SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
9
0
4
2
4
1
9
Bản tin quận 17 Tháng Tám 2020 7:30:00 SA

Tự hào truyền thống anh hùng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam

 

Ngày 19/8/1945, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời trong không khí thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, là dấu mốc quan trọng, sáng ngời trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam được xem là bắt đầu từ các đội Tự vệ Đỏ trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930–1931), các đội “danh dự trừ gian”, “hộ lương diệt ác”… do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập với mục đích bảo vệ tổ chức. Những năm 1930–1945, để chống các hoạt động phá hoại và do thám của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, bảo vệ cách mạng, Đảng đã thành lập các đội: Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, Danh dự trừ gian, Danh dự Việt Minh. Đó là những tổ chức tiền thân của công an nhân dân và quân đội nhân dân sau này.

 

Trong hai cuộc kháng chiến, Công an nhân dân đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; tích cực chi viện cán bộ, vũ khí, phương tiện … cho chiến trường miền Nam; bảo vệ phong trào cách mạng, tham gia tiếp quản vùng giải phóng, góp phần quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Người yêu cầu xây dựng bộ máy tổ chức công an phải mang tính dân chủ cao, giản đơn, thiết thực, hiệu quả, trong đó quan tâm xây dựng bộ máy công an ở cơ sở, vùng biên giới, hải đảo. Người cán bộ công an trong tư tưởng của Người thực sự là cái “gốc” của mọi công việc, được đề cập khoa học, toàn diện từ khái niệm, vị trí, vai trò, nhiệm vụ, tư tưởng, bản chất nhân văn của cán bộ đến tầm quan trọng của công tác cán bộ, nguyên tắc cơ bản trong tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, đánh giá, kiểm tra, giám sát cán bộ cán bộ công an và thi đua – khen thưởng, kỷ luật trong Công an nhân dân. Người luôn nhấn mạnh phẩm chất trung thành với Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đồng thời nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ công an phải tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là lực lượng vũ trang trọng yếu, tin cậy để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Điều này được thể hiện rõ nét, đầy đủ, toàn diện và sâu sắc trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Sở Công an khu XII, ngày 11–3–1948, trong đó nêu rõ tư cách người Công an cách mệnh, đã trở thành tư tưởng lớn, mang tầm chỉ đạo chiến lược trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Đó là: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép; Đối với công việc, phải tận tụy; Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, được nhân dân hết lòng thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, viết nên truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân Việt Nam.


Số lượt người xem: 2731    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm