SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
9
3
5
3
8
Tin tức sự kiện 11 Tháng Mười Hai 2017 9:05:00 SA

Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam được thành lập - Một sự kiện đặc biệt

 

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Từ nam vĩ tuyến 17, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, dựng lên chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, ngược lại những nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam là hoà bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Mỹ - Diệm tấn công lực lượng vũ trang của các giáo phái, mở những chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, ban hành Luật 10/1959, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, lê máy chém đi khắp nơi để giết hại những người yêu nước.     

Tháng 1-1959, Nghị quyết Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 15 ra đời, với đường lối cách mạng miền Nam, đã tạo nên bước chuyển biến căn bản và nhảy vọt trong những năm 1959-1960 mà đỉnh cao là phong trào “Đồng Khởi”. Lúc bấy giờ, ở miền Nam, Đảng chưa công khai, ta chưa có chính quyền, các lực lượng vũ trang mới hình thành. Mặt trận là hình thức thích hợp nhất để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân chống kẻ thù Mỹ - Ngụy.

Ngày 20-12-1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Mặt trận DTGPMNVN) được thành lập bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị, với chương trình hành động 10 điểm:

1- Đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc dân chủ.

2- Thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ.

3- …Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh.

4- Thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân làm cho người cày có ruộng.

5- Xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc dân chủ.

6- Xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân.

7- Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào.

8- Thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình trung lập.

9- Lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

10- Chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới.

Chương trình 10 điểm của Mặt trận đã giải quyết một cách đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng miền Nam. Chính vì vậy, Mặt trận DTGPMNVN đã có sức thu hút mạnh mẽ mọi tầng lớp nhân dân trong vùng giải phóng và các đô thị lớn.

Trong Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (25-4-1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao sự ra đời của Mặt trận DTGPMNVN. Người nói: “Hiện nay, trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm, đồng bào ta ở miền Nam cũng có “Mặt trận Dân tộc giải phóng” với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” (1)

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng, sau ngày được giải thoát khỏi nơi bị địch quản thúc tại Tuy Hòa (Phú Yên), được Ủy ban Trung ương Mặt trận, trong kỳ họp tháng 2-1962, bầu làm Chủ tịch. Các Phó Chủ tịch gồm có: Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Tổng thư ký Đảng Dân chủ miền Nam; bác sĩ Phùng Văn Cung; ông Võ Chí Công, đại diện Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam; đại đức Thôm Mê Thê Nhem, dân tộc Khmer; ông Trần Nam Trung, đại diện các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam.

Mặt trận DTGPMNVN chọn lá cờ nửa màu xanh, nửa màu đỏ, giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm cờ của Mặt trận và bài ca Giải phóng miền Nam làm bài hát của Mặt trận. Mặt trận có Thông tấn xã giải phóng, có Đài Phát thanh giải phóng, có vùng căn cứ ở Bắc Tây Ninh, có đường dây liên lạc đến các nơi bằng vô tuyến điện, đường bộ.

Mặt trận được tổ chức đến tận cấp xã, và từ năm 1960 đến 1967, Ủy ban Mặt trận Giải phóng địa phương các cấp thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng ở cấp mình.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận DTGPMNVN là ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh cả trên ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao. Cũng nhằm mục đích này, ngày 15-2-1961, Quân Giải phóng miền Nam chính thức được thành lập; ngày 20-4-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam đã ra đời, do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch.

Mặt trận DTGPMNVN không những có uy tín trong nước mà còn có vị thế trên trường quốc tế. Trong Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương, tháng 3-1965, Mặt trận là đại biểu chính thức của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Tháng 6-1967, Mặt trận thiết lập cơ quan đại diện tại Phnôm Pênh.

Ngày 30-6-1967, Chính phủ Cu-ba cử đại sứ đặc mệnh toàn quyền, bên cạnh Ủy ban Trung ương Mặt trận DTGPMNVN.

Mặt trận đã cử phái đoàn đại diện ở Hà Nội, các cơ quan thường trú ở các nước Trung Quốc, Liên Xô, Cu-ba, Hung-ga-ry, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Ba Lan, Tiệp Khắc, Campuchia, Cộng hòa A-rập thống nhất (Ai Cập), An-giê-ri, Inđônêsia.

Ngày 10-12-1968, Mặt trận đã cử đoàn đại biểu tham dự Hội nghị bốn bên ở Pa-ri do đồng chí Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn.

Từ ngày 6 đến 8-6-1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam quyết định thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch và Hội đồng Cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch. Từ đây, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã kế thừa vị trí của Mặt trận tại Hội nghị Pa-ri và là một bên ký kết Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Ngày 30-4-1975, cờ Mặt trận DTGPMNVN hiên ngang tung bay trên nóc dinh Tổng thống Sài Gòn, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 2 năm 1977, Mặt trận DTGPMNVN và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt nam hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành một tổ chức duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặt trận DTGPMNVN ra đời và tồn tại trong 15 năm là một sự kiện đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng oanh liệt của nhân đân ta.

(1) Hồ Chi Minh toàn tập- NXB CTQG - H - 1996 - T 10 - tr 349.


Số lượt người xem: 1317    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm