NHỮNG ĐIỂM ĐỘC ĐÁO KHÔNG ĐÂU CÓ!
Điểm lại, trên toàn khu vực “chợ” Vật liệu xây dựng, hiện có ba trung tâm: Trung tâm vật tư đường Hải Thượng Lãn Ông, kế Bưu điện Quận 5, Trung tâm vật liệu xây dựng đường Trịnh Hoài Đức và Trung tâm hương liệu – hóa chất – mỹ phẩm – tức chợ Kim Biên. Trên đường phố, mọi căn nhà trên mặt tiền đều là cửa hàng kinh doanh, hoặc văn phòng kiêm cửa hàng tiêu thụ sản phẩm của một doanh nghiệp nào đó… trải dài suốt các đường Vạn Tượng, Vũ Chí Hiếu, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn An Khương, Kim Biên và một phần Đại lộ Đông – Tây gần cầu Chà Và, tạo ra một không gian độc đáo: chợ ở trong chợ và toàn khu vực như một siêu thị mở trên đường phố - không thiếu thứ gì nghề xây dựng cần – với ba trung tâm kinh doanh tập trung như ba điểm nhấn phụ họa.
Nét độc đáo thứ hai là hệ thống đường phố trong khu vực hều hết đều nhỏ hẹp, dù đã trải qua nhiều lần nâng cấp và mở rộng. Lý do: đây có thể là khu phố thương mại cổ xưa nhất của cả đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn thời mới định hình. Giữa ngã tư Phùng Hưng – Trịnh Hoài Đức, hiện giờ vẫn còn sừng sửng một trụ đèn chiếu sáng cổ - với tên gọi “cột đèn 5 ngọn”. Ban ngày người – xe náo nhiệt không lúc nào ngơi, nhưng đêm xuống, nhà nhà đóng cửa hoặc chỉ mở hé, suốt mấy trục đường trong khu vực yên tĩnh đến lạ lùng, như tách biệt hẳn với đường Hải Thượng Lãn Ông ngoài kia ồn ào, người xe qua lại, đèn pha sáng rực.
Dạo khu phố này ban đêm, dễ liên tưởng đến phố cổ Hội An ở miền Trung, và nếu ngược dòng lịch sử theo hướng từ Nam ra Bắc – theo chiều dài đất nước – có thể nhận diện ba trung tâm kinh tế lớn: Chợ Lớn – Hội An và Phố Hiến (Hưng Yên bây giờ). Xưa nhất là Phố Hiến với câu thành ngữ còn truyền tụng“Thứ nhất kinh kỳ - Thứ nhì Phố Hiến”. Hơn trăm năm sau, Hội An bật lên theo đà Nam tiến của dân tộc và hơn trăm năm sau nữa, chính là Sài Gòn – Chợ Lớn – với khu phố cổ Phường 13, Quận 5 sừng sửng làm nhân chứng tới tận giờ.
Phố xưa, nên đã nhiều thế hệ nối tiếp sinh sống nơi đây, là lý do tạo ra điểm độc đáo khác nữa: có những gia đình truyền đời kinh doanh một nghề, không thay đổi. Một chủ cửa hàng ở Trung tâm vật tư đường Hải Thượng Lãn Ông cho biết: tui theo nghề của ba, từ ông nội truyền lại, xa hơn nữa thì không biết…! Mỗi thời, mỗi lúc hàng hóa có thay đổi, nhưng mình phải theo kịp để mua bán theo nhu cầu của ngườii dân. Nhiều mối mua hàng ở đây cũng lâu đời như vậy. Có nghĩa là bản thân người bán không chỉ kế thừa nghề, kế thừa cửa hàng, mà cả một hệ thống phân phối do cha, ông gầy dựng. Quả là đặc biệt!
NÉT GẠCH NỐI TỪ QUÁ KHỨ
Mối mang lâu năm tạo sự bền vững của hoạt động mua bán khu vực vật liệu xây dựng ở Quận 5. Người mua ở tỉnh chỉ cần gởi đơn hàng qua Zalo, hoặc Email, ngày hôm sau hàng từ Quận 5 theo chành vận chuyển tới tận nơi. Hàng tháng đôi bên đối chiếu công nợ qua mạng, xong là thanh toán. Mỗi cửa hàng lớn nơi đây không chỉ là một cửa hàng, mà còn là một đầu mối tiêu thụ hàng hóa có hệ thống chân rết rộng khắp. Cửa hàng Kim Quy trên đường Ngô Nhân Tịnh có cả một lực lượng giao hàng hùng hậu: xe tải, xe ba bánh lẫn xe máy, sẵn sàng giao tận nơi cho các cửa hàng bán lẻ, công trình xây dựng hoặc chành vựa đưa hàng về các tỉnh.
Phương thức làm ăn này không có gì lạ, tương tự thời xa xưa, người mua ở tỉnh gởi đơn hàng theo xe, hoặc ghe, đến cửa hàng, rồi nhận hàng chở về tỉnh – kèm hóa đơn tính tiền – nhưng tiền cứ để đó trả sau là bình thường. Phải chăng, cho khách mua nợ cũng là một cách khéo léo giữ mối mua hàng bền vững?
Như một nét gạch nối giữa quá khứ và tương lai, “chợ” vật liệu xây dựng Quận 5 cứ nghiễm nhiên tồn tại qua bao biến thiên lịch sử. Xung quanh khu vực này vẫn còn những địa danh gợi nhớ thời xa xưa đã có những ngành nghề liên quan công cụ sinh hoạt – sản xuất và vật liệu xây dựng, như chợ Xóm Vôi cạnh bến xe Chợ Lớn cũ, hoặc xóm Lò Rèn – là đoạn đường Học Lạc từ Hải Thượng Lãn Ông qua tới đường Nguyễn Trãi. Cả hai xóm này giờ chỉ còn tên Xóm Vôi, xóm Lò Rèn đã rơi vào quên lãng, ít người còn nhớ.
Hy vọng rằng trong một tầm nhìn phát triển của Quận 5 về tương lai, vẫn không bỏ sót việc giữ gìn một nét đẹp quá khứ, để cháu con mai này còn có một nơi chốn tìm về, mường tượng một Chợ Lớn xưa trong một không gian thực.