Nhà thơ Lê Giang vừa đón tuổi 89 của mình bằng quyển sách mới “Bỏ qua rất uổng” ( NXB Trẻ, quý I/2018).
Trong lịch sử văn học Việt Nam, cho tới lúc này, Lê Giang là nhà thơ nữ đầu tiên ra mắt quyển sách mới ở tuổi sắp sửa 90. Và trong lịch sử văn học Việt Nam, có lẽ cũng chưa có nhà văn nữ nào ở cái tuổi của bà, vẫn giữ được sự trẻ trung trong tâm hồn, trong cách viết, trong từng con chữ.
Khi đặt tên cho quyển sách, tôi nghĩ nhà thơ Lê Giang không nghĩ thay cho độc giả, là sẽ rất uổng khi không cầm trên tay và không đọc những tản văn, bút ký của bà. Ắt hẳn nhà thơ không ý thức việc tìm một cái tựa sách cho bắt mắt và mời gọi độc giả đừng bỏ qua quyển sách mới của mình.
“Bỏ qua rất uổng”, ở cái tuổi gần đất xa trời, có lẽ nhà thơ chợt nhận ra rồi giật mình trước cái quỹ thời gian còn lại cũng mong manh như vạt nắng cuối ngày. Rồi bà thản thốt nói với chính mình, không được bỏ qua, không thể bỏ qua, bỏ qua thì uổng lắm. Đó ký ức đẹp của một thời, của nhiều cuộc đời, nhiều số phận…là uổng, là tiếc, là day dứt, là khó nhắm mắt xuôi tay, khi ký ức đó không chỉ là của riêng mình, mà còn của thời đại mình, bè bạn mình, đồng đội mình, đồng bào mình.
Những điều nhà thơ Lê Giang nhớ, chọn lọc và ghi lại, viết lại đều là của thời mà cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ở vào giai đoạn quyết liệt. Trong giai đoạn trường ký kháng chiến đó, bà từng là “người lính”, người lính dân y. Là người chăm sóc thương bịnh binh, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ mà sau này bà trở thành đồng nghiệp của họ và rồi trở thành người vợ của một nghệ sĩ tưởng chừng bị cơn sốt rét ác tính quật ngã nếu không có tình yêu và bàn tay chăm sóc của bà. Tuy nhiên, trong quyển sách “Bỏ qua rất uổng” bà không dành nhiều trang viết về mình, về chồng ( nhạc sĩ Lư Nhất Vũ) - ông bà vốn đôi uyên ương hiếm hoi gắn bó bên nhau hơn nửa thế kỷ, tuy không có chung nhau những đứa con máu thịt nhưng lại cùng nhau sản sinh những đứa con tinh thần, là những bài hát ( lời của vợ, nhậc của chống), là cùng nhau lang thang khắp mọi miền đất nước để đãi… cát thành vàng ( đó những quyển sách quý giá về dân ca, ca dao lần lượt ra đời); bà dành nhiều trang viết, nhiều xúc cảm cho nhiều văn nghệ sĩ từng chiến đấu và làm việc cùng với bà, khi thì trên đường Trường Sơn, khi thì ở cánh rừng miền Đông, khi hành quân trên những cung đường hiểm nguy, khi chèo xuồng trên những dòng sông của miền Tây Nam bộ...
Bằng những tản văn ngắn gọn, câu chữ, tình tiết chọn lọc, súc tích, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả tên tuổi hiện ra trước trang giấy, thật sinh động.
Nhà văn Nguyễn Quang Sang, trên đường Trường Sơn, vốn tính tò mò nên gặp cái gì lạ cũng hỏi khiến người dẫn đường chê ông tối dạ “ Ông tối dạ có tên là Quang Sáng”. Con rắn chằm quạp nằm khoanh tròn trên trang bản thảo mà nhà văn Anh Đức cứ tưởng là sợi dậy nịt “Sợi dây nịt được bầm nhuyễn”. Nhà thơ Viễn Phương lấy chiếc áo bị rách của mình biến thành áo của mấy anh bộ đội để cô y tá ưu tiên khâu vá ( Cuộc đánh tráo nhân hậu). Nhà thơ Hoài Vũ, nhà thơ Giang Nam kéo cô y tá ra rừng nhìn chùm dâu chín mọng cho đỡ khát nước và thề không cho ai biết ngoài ba người nhưng không ai trong ba người được bẻ dâu ăn vì máy bay B52 nhanh hơn, làm tan tác cả cánh rừng “Lời thề dưới tán dâu rừng”. Soạn giả Thanh Nha thì mâm mê nâng niu cái bánh xe đạp bằng inox mà ban đêm lại phát sang giữa rừng. Ông mê chiếc xe đến mức không dám đi “thà tao đi bộ, chớ xe này thả xuống đất uổng lắm. Khi nào giải phóng về chợ, tao với nó chậy đi chơi”. Lê Giang chắc phải nuốt nước mắt khi viết: “Nghĩ thương anh ba ( Soạn giả Thanh Nha thứ ba) không kịp dắt chiếc xe về chợ, anh đã vĩnh viễn ở lại rừng xanh vì sốt rét ác tính”. Họa sĩ Thái Hà, soạn giả Ngô Y Linh, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhạc sĩ Cửu Long, nhà văn Lê Văn Thảo, họa sĩ Thanh Châu, họa sĩ Tô Sanh… mỗi người mỗi vẻ, mỗi tính cách hiện ra khá rõ dưới ngòi bút tinh tế mà dí dỏm của Lê Giang.
Không đọc sẽ rất uổng, tôi muốn thốt lên như thế sau khi đọc đến trang cuối quyển sách “Bỏ qua rất uổng” của nhà thơ cụ bà Lê Giang.