Tọa lạc trên một khu đất có diện tích 9.971m2 giữa trung tâm Chợ Lớn, khu cao ốc Thuận Kiều Plaza chiếm lĩnh vị trí đầu bảng “đất vàng”, có giá trị vượt trội toàn bộ các dự án lớn trong các vùng lân cận.
Năm 1994, Thuận Kiều Plaza được khởi công bởi liên doanh giữa Công ty Xây dựng Thương mại Sài Gòn 5 và Kings Harmony Int MTV của HongKong. Tổng vốn đầu tư là 55 triệu đô la. Năm 1998, công trình hoàn thành, nhưng… nằm bất động luôn từ đó tới nay, tính ra đã gần 20 năm.
Diện mạo Thuận Kiều hôm nay
Về mặt giao thông, Thuận Kiều Plaza nằm dài theo đường Hồng Bàng với chiều dài hơn 300 mét - nhìn ngút mắt và giáp với nhiều con đường xung quanh. Riêng đường Hồng Bàng xưa nay cùng với đường 3 tháng 2 vốn là hai đường trục chính xuyên tâm thành phố Sài Gòn, kết nối với quốc lộ hai vùng Đông - Tây Nam bộ từ hai hướng, người và xe tấp nập suốt cả ngày lẫn đêm không ngơi nghỉ. Kề bên Thuận Kiều Plaza lại là đường Châu Văn Liêm - con đường ngắn, nhưng giá trị bật nhất vùng Chợ Lớn - tương tự đại lộ Nguyễn Huệ ở Quận 1, vùng Sài Gòn. Dọc theo Thuận Kiều Plaza là các đường Tân Hưng, Thuận Kiều, Đỗ Ngọc Thạnh.
Về mặt giá trị thương mại, khó có vị trí nào đối chọi nổi với Thuận Kiều Plaza. Nếu lấy Thuận Kiều Plaza làm tâm điểm của một vòng tròn có bán kính là 1km, thì trong vòng tròn này gom gần đủ các trung tâm thương mại đầu mối của vùng Chợ Lớn, bán sỉ hàng hóa đi khắp cả nước: chợ Kim Biên, chợ vải Đồng Khánh, chợ Đông nam dược, chợ phụ tùng máy và đồ ngũ kim, chợ phụ tùng xe Tân Thành, chợ bao bì góc Phú Hữu - Hải Thượng Lãn Ông, chợ thuốc lá Học Lạc, chợ kim - chỉ - nút Đại Quang Minh, chợ sắt và phụ tùng công nghiệp Hà Tôn Quyền - Tạ Uyên…
Vị trí đắc địa cộng với chi phí đầu tư dồi dào đã tạo ra một cao ốc Thuận Kiều Plaza sừng sửng kiêu hãnh gồm 3 khối nhà cao 33 tầng, có 648 căn hộ cao cấp, 20.000m2 dùng cho khu thương mại, 10.000m2 dùng làm nhà xe, 10.000m2 khác để sinh hoạt giải trí, câu lạc bộ luyện tập thể dục thể thao. Thời điểm khánh thành vào năm 1998, Thuận Kiều Plaza đã tạo ra một cơn sốt thật sự với lũ lượt khách hàng đến tham quan căn hộ, tranh chỗ thuê mặt bằng kinh doanh thương mại. Một doanh nhân người Hoa, có nhà trên đường Phùng Hưng - cách Thuận Kiều Plaza chỉ khoảng 200 mét nhớ lại: lúc đó, giá cho thuê là 200 ngàn đồng/m2- rất cao, nhưng đăng ký trễ nên tôi tiếc hùi hụi vì không thuê được! Kiếm người đã thuê để sang nhượng lại cũng khó, vì rất nhiều người muốn có chỗ kinh doanh ở khu thương mại hiện đại như thế - thời điểm này ngay ở trung tâm Quận 1 cũng mới có Diamond Plaza là nổi đình đám cỡ như Thuận Kiều Plaza mà thôi!
Tuy nhiên, khác với việc cho thuê ở trung tâm thương mại, việc bán căn hộ lại khó khăn hơn rất nhiều. Ban đầu người xem thì đông, người mua chỉ lẻ tẻ. Dần dần người xem cũng vắng hẳn. Nguyên do: giá rao bán một căn hộ từ 35.000USD đến 40.000USD, tương đương 100 lượng vàng, nhưng người mua chỉ được giao quyền sử dụng 50 năm. Với số vàng này, năm 1998, người ta có thể dễ dàng mua một căn nhà phố lầu trong hẻm rộng, có chủ quyền đầy đủ. Vì vậy, căn hộ trở thành hàng ế. Chưa kể bản thân dự án Thuận Kiều Plaza được khai sinh, tượng hình với 75% vốn góp của một doanh nghiệp HongKong, khách hàng mục tiêu mà dự án nhắm tới là người dân HongKong - trên cơ sở dự đoán năm 1997, Anh quốc trao trả HongKong cho Trung Quốc, sẽ có một làn sóng di dân từ HongKong sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, với Chợ Lớn là nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo.
Thực tế đó đã diễn ra hoàn toàn khác. Với những cam kết cởi mở, thông thoáng trước khi HongKong được trao trả, Trung Quốc đã tác động hiệu quả, người dân HongKong không di cư ồ ạt, mục tiêu chiến lược của nhà đầu tư Thuận Kiều Plaza hoàn toàn phá sản. Có thể chính thất bại bẽ bàng này khiến nhà đầu tư hoang mang, mất phương hướng rồi chán nản, dẫn tới buông xuôi… Trong số ít người đã mua căn hộ ở đây, có người chỉ mua nhằm đầu tư nên không đến ở, số căn hộ có người sinh sống lại càng ít, lọt thỏm giữa một không gian đồ sộ nhưng hoang lạnh. Khu thương mại sau cơn sốt tranh thuê chỗ kinh doanh, mỗi ngày một ế ẩm do không có lượng khách hàng thường xuyên là người sinh sống tại chỗ, rơi vào cảnh chợ chiều, nhiều gian hàng đóng cửa.
(Còn tiếp)