SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
8
5
3
8
8
Tin tức sự kiện 09 Tháng Hai 2018 11:00:00 SA

Xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa

 

Di sản văn hoá Việt Nam là kết tinh trí tuệ, tình cảm và truyền thống của bao thế hệ. Nó có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam, đặc biệt là trong xã hội hiện đại. Mặc dù trải qua bao biến cố lịch sử, mất mát, hủy hoại, tuy nhiên nguồn di sản ấy đến nay vẫn vô cùng phong phú, đa dạng nhờ vào những hoạt động, chính sách bảo tồn di sản văn hoá của Đảng và Nhà nước ta. Một trong số đó chính là công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa.

Có thể nói từ khi “Luật Di sản văn hóa” ra đời (6-2001) xu hướng xã hội hóa trong việc bảo tồn di sản văn hóa ngày càng được mở rộng trong nhân dân. Trong những năm qua, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chống xuống cấp di tích đã đạt được những kết quả to lớn, trên cả nước có nhiều di tích được tu bổ đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ và tu bổ di tích. Hàng trăm di tích được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh có sức hấp dẫn khách tham quan cả trong và ngoài nước, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo thêm việc làm cho nhân dân địa phương. Cũng như các địa phương khác, tại Quận 5 công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy các giá trị di tích luôn được Đảng bộ, Chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện cũng như được sự đồng thuận cao của Ban quản trị các hội quán, Ban quản lý các di tích, Ban trị sự các đình, chùa, nơi được công nhận là di tích.

Điển hình năm 2017, tại Quận 5 có khá nhiều di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương tu sửa cấp thiết, tu bổ di tích như: Chùa bà Quan Âm (Hội quán Ôn Lăng), Từ đường Phước Kiến, Chùa Thiên Tôn…  Một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác tu bổ di tích từ nguồn kinh phí xã hội hóa đó là di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Chùa bà Quan Âm thường được gọi là Hội quán Ôn Lăng, tại địa chỉ số 12 Lão Tử, Phường 11, Quận 5.

 

Lễ ra mắt phim tư liệu về di tích và sách “Tự hào di sản văn hóa Quận 5” ngày 24/8/2017

Thời gian trôi qua cũng như sự thay đổi của thời tiết ở vùng đất Nam Bộ đã phần nào làm cho các di tích xuống cấp nhanh chóng. Nhận thức được điều đó, đầu năm 2016, Ban quản trị Hội quán Ôn Lăng đã có cuộc họp nội bộ các thành viên Ban quản trị, thống nhất đề xuất xin chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được tu bổ khu vực tiền điện, trang trí lại toàn bộ họa tiết nóc mái, sơn son, thiếp vàng các hoành phi, câu đối… với kinh phí gần 4 tỷ đồng. Sau thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến ngày 01/6/2017, Ban quản trị Hội quán Ôn Lăng thực hiện nghi thức động thổ dưới sự chứng kiến các phòng ban chuyên môn thuộc Sở Văn và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Quận 5, các đơn vị liên quan. Sau 6 tháng khẩn trương sửa chữa, Công ty tu bổ di tích Trung ương chi nhánh Miền Nam đã hoàn tất các hạng mục công trình tu bổ tại di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa bà Quan Âm. Ngày 04/02/2018, Ban quản trị Hội quán Ôn Lăng thực hiện các nghi thức khánh thành trùng tu di tích dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Thành phố, Sở Văn và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Quận 5, các đơn vị liên quan.

Ông Trương Tử Minh – Trưởng Ban quản trị Hội quán Ôn Lăng cho biết: “Hội quán Ôn Lăng tọa lạc tại trung tâm chợ Sài Gòn xưa. Trải qua hai thế kỷ khu chợ Sài Gòn xưa, nay là Chợ Lớn, vẫn sầm uất, tấp nập và Hội quán Ôn Lăng vẫn giữ được vẻ tráng lệ như từng được ca ngợi:

          … Hà Chương Hội quán ai bì

          Ôn Lăng, Thất Phủ hạng nhì hạng ba (1)

Hội quán được xây dựng trên khuôn viên khoảng 1800m2, theo kiểu kiến trúc chồng rường – đấu củng với bộ khung chịu lực bằng gỗ, mái lợp ngói ống, chân mái viền bằng ngói thanh lưu ly. Đặc biệt cách tạo hình và trang trí mái mang đậm nét kiến trúc Phúc Kiến với những đường bờ nóc uốn cong, đầu đao cong vút gắn các mô hình tòa thành bằng gốm nhiều màu sắc. Nhìn từ góc độ lịch sử, quá trình hình thành, xây dựng phát triển Hội quán Ôn Lăng gắn liền với quá trình di dân, định cư và phát triển của người Tuyền Châu ở vùng đất Sài Gòn xưa. Ngày nay không chỉ riêng người Phúc Kiến mà rất đông du khách trong nước cũng như người nước ngoài đến Hội quán Ôn Lăng để bày tỏ niềm tin vào thần thánh mà còn để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc ghi dấu lịch sử, văn hóa của Sài Gòn xưa”.

 

Hội quán Ôn Lăng phục chế lồng đèn trước cổng chùa

Hiện nay, bên cạnh việc bảo tồn các di sản văn hoá vật thể thì xã hội hoá trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cũng được Quận 5 quan tâm đặc biệt. Hàng năm, các lễ hội Đèn Hoa, Nguyên Tiêu, Trung Thu… được quận chỉ đạo thực hiện với nhiều nội dung hoạt động phong phú, đa dạng mang đậm nét đặc trưng văn hóa người Hoa thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham quan, thưởng lãm. Năm 2016, Quận 5 cũng được sự hướng dẫn của các phòng ban chuyên môn thuộc Sở Văn và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các thủ tục, sưu tầm tư liệu liên quan đề nghị xếp hạng Lễ Hội Nguyên tiêu Quận 5 thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

 

Hội quán Tuệ Thành, nơi hàng ngày có gần 1.000 lượt khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu

Bà Trần Thị Minh Tân – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Quận 5 cho biết: “Quận 5 trong năm 2017 không chỉ vận động, khuyến khích Ban quản trị các di tích thực hiện công tác tu sửa, trùng tu di tích từ nguồn kinh phí xã hội hóa mà Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 5 còn nhận được sự đồng thuận rất cao của Ban quản trị các Hội quán, Ban quản lý các di tích về kinh phí cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 5 thực hiện thành công 19 thước phim tư liệu giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật của các di tích; đồng thời phát hành 3.000  ấn phẩm “Tự hào di sản văn hóa Quận 5” cũng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. An phẩm “Tự hào di sản văn hóa Quận 5” được phát hành lần đầu tiên nhằm giới thiệu tổng quan về các di tích trên địa bàn Quận 5, là nguồn tư liệu quý giới thiệu rộng rãi đến người dân, qua đó cùng chung tay góp sức giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản trong nhân dân. Có thể nói, thông qua các ấn phẩm này góp phần tăng cường hỗ trợ hoạt động phát triển du lịch tại Quận 5. Góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quận 5 lần thứ XI nhiệm kỳ 2015 – 2020 về “Phát huy tiềm năng và lợi thế của Quận 5, từng bước xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn giai đoạn 2015 đến 2020”. Trong năm 2018, Phòng Văn hóa và Thông tin Quận 5 tiếp tục phát hành sách “Tự hào di sản văn hóa Quận 5” bằng hai thứ tiếng Anh và Hoa, đồng thời thực hiện một số bộ ảnh (Poster Car) giới thiệu hình ảnh đẹp của các di tích đến du khách tham quan”.


Số lượt người xem: 1389    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm