Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã tìm thấy trong cương lĩnh của Lê-nin ngọn đuốc soi đường cho đất nước Việt Nam đi tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Cũng từ đây mối quan hệ có bề dày, liên tục, không chỉ ở cấp lãnh đạo, mà ở mỗi người, người Nga, người Việt và đó là nội hàm đưa mối quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới.
Còn nhớ, tại diễn đàn Đại hội lần thứ 25 của Đảng cộng sản Liên Xô, đồng chí Lê Duẩn-Cố Tổng Bí thư của Đảng ta chân thành phát biểu: “Nhân dân Việt Nam hiểu sâu sắc rằng mỗi bước đi lên, mỗi chặng đường thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn với những sự kiện trọng đại diễn ra trên đất nước Liên Xô”. Quả thật đúng như vậy, trong mỗi chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam, nhân dân ta luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đở to lớn về nhiều mặt của Đảng và nhân dân Liên Xô.
Ngày 22/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mật điện cho I.V.Stalin, thông báo về sự ra đời của Chính phủ Cách mạng ở Việt Nam, đề nghị Liên Xô giúp đỡ vượt qua những thách thức, khó khăn do thiên tai gây nên,...sau đó Người tiếp tục gửi bức công hàm với nội dung cụ thể hơn, chi tiết hơn, trình bày tình hình Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong bức công hàm Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do đến cùng của nhân dân Việt Nam. Bức công hàm được phía Liên Xô đón nhận và hồi âm.
Cuối năm 1948 đánh dấu một bước tiến mới trong sự ủng hộ của Liên Xô đối với Việt Nam: Liên Xô đề nghị Hội đồng kinh tế Châu Á - Viễn Đông kết nạp Việt Nam làm hội viên nhưng đề nghị của Liên Xô bị một số nước bác bỏ. Từ năm 1948 đến khi hai nước đặt quan hệ ngoại giao chính thức (1950), nhờ có sự hỗ trợ của Liên Xô, các phái đoàn của Việt Nam mở rộng khả năng ra nước ngoài tham dự các hội nghị quốc tế và nhận được sự ủng hộ của một số nước dân chủ nhân dân khác. Sự ủng hộ của Liên Xô là nguồn động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh bắt buộc để giải phóng dân tộc ra khỏi ách đô hộ của giặc ngoại xâm.
Trong khoảng 20 năm (1955-1974), tổng giá trị các vật tư kỹ thuật và thiết bị toàn bộ mà Liên Xô đưa vào Việt Nam để xây dựng và phát triển kinh tế, chủ yếu bằng con đường viện trợ và cho vay là 2.176.051.000 rúp. Với số vật tư kỹ thuật và thiết bị toàn bộ này, Liên Xô đã xây dựng 135 xí nghiệp công nghiệp và công trình dân dụng ở Việt Nam, bao gồm 46 công trình cho ngành điện lực; 5 công trình cho ngành khai thác khoáng sản; 19 công trình cho ngành cơ khí, luyện kim; 41 công trình cho ngành giao thông vận tải; 1 công trình cho ngành hoá chất; 3 công trình cho ngành vật liệu xây dựng và 20 công trình cho ngành nông nghiệp (1). Về sự ủng hộ, giúp đỡ của Liện Xô đối với Việt Nam như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Sự giúp đỡ to lớn và quý báu của Liên Xô đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống mới của nhân dân miền Bắc Việt Nam...Toàn bộ sự giúp đỡ của Liên Xô có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa”(2).
Ngoài ra, Liên Xô còn viện trợ cho Việt Nam một lượng lớn vũ khí, đạn vượt để giúp nhân dân Việt Nam đánh bại đế quốc Mỹ và bè lũ tay xâm lược, “Trong giai đoạn 1953-1991, Liên Xô cung cấp cho Việt Nam 2000 xe tăng, xe bọc thép, 1700 pháo và súng cối, hơn 5000 pháo cao xạ, 158 tên lửa phòng không, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, hơn 100 tàu chiến, đã triển khai 117 cơ sở quân sự (3).
Trong hòa bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô đã đi đầu trong việc giúp đở nhân dân ta khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo, xây dựng và phát triển kinh tế -xã hội cả sức người, sức của, cả vật chất lẫn tinh thần. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước vào năm 1975, mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên Xô đã chuyển thành "hợp tác cùng có lợi", nhưng với tinh thần "anh em", Liên Xô vẫn tiếp tục cung cấp cho Việt Nam các khoản viện trợ kinh tế lớn. Trong giai đoạn từ năm 1978 đến giữa những năm 1980, Liên Xô đã cung cấp các khoản viện trợ từ 700 triệu đến 1 tỷ USD viện trợ hàng năm cho Việt Nam. Các viện trợ bao gồm các khoản cho vay, tín dụng thương mại, đào tạo kỹ thuật, các dự án hỗ trợ, trợ giá... Cho đến giữa những năm 1980, khi Liên Xô phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, họ vẫn dành cho Việt Nam khoản viện trợ 1 tỷ USD mổi năm.
Năm 1991 khi Liên xô tan rã, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với Liên xô ký ngày 3/11/1978 có thời hạn hiệu lực 25 năm cũng không còn giá trị nữa. Năm 1994 với chuyến thăm của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đã ký kết “Hiệp định về các cơ sở quan hệ hữu nghị giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga” ngày 16/6/1994. Hai nước bây giờ quan hệ với nhau trên cơ sở truyền thống hữu nghị mà truyền thống này bắt nguồn từ 57 năm trước đây (30/1/1950) khi mà Liên xô tuyên bố đồng ý thiết lập bang giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là CHXHCNVN). Truyền thống này đã được chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng, vun đắp từ rất sớm cùng với những người lãnh đạo Liên xô (trước đây) và những người học trò của Người tiếp tục phát huy cho đến ngày nay. Đó là cơ sở bền vững, lâu dài, là nền tảng của mọi sự hợp tác. Nhưng chỉ cơ sở truyền thống hữu nghị thôi thì chưa đủ mà phải dựa trên những nguyên tắc nào. Bản “Hiệp định về các cơ sở quan hệ hữu nghị giữa nước CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga” đã nêu rõ: đó là các nguyên tắc: tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hữu nghị hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
Những cố gắng đó của cả Nga và Việt Nam nhằm đưa quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước vượt ra khỏi tình trạng ngưng trệ đã đưa lại một số kết quả ban đầu. Kim ngạch mậu dịch Nga - Việt năm 1994 đạt 378,9 triệu USD gần gấp đôi mức 204,9 triệu USD năm 1992. Các năm 1995, 1996 tuy kim ngạch không tăng và còn nhỏ bé (453 triệu USD - 1995, 280 triệu USD - 1996) nhưng ổn định. Tính đến năm 1996, Nga có 36 dự án đang thực hiện với số vốn 160 triệu USD ; trong đó 32 xí nghiệp liên doanh, 2 xí nghiệp 100% vốn của Nga, 2 hợp đồng thỏa thuận kinh doanh chung. Nga xếp thứ 18 trong số 54 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Hợp tác liên doanh sản xuất Nga - Việt đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế hai nước. Thành công nổi bật trên lĩnh vực này phải kể đến liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Năm 1994, liên doanh này khai thác được 7 triệu tấn dầu thô, năm 1996 đạt 8,2 triệu tấn, đến tháng 10 năm 1997 đã khai thác tấn dầu thứ 50 triệu. Tổng doanh thu bán dầu từ 1991 đến tháng 10/1997 đạt 6,3 tỷ USD, trong đó nộp ngân sách Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD.
Năm 2001, năm ra đời của bản “Tuyên bố chung vể quan hệ đối tác chiến lược” được coi là năm cột mốc trong quan hệ hai nước Việt Nam - Liên bang Nga. Các chuyến thăm tiếp theo sau năm 2001 của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Liên bang Nga cho đến nay hoặc là khẳng định lại hoặc là triển khai phát triển các vấn đề cụ thể đã được bản “Tuyên bố chung vể quan hệ đối tác chiến lược” xác định cho phù hợp với sự phát triển tình hình ở mỗi nước, trong khu vực và trên quốc tế.
Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng thương mại song phương Việt -Nga trung bình mỗi năm là 10,3%. Theo số liệu từ Cơ quan thống kê Liên bang Nga, trong năm 2016, tổng khối lượng thương mại hai chiều đạt trên 3,8 tỷ USD và Việt Nam đứng thứ nhất trong số các nước ASEAN về thương mại hàng hóa với Nga. Còn theo số liệu từ phía Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2015. Năm 2017, Việt Nam và Liên bang Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường. Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nga đạt 2,7 tỉ USD năm 2016 và 1,37 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2017…Mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống LB Nga Vladimir Ptin đã có cuộc gặp hẹp và hội đàm với sự tham gia của Đoàn đại biểu cấp cao hai nước. Hai bên đã hài lòng về kết quả hợp tác kinh tế - thương mại thời gian qua, hai nhà Lãnh đạo cho rằng hai nước cần nỗ lực để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực của quan hệ thương mại song phương hiện nay tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước; phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch hương mại lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Quan hệ chính trị Việt-Nga với độ tin cậy cao ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược. Cuối năm nay, Việt Nam hoan nghênh Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Hai bên cũng luôn hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN - Nga…Đặc biệt, Việt Nam và Nga đã và đang hợp tác chặt chẽ trong năm APEC Việt Nam 2017.
Hiện nay, với hơn 100 ngàn người Việt Nam sinh sống và làm việc tạo Nga và cũng có khá đông công dân Nga đang làm ăn, kinh doanh và sản xuấ tại Việt Nam. Lãnh đạo Việt-Nga đánh giá cao đóng góp của công dân hai nước vào sự phát triển quan hệ Việt-Nga.
Với những truyền thống tốt đẹp trong quá khứ và mối quan hệ đang phát triển khả quan, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng quan hệ Việt -Nga được tiếp tục củng cố và không ngừng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt -Nga. Đặc biệt, trong thời gian tới hai nước tăng cường nỗ lực nhằm gìn giữ hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không vì hợp tác và phát triển, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Chú thích:
(1)-Đặng Phong (Chủ biên), Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, Tập II: 1955-1975, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2005, trang 483.
(2)-Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng: Nguồn chi viện to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, Báo QĐND số 15791, thứ 4 ngày 13 thág 4 năm 2005, trang 2.
(3)-Web: trandaiquang.org: Giải mật khối lượng vũ khí khổng lồ Liên Xô viện trợ Việt Nam, cập nhật Thứ bảy, 13/12/2014, 05:00 (GMT+7).
Xem thêm:
-Việt Nam - Liên Xô 30 năm quan hệ (1950-1980), Nxb. Ngoại giao Hà Nội, 1983.
- Sự hợp tác quốc tế giữa ĐCS Liên Xô và ĐCS Việt Nam lịch sử và hiện tại, Sđd, tr.324.
-Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga phát triển tích cực, www. chinhphu.vn, ngày 16-4-2014.
-Baongacom.