TỪ QUÁN CHÈ BÉ XÍU 80 TUỔI…
Đường Trần Hưng Đạo B, qua ngã tư Châu Văn Liêm một đoạn ngắn, có một quán chè cũ kỹ, mở ra kinh doanh từ năm 1938 và không nghỉ ngày nào cho tới nay. Chị chủ quán cho biết: người mở quán năm xưa là bà ngoại, truyền lại cho mẹ chị và giờ tới lượt chị “duy trì truyền thống”. Quán nằm trong vòng tường của một trạm biến điện từ thời Pháp thuộc, diện tích chỉ hơn 20m2, bán từ 3 giờ chiều tới khuya. Thực đơn của quán song ngữ Hoa – Việt, gồm nhiều loại chè, nhưng đắt hàng nhất là các món: bạch quả trứng cút, bo bo trứng cút, táo đỏ nhãn nhục, chè trà hột gà và chè mè đen.
Quán không tên, không bảng hiệu, không một lời quảng cáo phía trước và từ ngoài đường nhìn vào thấy xập xệ, vừa cũ vừa cổ xưa. Vào quán ăn chè còn phải tốn tiền gởi xe ở bên kia đường. Rất lạ là người ăn lúc nào cũng đông, thêm cái khoản mua mang về cũng thường xuyên có người ngồi chờ nhận chè. Ngon miệng, giá cả vừa phải và đảm bảo hương vị từng món chè. Có lẽ đây chính là bí quyết căn bản để quán tồn tại suốt tám mươi năm dài, trải ba thế hệ, vẫn nghiễm nhiên là một thương hiệu tiếng tăm – dù không tên – người sành ăn ở Quận 5 thường gọi là “chè Nhà Đèn”.
Ngoài chè “Nhà Đèn” thuộc loại cao niên, Quận 5 còn một số quán chè có tuổi trên 30 năm, như chè Tường Phong ở 83 An Điềm, Phường 10. Chè Hà Ký trên đường Châu Văn Liêm, Phường 11. Mỗi nơi một kiểu, nhưng Hà Ký đông khách hơn cả, bán tới nửa đêm vẫn còn khách ăn. Tương tự chè “Nhà Đèn”, Hà Ký cũng nằm gọn trong một căn nhà thuộc một dãy phố lầu cổ, nhưng được cái rộng rãi, khang trang hơn.
… ĐẾN NHỮNG MÓN ĂN ĐƯỢC ƯA CHUỘNG
Trước năm 1975, khu vực tập trung các tiệm heo quay, vịt quay, xá xíu nằm trên đường Tạ Uyên, Phường 15, nay vẫn còn lại vài tiệm, nhưng quy mô nhỏ, vắng khách, “Trung tâm” mới của món heo – vịt quay – xá xíu hiện giờ ở góc đường Bùi Hữu Nghĩa – Phan Văn Trị, Phường 7 và một nhóm khác ở gần cuối đường Trần Phú, cũng thuộc Phường 7. Giá bán một chú vịt quay vàng ươm, bóng mỡ ở đây thuộc loại mắc nhất thành phố, khoảng 280 ngàn đồng, nhưng những ngày lễ tết, người mua đứng tràn cả xuống lòng đường, dù vĩa hè khá rộng rãi. Phía Quận 11, đường Lê Đại Hành cũng có một dãy phố heo – vịt quay, giá chỉ từ 200 ngàn đến 220 ngàn đồng/con, nhưng… chất lượng không thể sánh bằng ở Quận 5. Ngẫm ra, câu thành ngữ “tiền nào, của nấy” hoàn toàn chính xác trong trường hợp này.
Ngoài heo – vịt quay, còn rất nhiều món ăn Trung Hoa xuất phát từ Quận 5, nhưng ngày càng hiện diện ở nhiều nơi, trở thành những món ăn phổ biến, quen thuộc với cộng đồng. Tiệm cơm gà xối mỡ Lão Hương Thân ban đầu mở ra ở góc Trần Hưng Đạo B – Ngô Quyền, khách ăn đông, làm ăn phát đạt, mấy năm nay đã chuyển về 402 Trần Phú, sang trọng và rộng rãi hơn. Sự thành công của Lão Hương Thân đã kích thích cả một phong trào mở quán cơm gà xối mỡ ở nhiều nơi trong thành phố.
Tiệm cơm gà xưa nhất Quận 5 còn tồn tại có lẽ là cơm gà Đông Nguyên, đã trên 70 năm, qua ba đời kế truyền. Tiệm cũ nằm ngay góc Châu Văn Liêm – Nguyễn Trãi, nay còn bảng hiệu, nhưng chỉ sử dụng để giữ xe cho khách sang ăn cơm ở tiệm mới mở trên đường Nguyễn Trãi, cách đó vài căn nhà. Gà ở đây là gà ta đã qua tuyển chọn kỹ, da vàng, ngọt thịt. Ăn cơm Đông Nguyên thường thực khách còn khó bỏ qua các món canh tiềm trong thố gốm, thơm ngon đặc biệt.
Nhiều và rất nhiều những món ăn khác, ban đầu làm ra để bán cho thực khách người Hoa, lâu dần, trở thành món quen thuộc của người dân Sài Gòn, không còn ranh giới phân biệt Việt hay Hoa nữa. Góc phố tình cờ nào đó đi ngang qua, cũng có thể bắt gặp một xe bánh quẩy, bánh tiêu bán kèm bánh bò, hoặc một quán hủ tíu xào – mì xào dòn với đặc trưng là một chiếc chảo to đùng, màu đen bóng trong tay một ông đầu bếp đang loay hoay chiên xào . điều rất lạ là đầu bếp bán hủ tiếu xào thường thấy là đàn ông.
THAY LỜI KẾT
Cái sự ăn uống ở Quận 5 thành danh tự bao giờ, không ai biết…! Có lẽ từ thuở những người Hoa di dân, lập làng Minh Hương vài trăm năm trước mở quán ăn, bán món Trung Hoa phần vì để mưu sinh, phần để thỏa nỗi nhớ về một quê nhà đã xa.
Theo quy định của Nhà nước hiện nay, một làng nghề truyền thống nông thôn phải đảm bảo ba nội dung: xuất hiện tại địa phương trên 50 năm, tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc và nghề phải gắn bó với tên tuổi một nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề (Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006). Khái niệm nghề truyền thống đô thị thì chưa hề có quy định, quy ước nào.
Quận 5 – làng Minh Hương xưa nay là phố thị chật chội, đông đúc, nhưng nghề kinh doanh ăn uống vẫn truyền đời. Chế biến món ăn đúng là nghề thủ công, món ăn chính là một phần bản sắc văn hóa dân tộc, do vậy, coi kinh doanh ăn uống ở Quận 5 là một nghề truyền thống là hoàn toàn hợp lý và góp phần phát triển du lịch và phát triển kinh tế địa phương.
Ở nhiều đô thị lớn trên thế giới, những quán ăn “trăm năm tuổi” luôn luôn là một điểm nhấn mọi khách du lịch không dễ gì bỏ qua. Kỳ vọng này với Quận 5 không hề xa vời.