SỐ LƯỢT TRUY CẬP

2
8
8
3
8
6
8
3
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 09 Tháng Mười Hai 2019 9:45:00 SA

Bàn tay tài hoa – Một dạ nghĩa tình: Trương Hán Minh

 

Năm 2019, Quận 5 vinh dự có nhiều cá nhân được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Ngày 22/11/2019, Ban tổ chức các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ vinh danh Nghệ nhân nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ ưu tú tại Hội trường Nhà hát lớn Thành phố. Quận 5 có các nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân nhân dân: Vương Xú Há (Trương Hán Minh), Trương Hớn Minh (Trương Lộ) (Lưu giữ nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc), Lưu Kiếm Xương và Lương Tiết Hằng (lưu giữ nghệ thuật biểu diễn Lân Sư Rồng); 02 nghệ sĩ được phong tặng Nghệ sĩ ưu tú: Vương Quế Hoa (Vương Muối) - (Hát Hồ Quảng – Đoàn ca kịch thống nhất Triều Châu) và Nghệ sĩ ưu tú tuồng cổ Lương Ngọc Yến (Huỳnh Ngọc) - (Hát Hồ Quảng – Đoàn ca kịch thống nhất Quảng Đông)

Năm 1945, có một gia đình người Triều Châu ở Quảng Đông, Trung Hoa đặt chân đến Chợ Lớn. Người chủ gia đình họ Trương sau đó đã chọn Chợ Lớn làm quê hương, chí thú làm ăn, trong niềm hy vọng nơi đây là đất lành, chim đậu, cháu con nối nhau được sống trong an bình…

Họa sĩ Trương Hán Minh chính là cháu nội của người đàn ông họ Trương sáng suốt này.

 

Nghệ nhân Trương Hán Minh được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân 2019

Sinh năm 1951 tại Chợ Lớn, từ nhỏ, cậu bé Minh đã bộc lộ niềm yêu thích vẽ. Lúc nào cũng vẽ, ở đâu cũng vẽ. Hí hoáy vẽ rồi xóa, rồi lại vẽ, có khi chỉ bằng một mẩu than vẽ trên nền gạch tàu. Thấy con quá sức đam mê, cha cậu đã cho học vẽ ngay khi vừa học xong tiểu học. Đây chính là cột mốc, đánh dấu ngã rẽ lớn của cuộc đời cậu bé Trương Hán Minh: chính thức trở thành đệ tử của họa sĩ Lương Thiếu Hằng ở phòng tranh Đông Phương Nghệ Uyển.

Thành lập năm 1960 ở Chợ Lớn, Đông Phương Nghệ Uyển mở ra như là một cơ sở khởi nghiệp và truyền bá nghệ thuật tranh thủy mặc, bởi Lương Thiếu Hằng, họa sĩ đến từ Hongkong, thuộc dòng Lĩnh Nam họa phái – một trong ba trường phái tranh thủy mặc danh tiếng nhất bên Trung Hoa lúc bấy giờ. Hằng là đệ tử Triệu Thiếu Ngang, họa sĩ được xếp hạng trong “Lĩnh Nam tứ đại họa gia”. Trường phái Lĩnh Nam theo chủ trương cách tân, nêu bật tôn chỉ “bút mực theo thời đại”, cởi mở học hỏi tinh hoa hội họa Nhật Bản cổ truyền lẫn hội họa Tây phương, nhằm tạo nên phong cách nghệ thuật hiện đại cho tranh thủy mặc của cổ nhân đẹp hơn, thu hút hơn, đa dạng hơn.

Như vậy, nơi Minh thọ giáo nghệ thuật vẽ tranh ngẫu nhiên thuộc về một trường phái danh tiếng, lại may mắn gặp danh sư trong buổi hào hứng vừa khởi nghiệp ở Việt Nam. Niềm đam mê từ thơ ấu của cậu bé Minh như cây non chọn được nơi đất tốt, lớn lên dần theo năm tháng miệt mài trên giấy vẽ, bút lang, mực tàu…

THIẾT THA DÒNG CỔ HỌA NGÀN NĂM

Tranh thủy mặc xuất hiện thời nhà Đường bên Trung Hoa, có quá trình tồn tại và phát triển tính ra đã hơn ngàn năm. Theo nhiều nhà nghiên cứu, nghệ thuật vẽ tranh loại này nẩy sinh khi nghệ thuật viết chữ phát triển, tiến lên thành thư pháp. Chữ Hán của người Hoa vốn là chữ tượng hình, nhìn chữ như một liên tưởng có thể mường tượng sự vật. Chẳng hạn như hình vẽ tối giản của ba quả núi là  ||| ,  ba vạch đứng trên đất bằng, vậy là thành chữ sơn, có nghĩa là núi. Buổi đầu của nghệ thuật thư pháp và nghệ thuật tranh thủy mặc vì vậy có mối tương quan mật thiết, không thể tách rời.

Trương Hán Minh mê vẽ, nhập môn thủy mặc, ngỡ giản đơn như tranh vẽ chỉ là giấy trắng mực đen, chẳng ngờ học mới biết ẩn sau vẻ đơn sơ là sự thâm thúy của cả một nền văn hóa cổ. Muốn vẽ phải luyện tay cầm bút, lâu ngày mới dần tạo nên bút lực. Chính bút lực là nền tảng cần thiết, đồng thời cũng biểu hiện trình độ của người vẽ tranh thủy mặc. Một đặc điểm khác là “Hạ thủ bất hoàn”, mỗi nét vẽ ra đều góp phần hình thành bức tranh, không thừa, không thiếu và không thể tẩy, sửa.

Chỉ riêng về nét mực, đã có nhiều loại khác nhau: nét khô, nét ướt, nét liền, nét đứt, nét gìm, nét quăng, nét xuôi, nét lăn… Cây bút vẽ khi đứng thẳng, lúc ngã nghiêng uyển chuyển đòi hỏi người vẽ phải kiên trì rèn luyện nhiều kiểu cách cầm bút, cách sử dụng cổ tay, bàn tay lẫn ngón tay. Bút vẽ lại nhiều cỡ và đủ loại, mỗi cái có công dụng riêng, góp phần tạo tác, hoàn thiện bức tranh.

Ra đời trong bối cảnh lệ luật hà khắc thời phong kiến, tranh thủy mặc nghiễm nhiên cũng chặt chẽ trong khuôn khổ bắt buộc, gồm đủ tứ tuyệt: thi – thư – họa - ấn trong tranh mới gọi là đủ lề luật. Trong họa phải có thơ, thơ phải viết chữ đẹp - ấy là thư pháp, rồi thêm ấn triện đỏ để tỏ tường tác giả.

Cầm – kỳ - thi – họa vốn là bốn thú chơi tao nhã của kẻ sĩ ngày xưa, còn gọi là tứ nghệ - nghệ thuật hẳn hoi chứ không phải là nghề. Bậc cao thủ khi thi triển nghệ thuật có thể chạm đến tâm hồn người. Vì vậy, rèn kỹ năng chỉ là một yếu tố, còn phải là người có tâm hồn trong sáng và đạo đức, có tầm nhìn xa trông rộng và nhiều xúc cảm, mới làm nên các tác phẩm có giá trị cho đời. Nghề vẽ có câu “Đắc tâm ứng thủ” là vậy.

TẤM LÒNG NHÂN ÁI LỒNG TRONG TRANH THỦY MẶC

Dày công khổ luyện, Trương Hán Minh đã là một họa sĩ thành danh, đứng đầu trong làng tranh thủy mặc Việ Nam lẫn thế giới. Hàng trăm giải thưởng danh giá trong và ngoài nước đã được trao tặng, ghi nhận tài năng và đóng góp của ông vào nghệ thuật hội họa. Nhà nước cũng vừa phong tặng ông danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”,trước thềm Xuân Canh Tý 2020.

Rất hiếm có người đặc biệt như ông. Ở vào độ tuổi gần chạm đến ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, Trương Hán Minh hiện đang là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cả 4 cấp: phường, quận, Thành phố và Trung ương. Bản thân điều này đã thể hiện quan niệm sống gắn bó với cộng đồng của ông, trong suốt mấy mươi năm cuộc đời.

Những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, đời sống chật vật, ai cũng vất vã kiếm miếng ăn, riêng ông với gánh nặng gia đình gần chục người con, phải nói là oằn vai vì trách nhiệm. Xoay sở kiếm sống bằng nghề gia công ngành nhựa, nhưng ông không ngừng sống với đam mê hội họa, không bỏ qua những cơ hội được đi đây đó, ngồi lặng im hàng giờ để quan sát, tỉ mỉ hí hoáy làm nên những bức tranh thủy mặc về thiên nhiên, hoa cỏ, cảnh vật quanh mình. Trương Hán Minh chính là một họa sĩ thủy mặc của đất nước Việt Nam. Bức tranh vẽ hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội của ông khá nổi tiếng vì đẹp và hoàn hảo được nhiều người biết đến.

Nếu trong quan niệm sống của người xưa, khi người trí thức cầm bút viết, phải nhớ câu “Văn dĩ tải đạo” – văn chương phải góp phần truyền tải đạo đức – truyền bá điều hay lẽ phải cho con người, thì với Trương Hán Minh, dường như phải sửa lại “Họa dĩ tải đạo”. Vì sao? Ông luôn luôn tham gia mọi hoạt động nhân đạo khi được mời gọi, sẵn sàng mang tranh mình đấu giá gây quỹ từ thiện giúp người, dù xa xôi đến mấy cũng đi, khi có nơi nào cần ông có mặt để biểu diễn vẽ tranh tại chỗ cho có “không khí” thu hút người tham dự ở những sự kiện vì mục đích từ thiện xã hội.

Năm 2014, Trương Hán Minh vinh dự nhận danh hiệu: “Họa sĩ có số lượng tranh đấu giá vì mục đích từ thiện nhiều nhất Việt Nam”. Thời điểm ấy, ông đã góp trên 200 bức tranh cho các hoạt động từ thiện.

Một trong những thuộc tính của tranh thủy mặc là hàm ý. Cảnh sơn thủy hữu tính hàm ý ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên. Tranh vẽ đàn ngựa phi dũng mãnh thường biểu lộ lời chúc “mã đáo thành công”. Có khi tranh để minh họa cho một đôi câu thơ cổ của các danh sĩ thời Đường, Tống… Tổng kết lại, tôn chỉ của trường phái thủy mặc tương tự như “nói ít, hiểu nhiều”, miêu tả thật cô đọng, nhưng đồng thời phải tạo ra ấn tượng cảm xúc hoặc sự đồng cảm cho người thưởng lãm.

Con người họa sĩ Trương Hán Minh thực sự giống như trường phái tranh thủy mặc mà ông đã bỏ cả cuộc đời theo đuổi, bởi chính ông cũng nói ít, làm nhiều. “Nghệ thuật vị nhân sinh” là quan điểm sống của người họa sĩ chân chính Trương Hán Minh, một phong cách sống đầy nghĩa tình – vinh danh cho mọi người cầm cây bút vẽ.


Số lượt người xem: 1248    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
 
Tìm kiếm