và nhân dân tiêu tốn gần 6.000 tỷ đồng – con số không hề nhỏ. Nhưng rác vẫn là một nỗi lo thường trực. Chính quyền lo quá tải bãi chôn lấp rác. Người dân vùng Đa Phước, Phong Phú thuộc Bình Chánh và một phần Quận 7 và Nhà Bè, bị ám ảnh bởi mùi hôi thối bốc ra từ khu chôn lấp thường trực ngày đêm.

GIẢI PHÁP: NHÀ MÁY ĐỐT RÁC BẰNG ĐIỆN.

Thành phố đang tích cực chuẩn bị cho việc ra đời một nhà máy đốt rác bằng điện quy mô lớn, nhằm giảm lượng rác phải chôn lấp. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể hiệu quả, nếu rác được phân loại đầy đủ trước khi đưa vào lò.

Đã có nhiều nhà máy đốt rác được khởi công, hoặc khánh thành ở nhiều tỉnh như Hải Dương, Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Bình, Cần Thơ… có công suất 1.000 tấn -> 2.000 tấn/ngày, do Trung Quốc thực hiện từ vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Hà Nội bỏ ra 700 tỷ, nhập hẳn nhà máy chế tạo từ Nhật, nhưng công suất nhỏ với 75 tấn/ngày – không cải thiện được hành trình theo hướng giảm thiểu lượng rác chôn lấp.

Trong khi đó, lại có những lo lắng về công nghệ Trung Quốc ở những lò đốt rác điện, vì vấn đề chính của công nghệ này là xử lý khí thải sau đốt cho rốt ráo, nhưng các nhà thầu và đầu tư Trung Quốc thường… lờ đi, do chi phí rất cao – theo kinh nghiệm của các nhà công nghiệp Âu, Mỹ. Bởi vì, chôn lấp gây ô nhiễm nước ngầm lẫn nước mặt, tốn đất đô thị, mùi hôi thối bay đi hàng chục cây số theo gió…, nhưng nếu đốt để gây ô nhiễm thêm không khí vốn đã ô nhiễm nặng nề như thành phố Hồ Chí Minh, dân tình càng khổ thêm.

Cái khó là đốt lò công nghệ hiện đại đòi hỏi cao về rác: rác phải được phân loại. Từ đó, quá trình đốt và xử lý khí thải mới triệt để, ít gây hại cho môi trường.

ĐIỀU KIỆN: PHÂN LOẠI RÁC THẢI TẠI NHÀ.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu rác thành phố vẫn là rác thải sinh hoạt, thải ra từ các gia đình, lâu nay, theo thói quen mọi thứ vứt đi đều chui vào túi rác, ra đường, chờ xe rác lấy. Thói quen này đã đến lúc phải thay đổi, với ba loại túi rác khác nhau, đựng riêng – coi như phân loại sẵn. Điều này giúp việc tái chế và tiêu hủy rác trở nên dễ dàng hơn, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa thu hồi những lợi ích phát sinh từ nguồn rác khổng lồ của thành phố: phát điện từ rác, làm phân bón hữu cơ từ rác, làm những sản phẩm được tái chế từ vật liệu nhựa, kim loại… các thứ thu hồi trong rác.

Không phân loại rác sẽ bị phạt nặng, là một quy định mới ban hành, thật ra cũng để nhắm tới lợi ích vững bền của cộng đồng, ràng buộc từng gia đình và trách nhiệm vệ sinh chung cùng gìn giữ thành phố Hồ Chí Minh chính từ những việc nhỏ, như phân loại rác.


Số lượt người xem: 1664    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm