SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
8
6
3
6
6
Tin tức sự kiện 09 Tháng Hai 2018 9:55:00 SA

Bác Hồ với miền Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

 

 

Từ năm 1965, để giữ gìn sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị quyết định hàng năm Bác ra nước ngoài chữa bệnh. Cuối năm 1967 sức khỏe của Bác suy giảm rất nhanh do nhiều bệnh chuyển biến xấu, cho nên, theo yêu cầu của Bộ Chính trị, ngày 10/9, Người rời Hà Nội qua Bắc Kinh điều trị tại một khu nghỉ dưỡng trên núi. Chuyến đi này của Bác kéo dài hơn bảy tháng, mãi đến ngày 21/4/1968, Người mới trở lại Hà Nội.

Giữa năm 1967, cơ quan Tổng hành dinh bắt tay vào soạn thảo kế hoạch tác chiến năm 1968 cho các chiến trường. Đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn gợi ý Cục Tác chiến soạn thảo kế hoạch theo hướng đánh thẳng vào cơ quan đầu não, trung tâm đô thị và các căn cứ quân sự của Mỹ - Ngụy. Trong suốt nửa cuối năm 1967, Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị họp nhiều lần xem xét, điều chỉnh kế hoạch tác chiến này. Căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 12/10/1967, Cục Tác chiến hoàn thành dự thảo kế hoạch tổng công kích – tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam. Thường vụ Quân ủy Trung ương xem xét, điều chỉnh một lần nữa để trình dự thảo kế hoạch cho Bộ Chính trị mở rộng.

Trong quá trình soạn thảo và đi đến quyết định tổng công kích – tổng khởi nghĩa khi Bác đang ở nước ngoài, vì vậy, ngày 21/12/1967, Bộ Chính trị điện sang Trung Quốc mời Người về họp Bộ Chính trị để báo cáo kế hoạch với Bác. Tối ngày 23/12/1967, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ ra sân bay đón Bác.

Ngày 28/12/1967, Người chủ trì phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị tại nơi ở của Người để nghe đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị báo cáo về kế hoạch tổng công kích – tổng khởi nghĩa và quán xuyến việc thảo luận chung. Tại cuộc họp này, nhiều tướng lĩnh cao cấp được mời đến báo cáo kế hoạch tác chiến của từng chiến trường. Cuộc họp kéo dài cả ngày 28/12 đến 30/12. Theo đồng chí Vũ Kỳ cho biết: “sau phiên họp kéo dài căng thẳng, Bác trở về nhà sàn, chân bước chậm rãi, có lẽ một điều gì đó khiến Bác chưa thật yên tâm”.

Cũng trong ngày 28/12/1967, Bác hai lần làm việc riêng với Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, người lãnh đạo cao nhất của quân đội, trực tiếp chỉ huy cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân sắp tới. Chiều muộn ngày 30/12/1967, Người chủ trì phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ và sáng sớm ngày 31/12, Bác sang Phủ Chủ tịch để ghi âm “Thư chúc mừng năm mới” của Người sẽ phát vào giao thừa sắp tới. Chiều ngày 01/01/1968, tại nhà sàn, Người làm việc với tập thể Bộ Chính trị một lần nữa, sau đó Người ra sân bay trở lại Trung Quốc chữa bệnh, Bộ Chính trị cử đồng chí Lê Văn Lương cùng đi với Bác.

Mặc dù chỉ có chín ngày đêm ở Hà Nội với bao vấn đề hệ trọng và làm việc căng thẳng, nhưng Bác dành hai buổi tối cuối cùng để tiếp những vị khách đặc biệt của Người: Tối 30/12, Người cho mời phu nhân của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và hai cháu nhỏ đến ăn cơm với Người. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt tin cậy bởi tài năng và phẩm chất của mình, đã lăn lộn nhiều năm trên chiến trường Nam Bộ, vừa qua đời cách đó 6 tháng. Cả Đại tướng và phu nhân đều là người miền Nam – quê ở Thừa Thiên Huế. Tối 31/12, Người mời cơm phu nhân đồng chí Phạm Hùng, phu nhân đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chị Mười (Đồng Tháp), cả ba đều là phụ nữ của “Nam Bộ thành đồng”.

Qua hai bữa tối này, dường như Bác muốn nhắn nhủ: miền Nam, Nam Bộ luôn trong trái tim nồng ấm của Người.

Những ngày cuối năm này, khi miền Nam chuẩn bị đánh lớn, tại khu nghỉ dưỡng trên núi ở ngoại ô Bắc Kinh đêm về vắng lặng, theo đồng chí Vũ Kỳ, tâm trạng Bác có vẻ không yên, thường ngồi im lặng trong phòng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân cắt nghĩa tâm trạng của Người, nhưng cơ bản nhất vẫn là những điều sau:

- Tháng 5/1967, sau 03 năm lãnh đạo, chỉ huy chiến trường Nam Bộ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội và ở lại miền Bắc hai tháng liền để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và bàn thảo với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng về kế hoạch tác chiến chiến lược sắp tới. Ông là người chủ trương đánh thẳng vào các đô thị và các cơ quan đầu não của địch. Rạng sáng ngày 6/7/1967, đúng ngày trở lại chiến trường, ông lên cơn đau tim đột ngột và qua đời. Đây là tổn thất cực kỳ to lớn cho Đảng, Nhà nước ta, cho cách mạng miền Nam khi bước vào giai đoạn quyết định. Là một trong hai vị Đại tướng của quân đội, là người lãnh đạo trực tiếp cao nhất chiến trường miền Nam, lại dày dạn trận mạc, hiểu rõ địch, hiểu rõ ta, nếu ông còn sống để tổ chức, chỉ huy cuộc tổng tiến công chiến lược sắp tới thì hẳn là thắng lợi sẽ còn to lớn hơn nữa, và tổn thất không thể nghiêm trọng như vậy.

- Cuối năm 1967, khi Bác đang ở Bắc Kinh, thì tại Hà Nội xảy ra vụ án chống Đảng và làm gián điệp cho nước ngoài. Trong chuyên án lớn này, nhiều cán bộ quan trọng bị bắt, trong đó có nhiều sĩ quan cao cấp nắm giữ nhiều chức vụ cơ mật của quân đội ta, gây chấn động thời bấy giờ.

- Từ cuối tháng 10/1967 đến tháng 1/1968, khi Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị bàn thảo và thông qua quyết định mở cuộc tổng công kích – tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam, thì Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp – người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất của quân đội bị lâm bệnh, được gợi ý đi chữa bệnh ở nước ngoài, vì vậy ông không thể tham gia soạn thảo kế hoạch chiến lược cơ mật này. Theo Trung tướng Nguyễn Đình Ước, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chữa bệnh tại Hung -ga-ri về Bắc Kinh gặp Người. Trong Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử ghi rõ ba ngày liền, từ ngày 25 đến ngày 27/1/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục làm việc với Đại tướng – Tổng Tư lệnh. Sau những cuộc làm việc với Bác, từ Bắc Kinh, Đại tướng mới về Việt Nam và đến Hà Nội chiều ngày 31/1/1968, khi cuộc tổng công kích đã diễn ra. Mãi ngày 8/2/1968 ông mới nghe Cục Tác chiến báo cáo và trở lại trực tiếp lãnh đạo, điều hành chỉ huy quân đội.

Khi tiếng pháo giao thừa râm ran nổ thì Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên lời chúc Tết của Bác Hồ: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

Khi câu cuối cùng của bài thơ kết thúc, Bác nói khẽ với đồng chí Vũ Kỳ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng”. Thì ra “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” theo quy ước với các chiến trường là phát súng lệnh, là lời hiệu triệu đồng bào, đồng chí miền Nam xông lên phía trước trong thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy.

Sau nhiều tiếng chờ đợi từ lúc giao thừa, gần trưa mồng một Tết, Người nhận được báo cáo đầu tiên từ Hà Nội: “Đã đánh khắp miền Nam”. Bác lộ vẻ vui mừng.

Theo dõi sát sao tình hình chiến sự, Người hiểu rằng Cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam chưa thể giành thắng lợi quyết định. Cuộc chiến đấu còn phải lâu dài và gian khổ. Quả thật sau 7 năm nữa, vào mùa xuân năm 1975 đất nước mới thống nhất, giang sơn mới thu về một mối. Là người “tri thiên mệnh”, Bác biết rằng không thể chờ đến ngày đó. Vì chỉ hơn một năm sau, ngày 02/9/1969, Người đã về cõi vĩnh hằng. Vì vậy, Người yêu cầu bố trí cho Người đi thăm miền Nam “trước ngày thắng lợi hoàn toàn”.

Do sức khỏe chưa tốt trở lại, Bác âm thầm tập luyện để có thể đi bộ dài ngày. Trong vườn hoa Phủ Chủ tịch, từ nhà sàn của Bác đến đình Hội Đồng có con đường nhỏ rộng 1,6m và dài 260m cỏ mọc dày và không người qua lại, trở thành con đường mòn Bác đi bộ hàng ngày sau khi đi chữa bệnh ở Trung Quốc về, và Người đặt tên là đường Trường Sơn. Năm 1969, Đại đội 1, Đoàn Tân Trào đã rải xỉ than tôn cao con đường để Bác tập luyện. Khi Người qua đời mọi người mới hiểu Bác dùng con đường này tập luyện hàng ngày để có thể vượt Trường Sơn vào Nam thăm đồng bào, đồng chí.

Từ tháng 5 đến hết Tết Mậu Thân 1968, do công việc bộn bề và sức khỏe không được tốt, Bác ít đi thăm các địa phương và hãn hữu lắm Bác mới tiếp vài đoàn của các tầng lớp nhân dân miền Bắc. Nhưng đối với miền Nam thì lại khác. Hầu như tất cả các đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, Bác đã đến tận nơi thăm hỏi hoặc mời về nhà sàn nói chuyện và ăn cơm cùng Bác. Có những anh hùng, chiến sĩ tiêu biểu của miền Nam được Bác đón tiếp nhiều lần như các chị Trần Thị Lý, Tạ Thị Kiều và các cháu thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ…

Trong những tháng ngày cam go, ác liệt này, ở những thời điểm khác nhau, Bộ Chính trị lần lượt triệu tập đồng chí Phạm Hùng, đồng chí Nguyễn Văn Linh – Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục; đồng chí Hoàng Văn Thái, Lê Đức Anh – Tư lệnh và Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam ra Hà Nội báo cáo về tình hình cách mạng miền Nam. Ngoài các cuộc họp thảo luận chung, Bác cho mời riêng từng đồng chí để trao đổi tình hình và ăn cơm cùng Bác. Trong những bữa cơm thân mật ấy Bác đều kiên định yêu cầu các đồng chí lãnh đạo cao nhất của chiến trường Nam Bộ  tổ chức cho Người vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Trong hồi ký, đại tướng Lê Đức Anh kể lại: “Bác ăn hết một bát cơm đầy rồi bảo: “Chú thấy Bác còn khỏe đấy! Chú hãy chuẩn bị cho Bác đi vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam””.

Nhưng do chiến sự quá ác liệt, yêu cầu của Bác chưa thể thực hiện được.

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, Người đặc biệt thương và quý trọng cán bộ nữ đang chiến đấu trên chiến trường. Từ Hà Nội, Người cho làm ba chiếc lược nhỏ xinh bằng đuyara từ xác máy bay Mỹ bắn rơi trên miền Bắc, gửi tặng bà Nguyễn Thị Định – Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, chị Phan Thị Quyên – vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thị Châu - Ủy viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp thanh niên và sinh viên giải phóng. Khi nhận được món quà nhỏ này của Bác, các chị đều xúc động và cảm nhận rõ tình yêu thương bao la của Người, không chỉ dành riêng cho mỗi chị, mà cho cả đồng bào chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu.

Miền Nam luôn khắc khoải trong trái tim đau đớn và nồng ấm của Người.


Số lượt người xem: 1222    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm