SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
8
3
7
9
5
Tin tức sự kiện 27 Tháng Hai 2018 9:10:00 SA

Người Hoa đón tết

 

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 500.000 người Việt gốc Hoa, sống rải rác ở các quận, huyện nhưng tập trung đông nhất là ở ba Quận 5, Quận 6 và Quận 11. Cũng như nhiều tộc người khác ở nước ta, người Hoa cũng có nét văn hoá, phong tục tập quán đặc trưng và được bảo tồn, lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến nay.  Trong đó, ngày Tết cổ truyền cùng những phong tục đón mừng năm mới của cộng đồng người Hoa là một nét văn hoá đặc sắc và hết sức thú vị.

Một số cộng đồng người khác ở nước ta, ngày Tết diễn ra sau khi thu hoạch mùa màng vào khoảng tháng ba, tháng tư hằng năm. Tuy nhiên, người Hoa lại đón năm mới cùng với ngày Tết Nguyên Đán của cả dân tộc. Và dù ở giữa một thành phố năng động và ngày một phát triển, đổi mới không ngừng như Tp. HCM nhưng những nghi lễ đón Tết Nguyên đán truyền thống của người Hoa vẫn được gìn giữ, bảo lưu một cách đầy đủ và trọn vẹn ý nghĩa.

Phong tục chuẩn bị đón năm mới

Bước sang tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), các khu phố - nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống bắt đầu rộn ràng với việc quét dọn, tân trang nhà cửa. Người Hoa quan niệm ngày lành tháng tốt  nên họ cũng chọn ngày tốt để dọn dẹp nhà cửa và làm lễ tạ thần – một nghi lễ tạ ơn Trời Đất, Ông Bà đã cho họ một năm làm ăn suôn sẻ, phát đạt.

Không cúng ông Táo trong đêm 23 tháng Chạp như người Việt mà đến sáng ngày 24 tháng Chạp, người Hoa mới bày mâm cúng đưa ông Táo về Trời. Họ gọi là lễ Tạ Táo. Trong mâm cúng tiễn ông Táo, ngoài thịt, gà, cá (cá chép) thì còn có thèo lèo và quýt (quýt phát âm trong tiếng Hoa là “Cát”, đồng âm với từ “cát” có nghĩa là “cát tường” (may mắn) với mong muốn ông Táo sẽ trình lên Ngọc Hoàng những điều tốt đep, mang lại may mắn cho gia đình.

Đêm Giao thừa, họ sẽ có một bữa cơm đoàn viên, sum họp gia đình rất thịnh soạn. Cũng như người Việt, người Hoa cũng chuẩn bị một mâm cúng Giao thừa. Tuy nhiên, người Hoa không cúng mâm ngũ quả “Cầu, dừa, đủ, xoài, sung” như người Việt mà họ cúng bánh bao, bánh tổ, trái cây (quýt) và gà, vịt quay  với mong ước một năm mới phát tài, sung túc, gặp nhiều may mắn, sức khoẻ dồi dào. Khi làm lễ cũng Giao thừa, họ đặt mâm cúng trước hiên nhà và tất cả những người trong gia đình, từ nhỏ đến lớn đều ra quỳ vái lạy Thiên Công nhằm tạ ơn Thiên Công cho một năm sung túc và cầu năm mới bình an, suôn sẻ.

Những ngày đầu năm

Sau khi dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, thay câu đối liễn treo trong nhà, chưng các loại hoa mang ý nghĩa phát lộc, phát tài như hoa mai, hoa cúc, hoa thuỷ tiên và chậu quýt, người Hoa đã sẵn sàng đón một năm mới.

Theo một gia đình người Hoa sống ở khu phố Trần Hưng Đạo – Quận 5 cho biết, ngày mùng Một là ngày cả gia đình đoàn viên, sum họp, cúng bái, chúc Tết họ hàng và mừng tuổi người trong nhà. Họ gọi tục mừng tuổi là phát bao lì xì, người lớn trong nhà sẽ phát bao lì xì cho con cháu, những ai còn độc thân, chưa có gia đình với ý nghĩa phát những đồng tiền may mắn đầu năm, những ai còn độc thân dù lớn tuổi vẫn được nhận bao lì xì như những em bé. Nói đến tục lì xì, người này còn chia sẻ thêm rằng khi đến thăm viếng, chúc mừng năm mới các gia đình khác thì cũng phải chuẩn bị bao lì xì để lì xì cho các em bé, những người độc thân trong gia đình mình đến. Vì thế nếu kinh tế khó khăn, họ không chuẩn bị được nhiều bao lì xì thì họ cũng ít đi chơi trong những ngày Tết. Ngoài ra, những ông chủ, giám đốc các doanh nghiệp cũng lì xì cho nhân viên trong ngày họp mặt đầu xuân gọi là “khai công đại cát” hay “khai trương đại cát” để lấy hên với quan niệm phát lộc đầu năm để cầu mua may, bán đắt, phát lộc, phát tài trong năm mới. Lì xì là một trong những tục lệ không thể thiếu trong ngày Tết của người Hoa.

Ngoài ra, trong ngày mùng Một, rất nhiều gia đình người Hoa đi chùa cầu bình an, may mắn. Người Hoa hầu như rất ít khi đến nhà người khác thăm viếng, chúc tụng trong ngày mùng Một vì họ sợ sẽ mang điều không may đến cho gia chủ trong năm mới. Giống như người Việt, người Hoa cũng kiêng kỵ quét nhà trong ngày mùng Một vì họ sợ quét tài lộc ra đi và họ chỉ nói những điều vui vẻ, những câu chúc “phát tài, phát lộc” trong ngày đầu năm.

Đến ngày mùng hai Tết, tất cả các gia đình người Hoa làm lễ cúng Khai niên, tiếp khách đến chơi nhà và sau đó là đi viếng thăm, chúc Tết lẫn nhau trong xóm làng, khu phố, tục này được người Hoa gọi là “cung hỷ phát tài”. Buồi sáng sớm ngày mùng hai, những người phụ nữ chủ của gia đình sẽ chuẩn bị một bữa cơm đầu năm với các món mang ý nghĩa may mắn như gà, cá, bánh củ cải, rau xà lách sống… Chữ xà lách trong tiếng Hoa phát âm gần giống chữ “sinh tài” nên cải xà lách rất được người Hoa ưa chuộng trong những ngày Tết. Hầu như mâm cúng nào cũng có.

Người Việt ăn Tết bảy ngày thì người Hoa đến ngày rằm tháng giêng thì ngày Tết mới thực sự kết thúc. Rằm tháng giêng tức ngày Tết Nguyên Tiêu theo truyền thống của người Hoa, là một lễ trọng đại trong đời sống của họ. Trong ngày này, người Hoa nô nức đi lễ chùa cầu phúc và trong khu vực dân cư cộng đồng người Hoa rất rộn ràng, náo nhiệt bởi các lễ nghi như các đám rước diễu hành qua phố, đội lễ nhạc cổ truyền, kèn trống vang lên, các cô gái người Hoa trong trang phục truyền thống múa hát, đèn hoa trang trí rực rỡ…

Những người Hoa sinh sống ở khu phố Trần Hưng Đạo, Quận 5 cho biết bây giờ người Hoa cũng ăn Tết bảy ngày như người Việt rồi mọi sinh hoạt trở lại bình thường. Tuy nhiên, những hoạt động sau đó thì nhàn nhã hơn vì vẫn còn không khí của ngày Tết, họ vừa làm vừa chơi, cho đến ngày Tết Nguyên Tiêu thì mới chấm dứt hoàn toàn.

Món ăn ngày Tết

Ngoài những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét với củ cải giống người Việt thì trong ngày Tết, người Hoa còn có nhiều món ăn độc đáo khác nữa. Người Hoa ở Tp. HCM được chia thành nhiều nhóm khác nhau dựa trên ngôn ngữ gồm: Người Hoa Quảng Đông, người Hoa Triều Châu, người Hoa Phúc Kiến, người Hoa Hải Nam và người Hoa Hẹ. Trong phong tục ngày Tết truyền thống chung của đồng bào người Hoa sinh sống ở Tp. HCM thì mỗi nhóm như vậy lại có một phong tục, lễ nghi và những món ăn khác nhau trong ngày Tết dựa trên quan niệm của họ. Chẳng hạn như, trong ngày Tết, người Hoa thuộc nhóm Quảng Đông kiêng ăn thịt vịt, thịt ngỗng vì họ sợ gặp xui xẻo, làm ăn chậm chạp trong năm mới. Tuy nhiên, người Hoa Triều Châu lại thích ăn thịt vịt, nhất là món vịt ram khô nguội hoặc món vịt hun khói xác mía truyền thống. Họ cũng dùng nước luộc vịt để nấu xôi đậu phộng cho ngon, béo hơn. Một số món ăn khác cũng rất được ưa chuộng trong ngày Tết là món giò heo nấu đậu phộng (giò heo trong tiếng Hoa đọc là “trư thủ”, nghĩa là tiền tài vào trong tay, nên theo quan niệm của người Hoa, món ăn này có ý nghĩa sẽ hái được nhiều tài lộc trong năm mới); món tôm lăn bột chiên với ý nghĩa một năm mới vui vẻ, đầy ắp tiếng cười; món mì xào thì được quan niệm sẽ đem lại sức khoẻ, trường thọ trong năm mới; món gà luộc ngậm hành trụng thì mang ý nghĩa một năm suôn sẻ…

Vì ngày Tết trùng với ngày Tết cổ truyền của dân tộc, đồng thời có sự giao lưu, tiếp biến văn hoá nên những phong tục ngày Tết của cộng đồng người Hoa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có những nét tương đồng với phong tục văn hoá của cả dân tộc Việt. Mặt khác, dù trải qua một thời gian dài có nhiều thăng trầm, biến đổi cùng với lịch sử nhưng người Hoa vẫn bảo lưu được những nét văn hoa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng để lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác một cách vẹn nguyên, thật tuyệt vời. Để hiểu được những giá trị văn hoá truyền thống của người Hoa, chúng ta thử một lần đến đón Tết cùng họ thì sẽ cảm nhận được phần nào.


Số lượt người xem: 1470    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm