SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
9
2
4
7
9
Tin tức sự kiện 19 Tháng Mười Hai 2017 9:55:00 SA

An Đông: chợ bán sỉ quần áo thời trang

 

Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm Sài Gòn – Chợ Lớn, và với vùng Sài Gòn ngôi chợ mang tính biểu trưng là chợ Bến Thành, vùng Chợ Lớn lại có tới hai chợ: Bình Tây và An Đông. Xét về tính chất, Bến Thành là chợ bán lẻ, chỉ có tiếng nhờ mang trong mình vị trí trung tâm và yếu tố lịch sử, còn An Đông và Bình Tây mới là hai chợ bán sỉ hàng hóa mang tầm vóc khu vực.

Những ngày cuối năm, chợ An Đông đang dần sôi động, do nhiều đầu mối mua hàng từ các nơi đổ về. Tất bật hơn cả là ngành quần áo may sẵn – bao gồm các thứ “phụ tùng” trang trí đi kèm: dây nịt, túi xách, ba lô, bóp (ví) nam hoặc nữ, giày dép các loại... Toàn khu vực chợ An Đông, các ngành hàng này có số lượng lên tới vài trăm gian, vì vậy khi lưu lượng hàng hóa mua bán tăng, cảnh nhộn nhịp, chen chúc diễn ra khá thường xuyên. Cùng ngành hàng quần áo may sẵn có quy mô lớn không thua chợ An Đông là chợ Tân Bình, cũng bán sỉ đi các tỉnh thành, cũng trong không khí tấp nập, mua bán, nhưng theo sự phân loại của giới kinh doanh quần áo, hàng hóa chợ Tân Bình hầu hết là giá rẻ, bình dân, khác hẳn về mặt “đẳng cấp” so với hàng hóa ở chợ An Đông.

HÀNG CHỢ NHƯNG KHÔNG “CHỢ”

Quần áo may sẵn ở chợ An Đông có xuất xứ từ một số doanh nghiệp may mặc trong nước và nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, có chất lượng tương đối khá, trở thành nguồn cung cấp cho nhiều shop quần áo tại thành phố và các tỉnh thành lớn trong nước. Đây là một lý do khiến hàng hóa ở đây được giới buôn bán xếp loại không phải hàng “chợ” – đồng nghĩa với hàng chất lượng thấp.

Lý do khác, mua hàng ở chợ An Đông không dễ có giá sỉ. Người bán lâu năm, nhiều bạn hàng cũng lâu đời, mới giao dịch với nhau bằng giá buôn sỉ đúng. Với bạn hàng mới, không bao giờ có giá tốt nhất trong lần mua hàng đầu tiên. Đây là một sự thật hiển nhiên, được nhiều tiểu thương chợ An Đông thừa nhận. Chị H., một tiểu thương bán quần áo ở An Đông hơn 30 năm giải thích: Khách mới, phải mua nhiều lần, mới xác định được đúng là người ta mua sỉ lâu dài, lúc đó bán đúng giá sỉ tốt nhất để giữ mối là cần thiết.

Một lý do nữa khá đặc biệt, là đã mua giá sỉ, phải mua hàng đủ cỡ, đủ “size”. Chẳng hạn quần jean, phải mua đủ từ size 27 đến 32, áo thun phải mua từ size S đến XL. Không được lựa cỡ, lựa size theo ý mình! Điều này đặc biệt, vì thông thường hàng hóa ở chợ là người mua tùy ý lựa chọn, riêng tại An Đông thì không – nếu đã mua giá sỉ.

Vì những lý do ấy, quần áo bán sỉ ở chợ An Đông được nói vui là hàng chợ mà không “chợ”! Và là một niềm hãnh diện của những người kinh doanh nơi đây.

THỊ TRƯỜNG VÀ TRIỂN VỌNG

Ăn và mặc là hai nhu cầu cơ bản của một con người. Dân số nước ta hiện xấp xỉ 90 triệu người. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, cư dân thực tế sinh sống, làm việc phải hơn con số chục triệu người – một nhu cầu khổng lồ! Hơn nữa, cuộc sống hiện đại vội vã và cần tiết kiệm tiền bạc, thời gian, dẫn tới việc mất dần thói quen đi may quần áo, chuyển sang mua cho nhanh, gọn. Các tiệm may ngày càng một ít dần, nhường chỗ cho các shop quần áo.

Trong bối cảnh ấy, lực lượng tiểu thương kinh doanh quần áo ở An Đông lại gần như làm chủ phân khúc thị trường quần áo có chất lượng trung bình khá – giá trị cao, đáp ứng nhu cầu giới trẻ và cư dân đô thị. Mạng lưới phân phối trải rộng khắp mọi miền. Quan hệ bạn hàng chặt chẽ, lâu năm, khách hàng nợ hàng tỷ đồng vẫn… kê gối nằm ngủ ngon! Điều này có nghĩa triển vọng phát triển của ngành kinh doanh quần áo còn rất lớn trong tương lai, với nguồn nhân lực, tài lực có sẵn tại chợ An Đông.

Tuy vậy, không phải có triển vọng là đủ. Thực tế không gian kinh doanh ngành hàng quần áo trong chợ rất hạn hẹp, nói là chen chúc cũng không sai. Trên cơ sở mặt bằng kinh doanh như vậy lấy đâu ra không gian phát triển, trưng bày hàng hóa?

Một thực tế khác là nhu cầu thời trang giới trẻ chỉ ưa chuộng hàng hiệu. Cùng một sản phẩm quần jean, gắn mác CK, D&G hay DKNY có thể bán giá sỉ 200 ngàn/quần, còn không có thương hiệu, giá chỉ 120 ngàn/quần cũng khó bán. Rốt cuộc, người kinh doanh phải lao theo việc thỏa mãn nhu cầu để bán hàng, dẫu biết rằng rất nhiều hàng hiệu là hàng nhái  - tất nhiên người mua cũng thừa biết, nhưng vẫn thích mua, thích mặc cho “ra vẻ” cùng bè bạn.

Cuối cùng, đã là chợ ở Việt Nam, người bán thường hay “nói thách”, An Đông cũng không vượt ra khỏi thông lệ này. Âu cũng là thói quen lâu năm, chỉ có thể từng bước thay đổi dần dần trong quá trình phát triển.


Số lượt người xem: 1194    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm