SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
8
4
2
6
0
Tin tức sự kiện 27 Tháng Hai 2018 8:15:00 SA

Những giá trị bền vững và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản

 

Cách đây 170 năm (1848-2018), C. Mác và Ph. Ăngghen, các nhà sáng lập thiên tài học thuyết chủ nghĩa cộng sản khoa học, những lãnh tụ vĩ đại và người thầy của giai cấp công nhân thế giới đã khởi thảo tác phẩm bất hủ Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, tác phẩm phổ biến nhất, có tính quốc tế nhất trong sách báo xã hội chủ nghĩa của phong trào công nhân châu Âu giữa thế kỷ thứ XIX. Là văn kiện có tính cương lĩnh của phong trào cộng sản, Tuyên ngôn đánh dấu sự trưởng thành của chủ nghĩa Mác sau một loạt công trình tìm tòi, khám phá, phát hiện trước đó; đánh dấu sự chuyển biến của chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học. Vừa là một tác phẩm lý luận, vừa là một bản tuyên ngôn chính trị, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản đã trình bày cô đọng, có hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản nhất.

1. Tuyên ngôn làm rõ sự ra đời, địa vị lịch sử và sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản

Xã hội tư bản mà điển hình nhất là các nước tư bản trên lục địa châu Âu và nước Anh, giữa thế kỷ thứ XIX là một thực thể kinh tế - xã hội và một thể chế chính trị - xã hội phức tạp, vừa đang định hình quyền lực thống trị trong tay giai cấp tư sản vừa đang tích tụ những mâu thuẫn gay gắt giữa hai giai cấp đối kháng: tư sản và vô sản. Đây là biểu hiện về một xã hội của mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa. Trong sự phong phú của các mô hình xã hội, các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội thời ấy, Mác và Ăngghen nhận rõ sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa như một tất yếu từ trong lòng xã hội phong kiến đã tan rã. Bằng sự phân tích khách quan, khoa học, Mác và Ăngghen đã khẳng định tính cách mạng, tiến bộ, hợp qui luật của sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, mà sự khời đầu là từ sự phát triển của đại công nghiệp. Nhờ sử dụng máy móc hiện đại, cải tiến kỹ thuật và tổ chức sản xuất, thúc đẩy cạnh tranh tự do, mở rộng thị trường…xã hội tư bản đã tạo ra một khối lượng tư liệu sản xuất và tư liệu sinh hoạt khổng lồ. Guồng máy sản xuất và trao đổi vì mục tiêu lợi nhuận không ngừng tăng lên, vận hành gần như hết công suất. Nhưng, chính cuộc chạy đua săn tìm lợi nhuận trong môi trường cạnh tranh tự do ấy đã dẫn đến tình trạng quá thừa sản xuất, trao đổi và hàng hóa. Hậu quả là, nền sản xuất xã hội lâm vào khủng hoảng mà sự nghiêm trọng của nó tới mức đe dọa sự sống còn của chế độ sở hữu tư bản – nền tảng xây dựng nên chế độ tư bản chủ nghĩa.

Cội nguồn sâu xa của vấn đề như Tuyên ngôn đã chỉ rõ – nằm chính ngay trong mâu thuẫn giữa nền tảng tạo nên chủ nghĩa tư bản – chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa – với sản phẩm mà nó tạo ra – lực lượng sản xuất công nghiệp hóa. Sự chật hẹp của quan hệ sản xuất tư bản đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa rộng lớn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến  chế độ kinh tế tư bản đến chỗ sụp đổ. Giai cấp các nhà tư bản tất yếu phải bảo vệ lợi ích và quyền lực của mình, tìm ra những thủ đoạn và cách thức để duy trì chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Mặc dù vậy, sự phát triển của lực lượng sản xuất mang tính chất xã hội hóa rộng lớn tất yếu mâu thuẫn, không dung hợp với sự chật hẹp của chế độ tư hữu. Vì thế, lối thoát của lịch sử chỉ có thể là thủ tiêu chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ xã hội mới dự trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Quy luật khách quan của lịch sử là, quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất. Chỉ có chế độ công hữu về tư liệu sản xuất mới là hình thức xã hội hóa của quan hệ sản xuất mới đủ sức dung nạp lực lượng sản xuất dang ngày càng lớn lên. Chính điều đó cho thấy phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu phải bị thay đổi bởi phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa và chủ nghĩa tư bản tất yếu phải bị chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản phủ định. Kết luận và dự báo khoa học của Mác và Ăngghen nêu ra trong Tuyên ngôn là: Thất bại của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là một tất yếu lịch sử như nhau. Đây là một trong những luận điểm nền tảng và mãi mãi còn giá trị của Tuyên ngôn.

Ngày nay, nhờ có những điều chỉnh lớn trong quan hệ sản xuất và nhờ tận dụng được những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, đặc biệt là việc hình thành các tập đoàn xuyên quốc gia, các thể chế kinh tế toàn cầu, chủ nghĩa tư bản vẫn còn tiềm năng để tiếp tục kéo dài sự tồn tại. Tuy nhiên, những hiện thực nan giải, những mâu thuẫn không thể vượt qua của xã hội tư bản vẫn còn đó với mức độ ngày càng gay gắt hơn điều đó càng chứng tỏ những nhận định của Mác và Ăngghen về số phận lịch sử của chủ nghĩa tư bản trong Tuyên ngôn tiếp tục được chứng thực ngay cả với chủ nghĩa tư bản hiện đại ở thế kỷ XXI.

2. Tuyên ngôn chỉ ra sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản – người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa

Những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế xã hội tư bản dù có gay gắt trầm trọng đến mấy cũng không làm cho chủ nghĩa tư bản tự sụp đổ, mà phải có một lực lượng xã hội lớn mạnh đứng lên làm cách mạng lật đổ chế độ tư bản. Trong xã hội tư bản, lực lượng xã hội này không ai khác ngoài giai cấp công nhân hiện đại – con đẻ của nền đại công nghiệp do chủ nghĩa tư bản sinh ra, người đại biểu cho phương thức và lực lượng sản xuất mới đã hình thành, giai cấp bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất trong chế độ làm thuê tư bản chủ nghĩa. “Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”. Nền công nghiệp hiện đại đã sản sinh ra, nuôi dưỡng một giai cấp vô sản với những đặc trưng cơ bản: là giai cấp tiên tiến, có tổ chức, cách mạng và cách mạng triệt để nhất. Tư tưởng căn bản về sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản được Mác và Ăngghen thể hiện trong Tuyên ngôn là ở chỗ, các ông đã làm sáng tỏ rằng, giai cấp vô sản là một giai cấp cách mạng và duy nhất chỉ có nó (giai cấp vô sản) mới có tính triệt để cách mạng. Đó là lực lượng xã hội tiêu biểu cho sức sản xuất xã hội đang lớn lên, là đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến của lịch sử.

Cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, các giai cấp khác sẽ suy tàn, duy nhất chỉ có giai cấp vô sản mới thực sự là giai cấp cách mạng, bởi nó đại biểu cho tương lai, cho triển vọng của lịch sử. Nghèo khổ chỉ là trạng thái mà cách mạng sẽ phải xóa bỏ. Các nhà cách mạng không tưởng trước Mác chỉ thấy giai cấp vô sản là nạn nhân cùng khổ, là vết thương xã hội của đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa dân túy là cơ sở tư tưởng của một thứ “chủ nghĩa xã hội nông dân” lại thường đồng nhất nghèo khổ là cách mạng. Những hạn chế, sai lầm đó đã bị vượt qua bởi những luận chứng khoa học và cách mạng về giai cấp vô sản trong Tuyên ngôn với thiên tài tư tưởng của Mác và Ăngghen.

Theo Mác và Ăngghen giai cấp vô sản là lực lượng xã hội mà rốt cuộc lịch sử đã tìm thấy để trao vào tay nó sứ mệnh tự giải phóng cho mình và đồng thời giải phóng cho cả xã hội loài người. Nó không có lợi ích riêng với nghĩa là tư hữu. Nó là đại biểu chân chính duy nhất cho lợi ích của toàn xã hội. Cách mạng và triệt để  cách mạng là ở chỗ đó.

Ngày nay, do các đặc điểm của thời đại mà giai cấp công nhân có một số đặc điểm mới như: biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu; trình độ trí tuệ, khoa học – công nghệ cao hơn; một số không nhỏ có cổ phiếu trong công ty tư bản, có nhiều tư liệu sinh hoạt hơn và cả tư liệu sản xuất,..Song, những đặc điểm đó không làm thay đổi cơ bản địa vị của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân vẫn đang là lực lượng chủ yếu làm ra  của cải cho xã hội và lợi nhuận cho các nhà tư bản. Họ là lực lượng đối lập trực tiếp với tư bản. Trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản hiện đại ngày nay, giai cấp công nhân và lao động vẫn là những người bị tư bản bóc lột nhiều nhất và khoảng cách thu nhập giữa họ với giới chủ tư bản vẫn ngày càng lớn hơn. Công nhân trong các nước tư bản phát triển tuy có được trí thức hóa, điều kiện lao động bới nặng nhọc hơn, họ có thể có chút ít cổ phần trong doanh nghiệp…nhưng họ càng bị ràng buộc chặt chẽ hơn vào guồng máy sản xuất tư bản, càng bị bóc lột nặng nề và tinh vi hơn. Những cuộc bãi công, đình công, biểu tình hàng vạn người, ở nhiều ngành diễn ra liên tiếp ở nhiều nước tư bản là thực tế cho thấy mâu thuẫn, xung đột giữa công nhân, lao động và tư bản vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng gay gắt hơn.

3. Tuyên ngôn trình bày khái quát những nguyên lý cơ bản về con đường giải phóng giai cấp vô sản và mô hình chủ nghĩa xã hội

Cùng với việc tuyên cáo về sự diệt vong của chế độ tư bản, Tuyên ngôn đưa ra lời tuyên bố về sự tất yếu của xã hội cộng sản thay thế cho xã hội tư bản. Trước hết, theo Mác và Ăngghen, những người vô sản phải tự tổ chức thành giai cấp và chính đảng, tiến hành cách mạng vô sản lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, “thông qua con đường cách mạng mà trở thành giai cấp thống trị” và với tư cách là giai cấp thống trị tiến hành tổ chức, xây dựng xã hội mới. Ngay từ hồi đó, Mác và Ăngghen cũng đã ý thức được rằng: “những biện pháp ấy về mặt kinh tế thì hình như không được đầy đủ và không có hiệu lực”, đó chỉ là những thủ đoạn không thể thiếu để đảo lộn toàn bộ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã hình thành khá hoàn thiện. Hơn nữa, “trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên sẽ khác nhau rất nhiều”. Trong Lời tựa cho lần xuất bản năm 1872, các ông đã khẳng định: Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi. Song, Tuyên ngôn là một văn kiện lịch sử, cần phải tôn trọng nó. Các ông bổ sung các quan niệm, tư tưởng mới ở ngay các lời tựa, đặc biệt từ thực tiễn lịch sử sau Công xã Pari năm 1871. Nên nhớ rằng, từ năm 1872 đến năm 1893 trong hơn 20 năm, Mác và Ăngghen đã 7 lần viết lời tựa cho những lần tái bản Tuyên ngôn. Ở đó, nội dung Tuyên ngôn trở nên phong phú, sâu sắc hơn rất nhiều. Như thế đủ thấy, các ông vừa khẳng định tính tất yếu phải tiến hành cách mạng vô sản, vừa làm rõ những hình thức, biện pháp khác nhau để thực hiện cách mạng vô sản, không bắt buộc nhất thiết phải sử dụng các biện pháp cứng rắn, nhất loạt ở tất cả các nước. Đây là biện chứng giữa cái phổ biến với cái đặc thù trong tiến trình cách mạng vô sản. Tuyên ngôn đã phác họa ra những nét cơ bản nhất của mô hình xã hội cộng sản trong tương lai.

Về kinh tế, xã hội cộng sản là xã hội trong đó chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa bị xóa bỏ. Từ việc phân tích tính chất kìm hãm của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đối với nền sản xuất xã hội, mà quyết định nhất là do chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, Mác và Ăngghen đã đi đến kết luận logic là phải xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa. Ngay chủ trương xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản – cũng như luận điểm “chủ nghĩa cộng sản phải xóa bỏ buôn bán” – mà các ông nói về xã hội tương lai cùng với giả định là cách mạng vô sản nổ ra và thắng lợi ở các nước tư bản đã đạt tới trình độ phát triển cao nhất. Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga và các nước xã hội chủ nghĩa sau này cho thấy, đối với những nước chưa qua chủ nghĩa tư bản, thậm chí đã trải qua nhưng mới đạt trình độ phát triển trung bình của chủ nghĩa tư bản, vẫn còn sản xuất hàng hóa, buôn bán thì phải thừa nhận sự tồn tại của sở hữu tư nhân tư bản ở phạm vi nhất định, dưới sự kiểm kê, kiểm soát của nhà nước vô sản. Điều này chỉ làm phong phú thêm, chứ không phải là sở cứ để bác bỏ luận đề nêu trên của Mác và Ăngghen trong Tuyên ngôn.

Điều rất đáng chú ý là, trong Tuyên ngôn, Mác và Ăngghen đã phê phán luận điểm – mà ngày nay có không ít người đưa ra để cổ vũ cho việc tư hữu hóa triệt để - cho rằng nếu xóa bỏ chế độ tư hữu thì mọi người sẽ trở nên lười biếng, làm ngưng trệ mọi hoạt động. Mác và Ăngghen viết: “Nếu quả như vậy thì xã hội tư sản phải sụp đổ từ lâu rồi do tình trạng lười biếng, vì trong xã hội ấy, những người lao động thì không được hưởng, mà những kẻ được hưởng thì không lao động”.

Về đời sống chính trị, trong Tuyên ngôn cũng chỉ rõ: nhà nước của xã hội cộng sản tương lai (tức là xã hội xã hội chủ nghĩa – giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản) chính là hình thức giai cấp vô sản tự tổ chức thành giai cấp thống trị, nắm quyền thống trị trong xã hội thông qua nhà nước. Tuyên ngôn khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc với nguyên lý nổi tiếng: Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng bị xóa bỏ. Tư bản là một lực lượng quốc tế, toàn bộ giai cấp tư sản các nước cấu kết với nhau bóc lột toàn bộ giai cấp vô sản toàn thế giới, vì vậy khẩu hiệu hành động của giai cấp vô sản là “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”.

Trong lĩnh vực ý thức xã hội, đạo đức và đời sống tinh thần của xã hội, cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với những tư tưởng cổ truyền”. Tuy nhiên, không thể hiểu luận điểm này của Tuyên ngôn một cách máy móc, thô thiển. Những tư tưởng của quá khứ phải xóa bỏ mà Mác và Ăngghen muốn nói đến ở đây là hệ tư tưởng của giai cấp tư sản, kể cả các tư tưởng pháp quyền, đạo đức và quan niệm tôn giáo tư sản như con đẻ của sở hữu tư nhân và chế độ bóc lột, cũng như những tư tưởng, ý thức của giai cấp phong kiến, của chế độ phong kiến chuyên chế, giai cấp đã quá thời về mặt lịch sử.

170 năm cho sự phán xét, khảo nghiệm của lịch sử đối với một tác phẩm cương lĩnh là khoảng thời gian không ngắn. Vượt qua bao biến cố của lịch sử và những thăng trầm của phong trào cộng sản toàn thế giới, Tuyên ngôn của đảng cộng sản cho đến nay vẫn thể hiện những chân lý khoa học về sự thay thế không tránh khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa bằng chế độ mới cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu của nó là xã hội xã hội chủ nghĩa. Khẳng định giá trị bền vững của Tuyên ngôn, Lênin viết: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng bộ sách; tinh thần của nó, đến bây giờ, vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thể giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”. Chính vì vậy, thái độ đối với Tuyên ngôn thực chất là thái độ đối với chủ nghĩa Mác nói chung. Sinh thời, Mácxen Caxanh, một trong những lãnh tụ sáng lập Đảng cộng sản Pháp, mỗi năm ông đều đọc lại Tuyên ngôn ít nhất một lần. Theo ông, tác phẩm là cái gì đó tuy đã cũ nhưng luôn luôn mới.


Số lượt người xem: 1295    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm