SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
9
7
0
7
6
Tin tức sự kiện 06 Tháng Mười Một 2017 2:15:00 CH

Kinh doanh ăn uống: một nghề truyền thống ở Quận 5

 

Lâu nay khi nói về nghề truyền thống, người ta hay nhắc đến các làng nghề - một hình ảnh dễ gây liên tưởng về những làng quê nông thôn, với những người thợ thủ công bên những công cụ thô sơ, mộc mạc. Một nhóm thợ với vài chục hộ gia đình tham gia sản xuất một nghề là đã thành làng nghề. Có làng nghề ở nông thôn mới phù hợp, chẳng hạn dệt lụa ươm tơ, hay đan lát mây tre… nhưng có nghề phải bám vào nơi đô hội kinh kỳ như thợ bạc, đúc đồng, may thêu, chế tác đồ dùng gia đình… mới có cơ hội tồn tại, phát triển. Ngược lại, quá trình phát triển đô thị đi kèm với thu hút dân cư lại góp phần khai sinh những ngành nghề mới để thỏa mãn nhu cầu, hoặc du nhập nghề từ các vùng miền khác theo chân những dòng người nhập cư, nhằm mưu sinh.

Sự hình thành đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn đã đi theo một quá trình như vậy, và đến đầu thế kỷ trước, đã là một vùng đô thị phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, kiêu hãnh với danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông”. Thời ấy, theo nhiều cứ liệu lịch sử, Sài Gòn – Chợ Lớn là một mô hình kiến trúc – quy hoạch sáng tạo, căn cứ theo tiêu chuẩn Châu Âu nhưng có sự phối hợp các mô típ phương Đông, lẫn điều chỉnh để thích nghi môi trường khí hậu vùng nhiệt đới gió mùa. Đường phố rộng và khang trang, cây xanh rợp bóng nắng, ngày và đêm đều có đủ các hoạt động vui chơi giải trí thỏa mãn nhu cầu cư dân và du khách.

Tuy vậy, tùy từng khu vực, các vùng trong đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn có những thế mạnh riêng. Người Sài Gòn xưa có câu “Ăn Quận Năm, nằm Quận Ba, la cà Quận Nhứt”. Có nghĩa về ăn uống, Quận 5 đầu bảng xếp hạng. Về ở, Quận 3 là số một do nhiều biệt thự, công thự, ít hoạt động thương mại nên yên tĩnh, đồng thời nhiều cây xanh bóng mát. Riêng Quận 1 để la cà vui chơi, tập trung nhiều rạp chiếu phim, rạp hát, vũ trường, quán bar, phòng trà, nhà sách, có cả thư viện Quốc gia lẫn Thảo cầm viên, vườn Tao Đàn, bến Bạch Đằng hóng gió và ngắm sông Sài Gòn. .. Góc đường Đồng Khởi – Lê Lợi  dài tới góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi tập trung các quán cà phê nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Quận 5 nổi tiếng về cái sự ăn uống, không chỉ vì tập trung rất nhiều nhà hàng lớn và sang trọng – vốn dành chop tầng lớp khá giả tiệc tùng – mà vì có nhiều món ăn ngon, đặc sắc, hương vị độc đáo khó tìm ở nơi khác, nhưng giá cả phải chăng, phù hợp túi tiền của nhiều người.

Món ngon được biết nhiều nhất là mì vịt tiềm, với nước dùng bao gồm 5 vị thuốc bắc, tạo mùi thơm dễ chịu và đánh bay mùi tanh của thịt vịt. Có nhiều nơi bán món này, nhưng có tiếng và lâu năm là quán Hải Ký, trước ở đường Nguyễn Tri Phương, nay dời về đường Nguyễn Trãi. Nhiều người cứ ngỡ đây là món ăn của người Hoa, nhưng đúng ra, đây chính là món riêng của người Hoa ở Chợ Lớn sáng tạo ra. Ngay tại Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, hay ở các cộng đồng người Hoa ở Mỹ hoặc Châu Âu đều không có món mì vịt tiềm trong thực đơn. Ăn mì vịt tiềm “đúng bài” phải kèm dưa đu đủ xanh muối chua – ngon hơn – và đây là điểm cộng thêm của món ăn: sự kết hợp tài tình giữa mì và thuốc bắc – gốc Hoa, với thịt vịt và dưa đu đủ chua – gốc Việt.

Nhiều người sinh ra, lớn lên ở Quận 5 vẫn còn trong ký ức những món ngon từ trước năm 1975: cháo thập cẩm Trạng Nguyên ở gần rạp Hào Huê, gần góc đường Nguyễn Tri Phương – Trần Phú, quán bò viên Đại Quang Minh đường Châu Văn Liêm, quán bột chiên ở góc đường Châu Văn Liêm – Hải Thượng Lãn Ông, quán hủ tíu sa tế bò ở đường An Bình và một quán khác ở đường Nguyễn Trãi, đối diện chùa Bà. Món gà hấp muối có tiếng nhất lại thuộc về hai quán đều trong hẻm. Một quán không có tên, nằm trong hẻm kế rạp Palace – nay là rạp Đống Đa – chuyên hấp gà với muối hột, gói trong giấy dầu, hấp bằng lò thùng phuy. Giờ tan sở, khách mua gà ra vào hẻm nườm nượp – vì nhiều người mua mang về gia đình cùng ăn. Quán khác là Lão Mã , cũng trong hẻm nhỏ xíu đường Trần Phú, đối diện Nhà Văn hóa Quận 5, vẫn còn kinh doanh tới giờ. Ở Lão Mã còn món cá chẽm chưng Hong Kong cũng ngon như gà hấp muối – được nhiều thực khách chiếu cố.

Quận 5 xưa không thiếu món ăn Việt Nam, và đều đông khách. Quán Hoàng Oanh trên đường Nguyễn Tri Phương có món chạo tôm – tôm ướp gia vị băm nhuyễn cuộn quanh khúc mía – hấp hoặc nướng, làm ngon đặc biệt, khách đến ăn nhiều lúc hết chỗ, phải chờ mua đem về. Ngay góc Trần Hưng Đạo – Tản Đà trước là quán Tân Đào Viên, chuyên món Việt là một trong hai quán tiếng tăm nhất Sài Gòn – Chợ Lớn (quán còn lại là Thiên Nam - ở Quận 1 – đường Nguyễn Thái Bình gần góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Đáng tiếc, nay Tân Đào Viên không còn, chốn cũ bây giờ là một ngân hàng hiện diện.

(Còn tiếp kỳ sau)


Số lượt người xem: 1597    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm