SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
9
0
8
7
6
Tin tức sự kiện 08 Tháng Giêng 2018 2:20:00 CH

“Ăn” Tết và nhu cầu về thực phẩm an toàn

 

Đã bước sang năm mới 2018, với pháo hoa nở tưng bừng trên bầu trời thành phố đêm chia tay năm cũ 2017. Những cuốn lịch mới đã được treo lên tường mọi nhà. Nhưng thật ra, với hết thảy mọi người dân Việt, “năm mới” thực sự vẫn đang còn ở phía trước: Tết Mậu Tuất 2018.

Năm Đinh Dậu 2017 là do năm nhuận, có tới 2 tháng 6 Âm lịch, nên Tết Âm lịch 2018 đến trễ. Ngày 16/02/2018 mới là ngày mùng một Tết đầu năm mới theo Âm lịch, năm Mậu Tuất. Tính ra còn hơn một tháng mới Tết, nhưng cái lo “ăn Tết” đã và đang hiện diện rất rõ trong mọi tầng lớp xã hội. giới lãnh đạo, quản lý và giới chủ doanh nghiệp thì tất bật lo việc lương, thưởng cho nhân viên và người lao động, thu vén công việc để sắp đặt lịch trình thăm viếng các đơn vị, đối tác liên quan trước và trong Tết. Giới làm công ăn lương lại lo lương có bị nợ không? Tiền thuởng có nhiều, ít…? Thậm chí ở nơi xa tít bên kia bờ đại dương – nước Mỹ - với hàng triệu kiều bào Việt Nam, nhiều người giờ này đã làm xong thủ tục xin nghỉ phép thường niên và visa nhập cảnh để về nước ăn Tết.

TẠI SAO “ĂN” TẾT?

Tùy theo vùng miền, nơi thì “Tết đến – Xuân về”, nơi “Năm hết – Tết đến”, nơi khác lại “Năm mới – đón Xuân sang”… nhưng ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nhất vẫn là “ăn” Tết! Chữ Tết ai cũng hiểu, biết và cảm nhận đầy đủ, đi liền với chữ ăn. Điều này mặc nhiên xác định ngày Tết, cái ăn phải khác ngày thường. Bánh chưng hoặc bánh tét kèm nồi thịt kho trứng vịt là hai thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Phụ họa thêm là dưa cải chua, củ kiệu hoặc hành tím muối chua. Các loại trái cây để hợp thành mâm ngũ quả cúng tổ tiên và chưng Tết, kèm cặp dưa hấu to tròn dán thêm miếng giấy hồng điều. Các loại bánh mứt để lai rai uống trà. Chai rượu hoặc thùng bia đãi khách.

Nhưng đã là đãi khách, phải có phần “thêm thắt” món ngon. Vì vậy, trong tủ lạnh dân thành phố trước Tết thường đầy ắp các loại rau, củ quả và các loại thịt gà, vịt, tôm, cá… dự trữ sẵn sàng. Thực phẩm khô hoặc chế biến là lạp xưởng, vịt lạp, măng khô, mì sợi, miến, bún khô, tôm khô… tóm lại, khó liệt kê hết danh mục thực phẩm ăn Tết của dân mình.

Nhu cầu ăn Tết của hàng chục triệu dân thành phố đã tạo ra một thị trường cực kỳ lớn cho giới kinh doanh, sản xuất, cho hàng loạt sản phẩm nội địa lẫn ngoại nhập. Tháng 12/2017, hàng hóa xuất, nhập qua cảng Cát Lái liên tục bị ùn ứ. Nhiều tàu hàng phải neo chờ trên sông Sài Gòn, chờ có chỗ trống ở bến cảng để cập mạn, lên xuống hàng hóa. Mỗi ngày, tuyến đường nối cảng Cát Lái ra đường dẫn cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Dầu Giây ken đặc những hàng xe containner nối đuôi. Hàng nhập khẩu để ăn Tết hầu hết là bánh kẹo, bia rượu, thực phẩm đông lạnh, trái cây tươi và khô. Tại chợ An Đông sáng ngày 3/1/2018, các quầy thực phẩm khô ở tầng hầm đã bày bán mứt chà là nhập khẩu từ Ai Cập,  bên cạnh những hộp bánh từ Pháp, Malaysia, Thailand, Đan Mạch… khách buôn từ các tỉnh thành dến sạp xem hàng, thỏa thuận giá cả, mua theo đơn vị thùng để về phân phối lại tại địa phương.

Nhìn từ đường phố, xe cộ đông đúc hơn, người người như vội vã hơn… đang tạo ra khung cảnh phố phường nhộn nhịp hơn hẳn bình thường. Dường như ai nấy cũng đều lo kiếm thêm chút tiền cho ngày Tết được đủ đầy các thứ cần thiết trong nhà.

Thật ra, gọi “ăn” Tết chỉ là cách nói cho gọn. Nhu cầu Tết không chỉ ăn ngon, mà còn mặc đẹp. Lứa trẻ nhỏ và thanh niên gần như đương nhiên phải có quần áo mới – ít ra là một bộ quần áo, dành cho ngày mùng một, đầu năm. Rồi còn giày, dép, dây nịt, nón, áo khoác… cũng cần đồ mới cho… đồng bộ. Hơn thế nữa, nhà cửa cũng phải chăm chút, vệ sinh kỹ và trang hoàng, sửa sang lại, vì Tết thì phải có khách thăm viếng, chúc tụng… không thể bê bối được!

Ngày Tết, ngoài việc thăm viếng xóm giềng gần gũi, chỉ vài bước chân, còn cần đi lòng vòng chúc Tết bè bạn, đồng nghiệp, có khi còn phải về quê chúc Tết họ hàng. Vậy là phải sửa sang lại xe máy, hoặc sắm xe mới nếu túi rủng rỉnh tiền – năm mới… đi xe mới càng vui!

Nghĩ cho cùng, chính thời điểm trước Tết như hiện tại mới chính là lúc bùng nổ các thứ nhu cầu phục vụ hai chữ “ăn Tết” và đỉnh cao là những ngày giáp Tết với các thứ thực phẩm tươi và hoa quả.

ĂN TẾT VÀ NỖI LO AN TOÀN THỰC PHẨM

Ngay đầu tháng 1/2018, Ban Quản lý An toàn thực phẩm trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố đã công bố thành lập 12 đoàn thanh tra về an toàn thực phẩm, trong nỗ lực hỗ trợ người dân có được những thực phẩm an toàn để ăn Tết, cùng sự phối hợp với các ngành chức năng ở quận, phường, các ban quản lý chợ, trung tâm thương mại… Đây là một việc làm rất kịp thời và đúng thời điểm, vừa giúp người dân giảm bớt nỗi lo thực phẩm bẩn, độc hại, vừa hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính tăng thêm cơ hội đứng vững trước sự cạnh tranh không lành mạnh của những gian thương làm ăn gian dối, trục lợi trên sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng.

Thực phẩm ngày Tết hiện nay dồi dào không kể xiết và cũng khó có thể biết đâu là sản phẩm an toàn cho sức khỏe, bởi vì… chính người bán cũng không biết! Ai có thể xác định các loại hoa quả khô xuất xứ Trung quốc như táo tàu, hồng khô… đã tẩm ướp những chất gì trong quá trình chế biến, sấy khô và bảo quản? Ngay trên mạng Internet, đang chào bán nhan nhãn những loại mứt Thái Lan là vỏ bưởi 550.000 đồng/kg, mứt cam 700.000 đồng/kg; quả hồng sấy dẻo được cho là từ Hàn Quốc giá lên tới 1 triệu đồng/hộp; nho khô nguyên chùm từ Úc 600.000 đồng/kg… nhưng ai là người kiểm tra chất lượng và xuất xứ sản phẩm?

Ngộ độc thực phẩm và… ăn Tết trong bệnh viện là điều không ai mong muốn, huống hồ là bị nhiễm độc từ từ qua các thực phẩm tẩm ướp hóa chất, phẩm màu công nghiệp độc hại còn đáng sợ hãi hơn.

Không phải ngẫu nhiên khi Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm vào tháng 3/2017, bổ nhiệm bà Phạm Khánh Phong Lan – một tiến sĩ ngành dược học – vào chức vụ Trưởng Ban. Đây là một chỉ dấu cho thấy tình hình và mức độ an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã ở ngưỡng báo động, cần phải có cơ quan chuyên trách theo dõi quản lý, kiểm tra sát sao và chặt chẽ, nhằm đảm bảo sức khỏe người dân. Trên địa bàn Quận 5, trong phạm vi trách nhiệm của mình, Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận cũng thường xuyên đôn đốc các ngành và chính quyền cơ sở thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn cho thấy, chưa thể ngăn chặn thực phẩm mất an toàn có mặt trên thị trường.

(Xem tiếp kỳ sau)


Số lượt người xem: 994    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm