1. Quy định mới về bằng đại học, bằng bác sĩ, kỹ sư
Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 15/02/2020.
Nghị định này quy định về hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm:
- Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6;
- Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7; và
- Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8.
Cũng tại Nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định văn bằng có trình độ tương đương gồm: Bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.
Nếu người học đáp ứng các điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác, thì bằng bác sĩ, kỹ sư… có thể tương đương với bằng thạc sĩ.
Khi đó, bác sĩ, kỹ sư sẽ không còn phải học lên thạc sĩ nữa. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Thông tư trong năm 2020 để hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
2. Thi giáo viên dạy giỏi chỉ còn được chuẩn bị trước 2 ngày
Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 22 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non và phổ thông. Thông tư này được áp dụng từ ngày 12/02/2020.
Theo đó, Thông tư quy định giáo viên chỉ được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong không quá 02 ngày trước thời điểm thi (Quy định trước đây là không quá 01 tuần trước thời điểm thi giảng).
Nội dung thi cũng được thay đổi. Thay vì thực hành và thi kiểm tra năng lực hiểu biết, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ… như trước, giáo viên tham dự hội thi sẽ phải thực hiện 02 nội dung: Thực hành dạy một tiết và trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác, giảng dạy trong thời gian không quá 30 phút.
Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện được tổ chức theo chu kỳ 02 năm một lần, Hội thi cấp tỉnh được tổ chức theo chu kỳ 04 năm một lần.
Danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện được bảo lưu trong thời hạn 01 năm tiếp theo năm được công nhận. Với danh hiệu cấp tỉnh được bảo lưu trong thời hạn 03 năm tiếp theo của năm được công nhận.
3. Vi bằng không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực
Sau một thời gian dài chỉ được thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại chính thức được Chính phủ công nhận tại Nghị định 08 năm 2020.
Trong đó, cho phép Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp lập vi bằng vi phạm đến an ninh, quốc phòng; đời sống riêng tư, bí mật cá nhân…
Nghị định cũng nhấn mạnh vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác, nhưng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Về phía Thừa phát lại, Nghị định yêu cầu Thừa phát lại không được kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 24/02/2020.
4. Giá nhân công xây dựng cao nhất 280.000 đồng/ngày
Nguyên tắc, nội dung, phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng được hướng dẫn tại Thông tư 15 năm 2019 của Bộ Xây dựng. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/02/2020.
Thông tư đặt ra khung đơn giá cho công nhân xây dựng, lái xe, vận hành máy và thiết bị thi công, kỹ sư khảo sát xây dựng theo từng vùng như sau:
- Vùng I: Từ 213.000 - 280.000 đồng/ngày;
- Vùng II: Từ 195.000 - 260.000 đồng/ngày;
- Vùng III: Từ 180.000 - 246.000 đồng/ngày;
- Vùng IV: Từ 172.000 - 237.000 đồng/ngày.
Dựa trên khung đơn giá này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định đơn giá cho nhân công xây dựng trong tỉnh theo nguyên tắc: Phù hợp với trình độ tay nghề theo cấp bậc, điều kiện làm việc, đặc điểm, tính chất công việc; Phù hợp với mặt bằng giá nhân công xây dựng; Thời gian làm việc 08 giờ/ngày…
5. Thêm nhiều quy định liên quan đến cán bộ, công chức bị bãi bỏ
Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 11 năm 2019, trong đó bãi bỏ một số Thông tư liên tịch liên quan đến cán bộ, công chức, gồm:
- Thông tư liên tịch số 54 năm 1999 hướng dẫn điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và mức sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước;
- Thông tư liên tịch số 72 năm 2000 hướng dẫn điều chỉnh mức lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí với người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí từ nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước.
- Thông tư liên tịch số 125 năm 1995 hướng dẫn bàn giao nhiệm vụ, tổ chức và nhân sự bảo hiểm xã hội của hệ thống lao động, thương binh và xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Các văn bản nêu trên chính thức được bãi bỏ từ ngày 01/02/2020.
6. Sửa quy định về bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
Tại Nghị định 06 năm 2020, Chính phủ đã sửa đổi quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Theo đó, bổ sung trong khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nội dung về dự kiến tiến độ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bên cạnh các nội dung khác như:
- Diện tích từng loại đất dự kiến thu hồi;
- Số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong khu vực dự kiến thu hồi đất;
- Dự kiến mức bồi thường, hỗ trợ đối với từng loại đối tượng thu hồi đất;
- Dự kiến giá đất bồi thường đối với từng loại đất, từng loại vị trí…
Đồng thời, với trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư mà phải xây dựng khu tái định cư tập trung thì các nội dung trên phải gồm cả khu vực thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư tập trung đó…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2020.