Khi cuộc cách mạng 4.0 thâm nhập vào từng gia đình, việc để trẻ em dần tiếp xúc với những thiết bị số sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nhưng môi trường internet cũng làm tăng tính dễ tổn thương của trẻ em trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm cả việc sử dụng sai thông tin cá nhân, bát nạt trực tuyến, lạm dụng tình dục…Vì vậy, lấy trẻ em làm trung tâm khi xây dựng chính sách công nghệ số là khuyến nghị mà Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đưa ra. Các chính phủ, các cơ quan, tổ chức trên toàn thế giới cần hành động để tạo môi trường an toàn cho trẻ, hướng dẫn các kỹ năng để các em có thông tin và tham gia vào môi trường mạng an toàn, bảo vệ bí mật riêng tư cho các em.
Cảnh báo của UNICEF
Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2017 của UNICEF mang tên “Trẻ em trong thế giới kỹ thuật số” công bố hồi trung tuần tháng 12 cho thấy, cứ 3 người sử dụng internet trên thế giới thì có một người là trẻ em. Trưởng đại diện UNICEF ở Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil cho rằng, không thể phủ nhận rằng công nghệ số đã thay đổi đời sống và cơ hội sống của thế hệ trẻ. Nếu được tận dụng đúng cách và được tiếp cận phổ quát cho mọi người, công nghệ số có thể là nhân tố tạo nên sự thay đổi cho trẻ em bị bỏ lại phía sau, đó là trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở những khu vực khó khăn và khó tiếp cận, kết nối các em với thế giới của những cơ hội và mang lại cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số. Cụ thể, internet đã mang lại cho trẻ em chịu thiệt thòi nhất, bao gồm cả trẻ em lớn lên trong đói nghèo hoặc bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp nhân đạo khả năng tiếp cận thông tin, xây dựng kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ số và mang lại cho trẻ em một nền tảng để kết nối và biểu đạt quan điểm của các em. Thế giới còn hàng triệu trẻ em đang không được hưởng các lợi ích mà công nghệ số mang lại. Khoảng 1/3 thanh thiếu niên trên thế giới, tương đương 346 triệu người, không được sử dụng internet, làm gia tăng sự bất bình đẳng và giảm khả năng của trẻ tham gia vào nền kinh tế ngày càng số hóa.
Nhưng bên cạnh những lợi ích mà công nghệ số mang lại, báo cáo cũng nhấn mạnh, internet làm tăng tính dễ tổn thương ở trẻ em trước những rủi ro và nguy hại, bao gồm sử dụng sai thông tin cá nhân, truy cập vào nội dung độc hại và bắt nạt trực tuyến. Bên cạnh đó, báo cáo còn ghi nhận sự hiện diện khắp nơi của các thiết bị di động khiến việc truy cập trực tiếp của trẻ em ít được giám sát hơn, dẫn tới tiềm năng rủi ro cao hơn. Nhiều tổ chức xã hội thậm chí còn liệt kê ra rằng, những nguy hiểm đối với trẻ em trên mạng internet còn bao gồm cả quấy rối tình dục, dọa nát vượt qua giới hạn trong lớp học…Những đe dọa trực tuyến này thường nặc danh hoặc tin nhắn ẩn danh song ngày càng trở nên thường xuyên với hậu quả nghiêm trọng hơn. Trong một vài trường hợp cực đoan, tự sát là bước cuối cùng.
Theo số liệu của UNICEF, ở Mỹ vào năm 2016, đã có 8 triệu trường hợp xâm hại tình dục ảo được báo cáo. Năm nay, con số này đã vượt quá 10 triệu. Những con số gây sốc cho thấy internet có thể thay đổi cuộc sống của trẻ vị thành niên, để lại dấu ấn mãi mãi. Ngoài ra, mỗi ngày có đến 720.000 hình ảnh liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên thế giới được đưa lên internet. Còn theo số liệu của Bộ Công an Việt Nam thì trong 5 năm qua, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em với gần 10.000 nạn nhân. Riêng trong năm 2016, tại Việt Nam xảy ra 1.248 vụ xâm hại tình dục và 1.211 trẻ bị xâm hại. Các con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị kẻ xâm hại dọa nạt hoặc vì lý do nào đó mà không được thống kê.
Chính sách công nghệ số cho trẻ em
Theo nghiên cứu mới nhất từ Kaspersky, có 21% người dùng internet phải mất một khoản tiền và thông tin quan trọng do hậu quả từ những hoạt động của con em họ trên mạng. Tuy nhiên, con số này không đáng ngạc nhiên khi 44% số người được hỏi tin rằng con cái của họ biết rất ítvề công nghệ máy tính và 35% phu huynh cho rằng con của họ không biết gì về những mối nguy hại trên mạng. Chính sự chủ quan này mà các bậc phụ huynh thoải mái cho phép con cái sử dụng các thiết bị trực tuyến. Chỉ có 27% số phụ huynh được khảo sát lo lắng rằng con cái họ chia sẻ những thông tin bí mật khi được tự do trực tuyến. Bên cạnh đó, có 39% các bậc cha mẹ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để bảo vệ con cái họ tránh khỏi các mối đe dọa. 13% yêu cầu nhà mạng chặn truy cập đến các trang web nhất định, trong khi 19% chọn làm bạn với con cái của họ trên mạng xã hội. Điều đáng chí ý là chỉ có 23% phụ huynh biết sử dụng các phần mềm chuyên dụng để điều chỉnh các hoạt động trực tuyến của con em mình, mặc dù đây là một tính năng tiện lợi có sẵn trong nhiều giải pháp bảo mật.
Tại Diễn đàn internet Việt Nam hồi cuối tháng 11 vừa qua, bà Victoria Rhodin Sanstrom, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Thụy Điển cho biết: “Không ai trong số chúng ta muốn con em mình bị lạc trong một thành phố, và tương tự như vậy, đừng để trẻ bị lạc trên internet. Cho dù môi trường mạng là thế giới ảo nhưng mọi hoạt động của nó lại được tạo dựng bởi những con người thật. Hiện nay, việc trẻ muốn được giao tiếp với mọi người trên môi trường mạng là điều hết sức tự nhiên. Thế giới trực tuyến là nơi trẻ chơi, kết bạn và học được nhiều điều mới mẻ. Tuy vậy, cha mẹ, những người lớn xung quanh và chính bản thân trẻ phải nhận thức rằng internet cũng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ”. Bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện Tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế như sau: “Chúng ta không thể và chúng ta không nên ngăn chặn trẻ em truy cập và sử dụng internet, nhưng chúng ta có thể hỗ trợ và bảo vệ trẻ khỏi những rủi ro trên mạng. Cha mẹ và những người lớn khác gần gũi với trẻ cần phải tạo ra một môi trường để họ có thể trò chuyện với trẻ về những gì trẻ làm hoặc những người trẻ gặp trên internet”.
Đồng quan điểm này, ông Ysrael C.Diloy, chuyên gia tổ chức Stairway Foundation chia sẻ: “Một mình cha mẹ cũng không thể nào kiểm soát và ngăn chặn được những hiểm họa trên internet. Đây là một công việc cần có sự phối hợp của nhiều bên, bao gồm nhà nước, phụ huynh, nhà trường và thầy cô giáo, các công ty giải pháp mạng, các tổ chức xã hội và cả cộng đồng. Nhà nước và các tổ chức xã hội cần có các chương trình nghiên cứu, hội thảo tập huấn về phòng, chống xâm hại trẻ em cũng như phổ biến rộng khắp cho toàn thể cộng đồng. Nhà trường cần đưa các chương trình giáo dục về các mối nguy hại trên internet vào giảng dạy, cũng như tổ chức các trò chơi, bài kiểm tra để học sinh hiểu rõ những nguy cơ ở lứa tuổi của mình. Hơn ai hết, chính các em sẽ nhận thức và điều chỉnh hành vi cho phù hợp nếu nhận được sự trợ giúp hữu ích của cộng đồng”.
Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam Yuossuof Abdel-Jelil khẳng định: “Bảo vệ trẻ em trực tuyến không có nghĩa là kiểm soát nhiều hơn việc sử dụng internet mà bảo vệ sự an toàn của các em và Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để theo kịp tốc độ thay đổi nhằm bảo vệ trẻ em, đặc biệt các em thiệt thòi nhất khỏi nguy cơ và nguy hại mới mà trẻ em phải đối mặt”. Báo cáo của UNICEF cũng chỉ rõ, chỉ có hành động chung của Chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức về trẻ em, học viện, gia đình và chính trẻ em mới có thể giúp nâng tầm sân chơi công nghệ số, khiến internet an toàn hơn và dễ tiếp cận hơn với trẻ em. Theo UNICEF cần có hoạch định chính sách hiệu quả và thực hành kinh doanh có trách nhiệm hơn để đem lại lợi ích cho trẻ em, bao gồm: việc tạo điều kiện cho tất cả trẻ em truy cập vào nguồn tài nguyên trực tuyến chất lượng cao; bảo vệ trẻ em khỏi bị tổn hại trực tuyến; bảo vệ sự riêng tư và danh tính trẻ em trực tuyến; dạy kỹ năng công nghệ số để trẻ có thông tin, được tham gia và an toàn trên mạng; tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân để nâng cao chuẩn mực và thực tiễn đạo đức giúp bảo vệ và mang lại lợi ích cho trẻ em trực tuyến và lấy trẻ em làm trung tâm của chính sách công nghệ số.