NGƯỜI DÂN ĐƯỢC PHÉP BẮN PHÁO HOA KHÔNG NỔ TRONG DỊP LỄ, TẾT, SINH NHẬT, CƯỚI HỎI
Ngày 27/11/2020, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, trong đó có thêm nhiều điểm mới về trường hợp sử dụng pháo, hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ; trong đó, đáng chú ý có nội dung: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm”.
Lưu ý người dân chỉ được dùng pháo hoa mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Như vậy, căn cứ quy định trên, từ 11/1/2021 người dân chỉ cần có “năng lực hành vi dân sự đầy đủ” sẽ được sử dụng pháo hóa mà không cần phải xin phép trong dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.
Một số điểm mới của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 về công tác phòng cháy và chữa cháy
Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
Theo đó, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP) gồm 09 chương và 54 điều với 09 phụ lục kèm theo. Nghị định này quy định về hoạt động phòng cháy và chữa cháy, tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy, kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy. Ngoài việc quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định còn quy định một số biện pháp thi hành nhằm cụ thể hóa các nội dung Luật quy định.
Nghị định này thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (Nghị định số 79/2014/NĐ-CP). So với Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP giữ nguyên 01/58 điều, sửa đổi, bổ sung 47/58 điều, bãi bỏ 10/58 điều, xây dựng mới 06 điều, sửa đổi, bổ sung 05/06 phụ lục, bãi bỏ 01/06 phụ lục và xây dựng mới 04 phụ lục.
Một số điểm mới của Nghị định như: (1) Quy định đầy đủ, chi tiết các thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy kèm theo biểu mẫu nhằm bảo đảm tính thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong quá trình thực hiện (trong đó bổ sung thủ tục cấp phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, thủ tục kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; đơn giản hóa và cắt giảm một số thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy như: giảm số lượng hồ sơ và thời hạn giải quyết thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy…; bỏ quy định về thời gian kinh nghiệm tham gia các hoạt động tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy; bỏ danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng); (2) bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy (nhà tập thể, nhà trọ, trưởng tiểu học, trung học cơ sở), nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình; hầm đường bộ, hầm đường sắt có chiều dài từ 500m trở lên…); (3) quy định việc xã hội hóa trong công tác kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy…
Về công tác kiểm tra, trên cơ sở Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Nghị định số 136/2020/NĐ-CP đã quy định theo hướng giảm số lần Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra định kỳ cơ sở trong năm, thay vào đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, chủ hộ gia đình, chủ rừng trong công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Ngoài ra, Nghị định này cũng đã quy định danh mục cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nhằm bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an và thực hiện phân cấp tối đa việc quản lý cho cấp cơ sở để nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác phòng cháy và chữa cháy.
Hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2020 nhằm bảo đảm không có khoảng trống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2021.
Quy định mới nhất về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
1. Đối với khu dân cư:
Theo quy định, đối với khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau: Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy trên phải được Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
2. Đối với phương tiện giao thông:
Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 9 chỗ ngồi, phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa, phương tiện giao thông đường sắt phải bảo đảm các điều kiện sau: có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy; có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an; có quy định, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Đối với phương tiện giao thông cơ giới khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt phải có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ do cơ quan Công an cấp theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng) và phải bảo đảm, duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy sau: các điều kiện theo quy định ở trên; động cơ của phương tiện phải được cách ly với khoang chứa hàng bằng vật liệu không cháy hoặc buồng (khoang) đệm theo quy định; ống xả của động cơ phải được che chắn, bảo đảm an toàn về cháy, nổ;
Sàn, kết cấu của khoang chứa hàng và các khu vực khác của phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm cháy, nổ phải làm bằng vật liệu không cháy; các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; phải có dây tiếp đất khi phương tiện giao thông đường bộ vận chuyển chất lỏng nguy hiểm về cháy, nổ; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ ở kính phía trước; phương tiện giao thông đường sắt phải có biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ ở hai bên thành phương tiện trong suốt quá trình vận chuyển; phương tiện thủy nội địa, ban ngày phải cắm cờ báo hiệu chữ “B”, ban đêm phải có đèn báo hiệu phát sáng màu đỏ trong suốt quá trình vận chuyển. Quy cách, tiêu chuẩn cờ, đèn báo hiệu theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.