Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong thành phố Hồ Chí Minh (tọa lạc 235 Nguyễn Văn Cừ, Quân 5) - tiền thân là trường Petrus Ký, được thành lập năm 1927, ngôi trường đã đào tạo ra biết bao thế hệ học sinh với nhiều thành tích đáng tự hào; luôn là một trong số ít những ngôi trường dẫn đầu về chất lượng dạy và học của cả nước.
Cô Ái Vân đọc thơ Nguyễn Bính và em Minh Ngọc, học sinh trường đàn tranh
Với thành tựu to lớn trong suốt 90 năm qua, vừa niềm tự hào nhưng có lẽ, cũng là vừa là “gánh nặng”, gánh nặng của áp lực, của thử thách đối với nhà trường là làm sao để hôm nay, chẳng những giữ vững chất lượng dạy tốt học tốt mà còn phải vươn lên, vượt lên.
Có lẽ, áp lực đó, thứ thách đó đã làm cho cho đội ngũ thầy cô trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong luôn là một đội ngũ siết chặt đội hình và là một đội ngũ không ngừng khám phá, không ngừng sáng tạo.
Cũng khám phá, cũng sáng tạo nhưng so với các bộ môn tự nhiên, bộ môn khoa học bộ môn văn học gặp khó khăn hơn bởi đặc thù của nó. Toán, lý, hóa…v.v một trăm năm, một ngàn năm vẫn là công thức đó, phương trình đó, định lý đó. Nhưng nhưng bộ môn ngữ văn mà cái lõi của nó là tác phẩm văn học luôn là khoảng trời, những khoảng trời mở ra bầu trời rộng lớn. Bởi thế, khoảng trời đó luôn xê dịch, chuyển dịch, bởi mây, bởi gió, bởi góc nhìn, góc cảm…
Chỉ trừ những tác phẩm văn học kinh điển đã trở thành những di sản văn hóa nhân loại, còn lại, đều có thể thay đổi với “chất thử” nghiệt ngã của thời gian. Có những tác phẩm mấy chục năm trước gây được tiếng vang nhưng hiện giờ không ai còn nhớ nữa. Và ngược lại, có những tác phẩm hồi sinh sau bao tháng ngày bị chôn vùi. Kể cả thực tế từ không ít tác phẩm được chọn dạy trong nhà trường chưa gây được cảm xúc thẩm mỹ cho người học kể cả người dạy.
Có lẽ cảm nhận rõ điều đó mà thầy cô trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, bằng tâm huyết của mình đã tìm tòi và mở ra thêm những khoảng trời văn học cho học sinh và cho cả chính mình. Một trong những khoảng trời văn học học đó là tạo ra môi trường tương tác giữa người đọc và người sáng tác ra tác phẩm văn học. Bởi không có sự tương tác là không tạo được sức sống cho tác phẩm văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung. Một vở kịch, một bức tranh không có người xem là một vở kịch, một bức tranh chết. Một quyển sách không người đọc là một một quyển sách chết. Một bài thơ không người đọc , không người nhớ là một bài thơ chết. Người xem, người đọc, người thưởng ngoạn, người phê bình, người phản biện còn là người sáng tạo và nối dài sức sống của tác phẩm.
Tương tác trong văn chương còn là sự gặp gỡ giao lưu trực tiếp giữa người đọc và nhà văn, nhà thơ, vừa tạo nên sự phong phú trong cách tiếp nhận cảm nhân tác phẩm văn học mà còn là sự khích lệ sáng tạo đối với người sáng tác.
Với nhu cầu đó, sáng ngày 4/.10/ 2017, Trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong đã kết hợp với Ban điều hành Liên chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh mở ra “Khoảng trời văn học”, lần 3.
Lần này, đặc biệt hơn là chuyên đề về “Thơ Nguyễn Bính” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông - một trong rất ít nhà thơ Việt Nam mà thời gian càng làm cho tài thơ của ông thêm ngấm sâu và lan tỏa; và cũng là dịp ra mắt “ NGUYỄN BÍNH TOÀN TẬP ” do nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái đầu của nhà thơ Nguyễn Bính trực tiếp sưu tầm tác phẩm của cha mình trong suốt 20 năm qua. Thơ Nguyễn Bính, có những bài thơ tuổi thọ hơn 80 năm nhưng vẫn tràn sức sống, vẫn ngấm vào hồn.
Một "bữa tiệc” thơ NGUYỄN BÍNH thịnh soạn với những dư vị thật nồng nàn mà phần lớn là do các thầy cô giáo và học sinh các lớp chuyên văn của trường cùng những nhà thơ nhà văn thực hiện bằng đọc thơ, bằng diễn ngâm, đàn, vấn đáp, trò chuyện...đã góp phần cho Khoảng trời văn học lần thứ 3 của trường Chuyên Lê Hồng Phong thêm rộng mở.