Đá vốn khiêm tốn và lặng lẽ, ẩn mình trong lòng đất nước. Thế nhưng với những đường nét, đường vân thiên hình vạn trạng của mình, đá đã gợi lên trong tâm hồn người thưởng ngoạn một cảnh trí vừa nên thơ, vừa hùng tráng, càng ngắm càng ưa, càng suy tưởng càng bị đắm chìm trong sự huyền vi của tạo hóa. Và đá trở nên một trân phẩm thưởng ngoạn, từ đó hình thành một thú chơi tao nhã, trầm lặng đó là thú chơi đá (ngoạn thạch)
Căn cứ theo những tư liệu thành văn thì thú chơi đá xuất hiện vào khoảng 2000 năm Trước công nguyên ở Trung Quốc. Sử ký Ngũ Đế bản kỷ có ghi: “Thuần dùng một cục Mặc ngọc (ngọc đen) chế thành huyền (đen) khuê ban cho Võ, Võ bèn qui định thêm quái thạch (đá kỳ) là một hạng mục trong cống phẩm của triều đình”. Vào thời Tây Châu, Châu Công từng tôn trí một viên ngọc thạch trên giá, đem đặt tại Thần Đài – Châu Lễ chép là: “Châu Công trí bích vu Tòa”, lại trong Sử ký Lưu Hầu Thế Gia ghi: “Khai quốc Công Hầu Trương Lương triều Hán, được một cục đá Hoàng thạch tự nhiên, cung phụng trên án giá để thưởng ngoạn”. Như vậy, thú chơi đá khởi nguyên từ tục “sùng bái tế lễ” đến “ban thưởng” cho nhau, cung phụng cất giữ, nó trở thành một “trân ngoạn chốn triều đình”. Trong dân gian Việt Nam, đá được thờ như đối tượng tín ngưỡng xuất hiện khá lâu đời, và còn duy trì mãi đến tận nay, với những biến đổi do nhiều tác động lịch sử văn hóa. Trong sách Việt điện u linh cho rằng tục thờ đá là một tín ngưỡng quan trọng của thời An Dương Vương: thần Cao Lỗ (Đô Lỗ) được xem là một thạch thần. Kế đó, thời Bắc thuộc lại có ghi tập tục thờ Thạch Khanh (Chàng Đá). Ngày nay, ở một số nơi trên đất nước ta, vẫn còn quan niệm thờ những cục đá gọi là “ông Tà” trong các miếu nhỏ. Hình tượng của đá còn ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt qua các truyền thuyết đượm tính chất cổ tích, một mô típ phổ biến là người hóa đá, như truyện: Nàng Tô Thị, Hòn Vọng Phu, Hòn Phụ Tử, Núi Bà Đội Om,…Rõ ràng hơn hết thảy các tình tiết diễm lệ và bi thiết của những câu chuyện kể này, trước hết hẳn là hình tướng của những hòn, tảng đá phải biểu hiện trực quan về hình dáng nào đó làm điểm xuất phát cho câu chuyện. Tương tự như vậy, những phương cách “coi mặt đặt tên” để định danh như : núi Két, núi Thiên Bút, hòn Trống Mái, hòn Chồng v.v..đã chỉ ra rằng người xưa đã quan tâm đến hình dạng của núi đồi và đặc điểm tạo hình của đá. Đó cũng là cơ sở bước đầu cho nghệ thuật chơi đá.
Nói đến thú chơi đá, là phải nói đến Mễ Phế người đời Tống, tự là Nam Cung, lúc còn giữ chức Nhậm Nội tại Nha Tu, được một cục kỳ thach, bèn áo mũ chỉnh tề bái lại cục đá đó và gọi đá là “thạch trượng” (ông anh đá). Giai thoại này, được người đời gọi là giai thoại Bái thạch vi huynh để chỉ lòng cung kính của người chơi đá đối với đá. Chính ông cũng là người đề ra 4 chuẩn cho cục đá đẹp trong tác phẩm về nghệ thuật chơi đá “Thạch tướng pháp”, đó là: SẤU (gầy cứng), THUÂN (nếp nhăn), LẬU (lồi lõm, rò chảy như chất lỏng nấu sôi) và THẤU (có lỗ hang, trổ thủng). Sau này, Tô Đông Pha còn đưa ra một chuẩn có tính chất nền tảng – gọi là SỬU (xấu) – để điểm hóa cái khác tố phi phàm của cục đá (kỳ thạch). Danh họa Trịnh Bản Kiều đời nhà Thanh lý giải rằng “xấu mà hùng xấu là đẹp”. Trong thú chơi người xưa đã thấu đáo được cái vi diện của cục đá, biết nắm vững trọng tâm của thú chơi đá. Thông thường chúng ta lúc tán dương cái hùng cái đẹp của một sự vật nào đó đều lấy cái đẹp làm tiêu chuẩn, nhưng rõ ràng là đá lại phô ra cái xấu xí xủa mình, để rồi người chơi đá thấy được cái đẹp của cái đẹp từ trong cái xấu mà có, cái vi diệu của chữ Sừu (xưa nghĩa là xấu) là ở chổ đấy.
Cũng giống như nghệ thuật Bonsai (cây trồng trong chậu cảnh) là nhằm thu tóm cảnh trí thiên nhiên vào cái đơn nhất, nho nhỏ trong tầm mắt thưởng ngoạn, thì ngoạn thạch lấy cái hùng vĩ, hiểm trở của núi non thu nhỏ lại để gửi gấm tình cảm sâu sa tạo thành một tác phẩm để thưởng ngoạn, lấy núi cao nước chảy hòa cùng bóng cây, ngọn cỏ (hòn non bộ) thể hiện sự tao nhã mà thanh tâm. Qua đó họ gửi gắm tâm hồn, để rồi chính phiến đá đơn sơ ấy mời gọi trí tưởng tượng của khách thưởng lãm, làm họ có cảm giác như được lạc vào khoảng không gian nhỏ bé kia mà hòa mình với thiên nhiên rộng lớn bao la. Đó cũng chính là quan niệm vạn vật nhất thể của Đông phương.
Bộ môn này cùng với tranh sơn thủy, vườn sơn thủy trong cái gang tắc chứa đựng cái bao la hàng vạn dặm, trong cái thấp nhỏ lại có dáng dấp của đỉnh cao ngàn trượng. Người chơi đá tùy vào quan niệm, khả năng thẩm thức có thể cộng họa, biểu họa theo các thế hình từng vật thể, phần dáng, toàn cảnh sao cho hài hòa, đặc sắc. Từ đó, hình thành nên nhiều “trường phái”: thiền thạch, thọ thach, thủy thạch, đá mỹ thuật, đá ghép,..và nhiều “pháp môn”: ngoạn thạch (chơi đá), hoặc cung thạch (đá để trưng bày), hoặc ái thạch (yêu đá), hoặc thưởng thạch (thưởng thức đá), hoặc tàng thạch (đá để cất giữ), hoặc luận thạch (bàn luận về đá),…
Thú thưởng ngoạn sinh động, thơ mộng ấy thường gặp trong các cuộc du hành qua các núi sông, hồ bãi, khe suối thác động, gành biển với biết bao loại đá ngổn ngang ẩn nấp Đá phải được thời gian bào mòn, chính nét thời gian ấy mới gây cho người chơi ấn tượng và mang nhiều cảm xúc. Ở đó có niềm vui vô tả, sự an bình, yên ổn muôn đời vì nó thể hiện một cuộc sống không có ưu tư, như là một gạnh nối giữa con người và tạo hóa, đưa chúng ta về với cội nguồn thanh khiết. Thật là một nhã thạch đáng trân ngoạn!