Ngày 28-11-1959, trong bài viết trên báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng phong trào “Tết trồng cây” để “Trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần cải thiện đời sống của nhân dân”(1)
Lời kêu gọi trồng cây của Bác Hồ đã được nhân dân ta hưởng ứng tích cực và sớm trở thành tập quán tốt đẹp có tính nhân văn trong đời sống văn hóa xã hội, đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực về phòng hộ, môi sinh, cảnh quan, kinh tế và quốc phòng. “Tết trồng cây” đã trở thành một phong trào sâu rộng với nhiều ý nghĩa và đặc trưng độc đáo.
Từ đó cho đến Xuân Kỷ Dậu 1969, trước lúc Bác đi xa vĩnh biệt chúng ta, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, Bác đều viết bài đăng trên báo Nhân Dân kêu gọi toàn dân tham gia thực hiện”Tết trồng cây” làm cho phong trào “Tết trông cây” trở thành nét đẹp truyền thống và mỹ tục mới trong đời sống xã hội nước ta.
Năm 1965, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở vào thời kỳ quyết liệt, đế quốc Mỹ ném bom và rải chất độc hóa học nhằm hủy diệt thiên nhiên Việt Nam, con người Việt Nam, Bác kêu gọi nhân dân trồng cây, giữ lấy mùa xuân cho đất nước.
Tết trồng cây “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Nó “chẳng những có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn”. Bác kêu gọi mọi người trồng cây. Trồng cây phải đi đôi với chăm sóc cây. Bác dạy: “Trồng cây nào chắc cây ấy…Trồng ít, trồng vừa mà cây nào được cây ấy, còn hơn trồng nhiều mà có nhiều cây chết”.
Xuân về, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại nô nức tham gia Tết trồng cây. Tết trồng cây không chỉ khẳng định thêm truyền thống được hình thành và ngày càng phát triển sâu rộng, mà còn là hành động thiết thực chăm lo cho tương lai đất nước, phát triển tài nguyên rừng và giữ gìn an ninh môi trường.
Hơn năm thập kỷ qua, nhờ phong trào Tết trồng cây, nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh. Nhiều nơi, cây xanh đã tỏa bóng mát ven các tuyến đường giao thông, trong các ngõ xóm…, thay đổi một số vườn tạp thành vườn cây ăn quả, có hiệu quả kinh tế cao. Hàng tỷ cây trồng được đưa vào khai thác, sử dụng, đem lại lợi ích nhiều mặt cho mỗi gia đình và cả xã hội. Nhiều cá nhân, đơn vị, mô hình, điển hình, phương thức trồng cây, trồng rừng tốt xuất hiện, góp phần tô đẹp và làm giàu quê hương, đất nước.
Các ngành, các cấp, địa phương và mỗi công dân hãy đẩy mạnh hơn nữa phong trào trồng cây, trồng rừng, kiên quyết chuyển hẳn lối trồng cây theo phong trào sang trồng cây theo kế hoạch, dự án và khắc phục tình trạng chạy theo số lượng. Phải coi Tết trồng cây là phong trào thường xuyên của mọi người, mọi nhà, khắc phục tình trạng “xuân thu nhị kỳ”, “đến hẹn lại lên”. Phải làm cho mọi người, mọi lứa tuổi hiểu hơn vai trò của cây xanh, cây rừng đối với đời sống nhân dân và nền kinh tế - xã hội.
Trồng cây thực sự là một ngành khoa học, cho nên phải tuân thủ các quy trình khoa học, kỹ thuật, biết lựa chọn cây trồng đủ tiêu chuẩn, đạt chất lượng. Đối với trồng rừng, nhất thiết phải chọn cây lâu năm, có tán, phù hợp đất rừng, tạo ra đồi cây, cánh rừng tốt, có tính ổn định lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao…
Tết trồng cây nên được duy tri liên tục trong cả năm, tùy theo điều kiện, tình hình cụ thể từng địa phương, và phải được tổ chức sâu rộng đến tận thôn, bản, đơn vị, hộ dân. Cùng với việc trồng cây, trồng rừng, từng địa phương cần thường xuyên đẩy mạnh hơn nữa việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh, cây rừng, kiên quyết xử lý theo đúng pháp luật những hành vi xâm hại cây xanh, cây rừng. Các ngành, các cấp có liên quan cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách phát triền rừng, khuyến khích người trồng cây, trồng rừng bảo vệ cây xanh, cây rừng.
Tết trồng cây do chính Bác Hồ khởi xướng và ngày nay đã trở thành phong tục tốt đẹp trong nhân dân ta. Và chính Bác Hồ đã nêu một tấm gương sáng về “Tết trồng cây”. Chiều 11-1-1960, cây đa đầu tiên Bác trồng tại Công viên Bảy mẫu (nay là Công viên Thống Nhất, Hà Nội). Cây đa cuối cùng Bác trồng vào Mồng một Tết Kỷ Dậu 1969 (16-2-1969) tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì (Hà Nội).
Trở về thủ đô, sau khi Hà Nội được giải phóng, và chỉ ít lâu sau, xung quanh căn nhà sàn gỗ trong vườn Phủ Chủ tịch, Bác đã tạo dựng một thiên nhiên đẹp bằng việc trồng nhiều cây. Nơi đây, đã chứng kiến những năm tháng sinh thời Bác Hồ chăm lo “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, cho nên tại khu vườn cây xanh nơi Người ở gồm 14 ha, với 161 loài cây khác nhau, có hơn 1.000 cây, chẳng những mang nội dung lịch sử mà còn mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Đến nay, Tết trồng cây bước vào tuổi 59. Chúng ta rất vui mừng khi thấy xuất hiện nhiều “Rừng cây ơn Bác”, “Vườn cây nhớ Bác”…Chúng ta nguyện tiếp tục làm theo Lời Bác:
“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.(2)
(1)Hồ Chí Minh Toàn tập – NXB CTQG – H – 1996 – T 9 – tr 558-559
(2)Sđd – T 11 – tr 356.