Bác Hồ chúng ta đã nhiều lần khẳng định: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý - vì đó là những kỹ sư tâm hồn”. Từ xưa đến nay, trong suy tư, tâm thức văn hoá dân gian cũng như trong thi ca luôn đề cao vai trò người thầy.
Người xưa dạy:“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”(Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy),Câu ấy hàm ý phản ánh truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, tôn kính, quí trọng người thầy giáo. Khẳng định thái độ trách nhiệm của xã hội, của người trò đối với thầy, dù chỉ dạy một chữ hay nửa chữ vẫn là thầy của mình “Không thầy đố mày làm nên”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Nhà nghiên cứu văn học, uyên thâm Hán Nho Phan Kế Bính viết trong cuốn “Việt Nam phong tục”: “Học trò học nghề hay là học chữ, ở với người dạy cho mình đều có nghĩa thầy trò. Học trò phải kính trọng thầy phải quý mến thầy mà nhất là thầy dạy học chữ lại phải kính trọng hơn nữa”.
Để ngợi ca truyền thống tôn sư trọng đạo, ta thấy cả một hệ thống truyền thuyết về những người thầy danh tiếng như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm…Ở nhiều nơi, nhân dân ta bên cạnh lập đền thờ cac vị anh hùng dân tộc, họ còn lập đền thờ về những ông thầy như đền thờ Chu Văn An, đền thờ Trạng Trình, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn trong truyện cổ tích, chúng ta thấy hệ thống những câu chuyện ca ngợi tình thầy trò, ca ngợi thầy trò và công đức của người thầy như truyện Sự Tích Đầm Mực.vv…
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của những giá trị vĩnh hằng thuộc về mọi người, mọi dân tộc và thời đại, trong đó có giá trị về tấm gương mẫu mực của một bậc thầy lỗi lạc. Trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, trở thành lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, thầy Nguyễn Tất Thành đã dạy học tại trường Dục Thanh, Phan Thiết, Bình Thuận. Khi còn dạy ở trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành không chỉ hết lòng truyền đạt tri thức, tư tưởng tiến bộ, chỉ ra tầm quan trọng đối với việc học mà còn gieo vào tâm trí người học về nguồn cội, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và nỗi niềm trăn trở của người dân mất nước qua mỗi bài giảng. Bài học Sử ký “Hùng Vương dựng nước, đời Hồng Bàng”, thời kỳ mở đầu của 18 đời vua Hùng dựng nước được thầy Thành truyền đạt đến học trò với giọng trầm ấm, âm vang, thể hiện niềm tự hào về giống nòi “Con Rồng cháu Tiên”, lòng biết ơn đối với các vua Hùng đã công dựng nước và giải thích cặn kẽ sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ một bọc trứng nở ra trăm con, một nửa theo cha xuống bể, một nửa theo mẹ lên ngàn. Thầy giải thích: Bọc trứng ấy chính là lòng mẹ, chung một mẹ - cùng một nòi giống. Vì vậy, dân ta luôn nhắc đến hai tiếng thiêng liêng, đó là “ĐỒNG BÀO” - nghĩa là cùng bọc, cùng một dòng máu, huyết thống. Thầy Thành còn giải thích thêm: Một nửa số người con theo mẹ lên ngàn, một nửa theo cha xuống bể - nói lên người Việt Nam đã trải qua bao mưa nắng, người đi phương này, kẻ đi nơi kia khai phá, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước. Nước Việt Nam ta được như ngày nay, ta không quên công lao của bao thế hệ cha anh đã xây dựng nên. “Tình Tổ quốc, nghĩa đồng bào” cũng xuất phát từ gốc tích ấy và thầy liên hệ thêm bài thơ bằng giọng trầm bổng, thiết tha để minh chứng sự gắn bó máu thịt thiêng liêng của đồng bào Việt Nam: “Sông sâu nước chảy nặng dòng/Lòng ta có khác chi lòng mình đâu/Dầu Nam, dầu Bắc mặc dầu/Cùng chung Tổ quốc, cùng sầu nước non”. Cả lớp học yên lặng, lắng nghe từng câu, từng chữ từ thầy! Cuối mỗi bài giảng, thầy luôn ân cần căn dặn: “Chữ là mắt, người không có chữ coi như bị mù vậy”. Hồi còn nhỏ, thầy thường được nghe cha mẹ, ông bà ngoại của thầy nói về “cái chữ” tối hệ trọng đến vậy, mà nó hệ trọng thật, không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả mọi thứ dưới gầm trời này và người không có chữ sẽ mãi mãi là vật sai khiến, vật hy sinh cho bọn thống trị, cho nên các trò được ngồi học là phải tự hỏi mình: “Học chữ để nên người, giúp dân cứu nước, hay học để vinh thân phì gia?”.
Trong những giờ giảng bài về địa lý, lịch sử Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã xót xa kể lại cho các em nghe và nhớ rằng, đất nước ta đang bị giặc Pháp xâm lăng, nhân dân ta đang sống cảnh lầm than, nô lệ.
“Thương những dải đất khô bài địa lý
Sách thầy cầm hạn hán cháy từng trang
Thân ngựa đá lấm bùn in sử ký
Vẫn bồn chồn gõ móng hý trong sương” (Trích thơ Nguyễn Vũ Tiềm, trong bài “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành”).
Bước tiếp thế hệ của Người, dân tộc Việt Nam ta cũng vô cùng tự hào khi có một cái tên trở thành bất tử, một con người đi vào huyền thoại, đấy chính là Đại tướng-thầy giáo Võ Nguyên Giáp. Ông cũng là một người Thầy, một thầy giáo dạy lịch sử sâu sắc. GS-TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã viết những dòng kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Những lời chỉ bảo của Đại tướng cho tôi cảm giác được thụ giảng một nhà sử học uyên bác… Niềm tự hào còn ở chỗ, Đại tướng yêu sử và chọn lịch sử làm nghề, chính xác là chọn nghề dạy lịch sử” (Baodautu.vn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Từ thầy giáo dạy sử đến người viết nên lịch sử).
Trong thơ ca Việt Nam hiện đại hình ảnh về người Thầy cũng được đề cập khá nhiều. Điều này không lạ đối với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.
Nhớ về những thầy cô giáo của mình ở trường Quốc học Huế, thi sĩ Cù Huy Cận viết: “...Mỗi thầy để lại ở trong tôi?/Cái vốn yêu thương/cái vốn người?/Nghĩa bạn, tình thầy/lòng mãi nặng” (Quốc Học trường ta, Quốc Học ơi!)
Thật đáng nêu gương cho tất cả chúng ta Huy Cận một nhà thơ lớn của dân tộc trong cuộc đời và sự nghiệp vinh quang của mình vẫn luôn luôn nhớ về người thầy đầu tiên đã khẳng định một cách đầy kính cẩn và tự hào: “Có người ở quê ra/Đưa tin thầy học mất/Thầy Thự thầy đầu tiên/Dạy tôi đọc tôi viết…Thầy thầy học khai tâm /cho hồn tôi có tuổi” (Tình nghĩa thầy trò).
Nhà thơ Tố Hữu có bài thơ “Trường tôi” tặng các chiến sĩ bình dân học vụ, viết giản dị như không thể giản dị hơn: “Trường tôi vui giữa luống cày/Bến sông, bãi chợ, bóng cây lưng đồi/Trường tôi vui giữa biển khơi/Chữ reo mặt sóng, chữ ngời nghe câu…” (Trường tôi). Cái hay là ở chỗ niềm vui được học chữ bừng lên, nhà thơ ta chớp được sự tinh túy của niềm vui ấy.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từ tuổi cắp sách đến trường viết về người thầy đầu tiên, với sự nhạy cảm và thật tinh tế: “Em nghe thầy đọc thơ/Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quanh nhà”. Những vần thơ thầy đọc khiến Trần Đăng Khoa sống dậy những kí ức xa xưa với những điều thân thương nhất: “Em nghe thầy đọc bao ngày/Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây quanh nhà/Mái chèo nghiêng mặt sông xa/Êm êm nghe tiếng của bà năm xưa” (Nghe thầy đọc thơ). Nghe thầy đọc thơ vậy mà tưởng chừng như ta nghe được cả bước chuyển mình của thời gian. Mọi vật cũng đều thay đổi theo vậy:”Nghe trăng thở động tàu dừa/Rì rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời” (Nghe thầy đọc thơ). Trần Đăng Khoa sử dụng nghệ thuật nhân hóa càng làm cho hình ảnh thơ thêm sống động, chứa chan bao ý nghĩa. Ánh sáng lung linh của vầng trăng khuya lấp lánh trên mặt nước cũng ùa về trong kí ức. Những hàng dừa ven sông cũng rung chuyển. Hẳn không gian đần đìa ánh trăng ấy phải rất tĩnh lặng thì mới có thể nghe thấy được “tiếng thở” của vầng trăng làm lay động tàu dừa đang vươn mình đón gió.
Nhà thơ Vũ Quần Phương đã viết tặng cá cô giáo Trường Mầm non (Hà Nội), dạy con của mình là Vũ Hà Văn, bài thơ “Trường con” với những câu thơ đằm thắm:“Cô lấy lòng yêu dạy các con/Chữ C trăng khuyết chữ O tròn?Con ơi trăng khuyết trăng tròn lại/Riêng tấm lòng cô vẫn sớm hôm…Cô ru khôn lớn con đi khắp/Tay nhỏ con xây mặt đất này/Tim thắm suốt đời yêu Tổ quốc/ Miệng hát những bài như mật say”.
Những cô giáo Trường Mầm non (Hà Nội) thật tự hào, bởi người học trò mầm non năm ấy là Vũ Hà Văn nay đã thực sự nổi tiếng trên thế giới, được nhiều người biết đến sau sự kiện năm 2008, anh vinh dự được nhận Giải thưởng Polya - một giải thưởng lớn của Hội Toán học Ứng dụng và Công nghiệp Hoa Kỳ (SIAM). Năm 2009, Nhà nước ta đã công nhận Vũ Hà Văn là giáo sư kiêm chức tại Viện Toán học Việt Nam, khi anh 39 tuổi.
Những vần thơ trong bài “Thăm thầy giáo cũ” của nhà giáo –nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi viết tặng thầy Hoàng Như Mai dội lại trong lòng người đọc như sóng miên man vỗ bờ không dứt:“… Thầy đã giảng cho con về đất nước, nhân dân/ Để khi mặc lành không quên người áo vá/Ăn miếng ngon nhớ bàn tay trồng khoa dỡ củ/Câu ca dao đau đáu một đời...Con nghe rất nhiều trong lặng im/Thầy thấu cả những điều con chưa nói/Phút giao cảm, thầy là tia nắng dọi/Con, cây xanh đang nẩy lộc trong vườn”.
Năm nay, những cơn gió lạnh đầu mùa vẫn không làm mất đi không khí tưng bừng dào dạt niềm vui của ngày nhà giáo Việt Nam mà toàn xã hội đã và đang dành cho những người Thầy, người Cô. Xin mượn mấy câu thơ trong đoàn kết bài thơ “Thăm thầy giáo cũ” của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi để kết thúc bài viết:
“Thầy tiển con về. Phố lạnh hơi sương
Con để mãi bàn tay trong tay thầy ấm áp
Và con biết đêm nay thầy lại thức…”
Cái lạnh của hơi sương cơn gió đầu mùa bỗng tan biến từ lúc nào, chỉ còn lại hơi ấm của tình thầy trò, tri âm tri, kỷ.
Tài liệu tham khảo:
1-Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” Nhà xuất bản Kim Đồng.
2-Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính.
3-Thica.net: Thơ của Nguyễn Vũ Tiềm; Huy Cận; Tố Hữu; Trần Đăng Khoa; Vũ Quần Phương; Nguyễn Bùi Vợi.