Trong lịch sử, quá trình khẩn hoang vùng đất Nam bộ ngày nay được ghi nhận lại luôn có một cộng đồng bà con người Việt gốc Hoa. Năm 1698, khi chúa Nguyễn lập ra hai vùng hành chính đầu tiên là Trấn Biên và Phiên Trấn, đã ghi nhận có làng Minh Hương ở vùng Chợ Lớn ngày nay, là nơi ngụ cư của một cộng đồng lưu dân người Hoa bỏ nước ra đi, vì không chấp nhận sự áp đặt lối sống và phong tục áp đặt của triều đình Mãn Thanh. Càng về sau này, thêm nhiều đợt nhập cư nữa của cả người Hoa lẫn người Việt, vùng Chợ Lớn càng thêm đông đúc, hoạt động thương mại vừa nuôi sống nhiều người, vừa góp phần thúc đẩy quá trình quần cư trở nên mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, phải đến nửa cuối thế kỷ 19, khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn suy yếu, chỉ còn hư vị, người Pháp bắt đầu thực hiện quyền cai trị, thì hoạt động kinh tế tự do bắt đầu trở thành động lực phát triển xã hội, và Sài Gòn – Chợ Lớn nổi lên thành một trung tâm kinh tế của cả vùng. Nhiều doanh nhân nhìn xa trông rộng, nắm bắt được thời thế thay đổi, đã dựng nghiệp thành công rực rỡ từ hai bàn tay trắng, trở thành những “ông vua” không ngai về sự giàu có của mình vào đầu thế kỷ 20.
Cư dân Sài Gòn xưa vẫn truyền tụng câu thành ngữ“Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định”, để nói về bốn người giàu nhất Nam kỳ bấy giờ. Có những dị bản khác nhau của thành ngữ này, nhưng chỉ khác ở vị trí thứ tư: Tứ Hỏa hoặc Tứ Đàm. Tính luôn cả phần dị bản, có sáu người giàu, trong đó trừ vị trí thứ nhất là người Việt, còn lại năm người đều là người Hoa. Người Việt mang danh “Nhất Sỹ” là ông Huyện Sỹ, người mua đất, cất nhà thờ to lớn ngay góc đường Nguyễn Trãi – Tôn Thất Tùng và được an táng ở hậu cung. Ông giàu lên nhờ sự táo bạo quyết đoán, dốc hết tiền của mua ruộng đất giá rẻ mạt thời loạn lạc, dân chúng bỏ ruộng vườn do khởi nghĩa chống thực dân Pháp nổi lên khắp nơi, rồi cho thuê canh tác chia hoa lợi. Sau khi ông mất, các con ông vẫn duy trì được vị trí đệ nhất phú gia. Bằng chứng là khi sau này cháu ngoại ông lấy vua Bảo Đại, trở thành Nam Phương Hoàng Hậu, bà đã mang về nhà chồng số của hồi môn là 20.000 lượng vàng ròng – một kỷ lục của hồi môn trong lịch sử Việt Nam.
Người mệnh danh “Nhì Phương” là ông Đỗ Hữu Phương, làm quan cho Pháp hàm Tổng Đốc, sau được đặt tên đường Tổng Đốc Phương, nay là Châu Văn Liêm, Quận 5, làm giàu theo đường quan lộ với thực dân, không có gì đáng nói.
“TAM XƯỜNG” LÝ TƯỜNG QUANG: CÓ TRÌNH ĐỘ, THỨC THỜI VÀ NĂNG ĐỘNG
Xếp hàng thứ ba, thường gọi là Bá hộ Xường, ông Lý Tường Quang thông thạo cả ba thứ tiếng Việt – Hoa – Pháp, lúc trẻ từng làm viên chức thông ngôn, nhưng đến năm 30 tuổi xin nghỉ, bỏ ra đi kinh doanh với đủ ngành nghề: vận chuyển, buôn bán nông sản, thầu cung ứng thực phẩm, mua đất cất nhà cho thuê… Ông biết chớp thời cơ nhảy ra kinh doanh, năng động điều chỉnh việc kinh doanh đáp ứng nhu cầu xã hội nên nhanh chóng trở nên giàu có. Tương truyền bấy giờ trong tay Bá hộ Xường có gần 30 ngàn căn nhà thuộc sở hữu của ông rải rác khắp nơi. Nay ở số 292 Hải Thượng Lãn Ông – nơi ông ngụ cư thuở trước, trở thành nhà Từ đường họ Lý. Mộ ông nằm trên đường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Cả hai nơi này đều được công nhận là di tích kiến trúc của thành phố.
Vợ chồng ông Lý Tường Quang
Lúc sinh thời, ban đầu, Bá hộ Xường được đồng hương tín nhiệm, cử làm Bang trưởng Triều Châu. Một thời gian sau, thấy ông làm quá tốt và được cộng đồng người Hoa ủng hộ nhiệt thành, chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã yêu cầu ông làm Bang trưởng của tất cả các Bang người Hoa ở Chợ Lớn, lúc ấy là 8 Bang cả thảy, xem như “Tổng Bang trưởng”. Đây cũng chính là điều chưa từng có tiền lệ và sau ông, cũng không ai đủ tín nhiệm để làm – tính ra đã ngót thế kỷ dài.
Bá hộ Xường mất khi mới 54 tuổi, tính ra, ông khởi nghiệp và làm giàu chỉ trong 24 năm ngắn ngủi. Giàu nức tiếng nhưng sống khiêm tốn torng căn nhà nhỏ, có uy tín lớn torng cộng đồng, chết đi cũng an táng trong khu mộ trong hẻm nhỏ cùng với vợ. Cuộc đời ông phải chăng rất đáng để các vị “đại gia” thời nay học hỏi?
TỨ ĐỊNH, TỨ HỎA HAY TỨ ĐÀM?
Trần Hữu Định – người xếp thứ tư, khởi nghiệp bằng một tiệm cầm đồ nhỏ, do mua rẻ lại những nhà đất cầm cố nên giàu lên nhanh, mở thêm ngành xuất nhập khẩu vải sợi, kinh doanh bất động sản, trở thành một trong tứ đại phú hộ Nam kỳ thời Pháp thuộc. Nhà phú hộ Định nằm gần cầu Palikao, thuộc địa bàn Phường 13, Quận 5, nhưng nay đã không còn dấu tích gì. Tương truyền do cách làm giàu của ông thiếu chữ Nhân, sang đến đời các con của ông thì phá tán hết.
Hứa Bổn Hòa – tên thường gọi là Chú Hỏa và Quách Đàm, chủ nhà buôn Thông Hiệp là hai người cùng xếp thứ tư như ông Định, nhưng được biết tiếng nhiều hơn. Cả hai ông đều có xuất thân hành nghề mua bán ve chai, đồng nát. Quách Đàm hoàn cảnh hơn, mồ côi cha mẹ, sống vô gia cư thuở thiếu niên, nhưng có ý chí, tích lũy vốn dần dần lập hiệu buôn Thông Hiệp trên đường hải Thượng Lãn Ông, gần chợ Kim Biên. Thời đầu thế kỷ 20, con đường này vẫn còn là một con rạch nối thông với kênh Tàu Hủ, thuận tiện cho ghe thuyền ra vào vận chuyển hàng hóa, buôn bán. Ban đầu, Quách Đàm tập trung kinh doanh lúa gạo, sau mở rộng kinh doanh thêm một số lĩnh vực khác. Ông là người đứng ra mua đất, lập kế hoạch xây chợ Bình Tây với hai điều kiện: được xây hai dãy phố lầu dọc hai hông chợ để kinh doanh, đồng thời được đặt tượng mình ở trong chợ. Toàn bộ chi phí xây dựng do ông đài thọ. Chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ thông qua kế hoạch này, nhưng chưa kịp thực hiện, Quách Đàm đã qua đời. Do vậy, chợ Bình Tây khởi công và hoàn tất là do các con của ông thực hiện.
Trong chợ Bình Tây hiện tại có tượng bán thân Quách Đàm, nhưng không phải pho tượng ban đầu, là một pho tượng đồng toàn thân. Tượng này nay được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh – vốn là của Chú Hỏa xưa, đường Phó Đức Chính, Quận 1.
Phần Chú Hỏa – Hứa Bổn Hòa (dịch từ Hui Bon Hoa) mới là doanh nhân có đẳng cấp nhất trong số 3 người xếp thứ tư. Gia sản của ông là 20.000 căn nhà mặt tiền rải khắp Sài Gòn – Chợ Lớn. Giá trị nhất là khu dinh thự Nhà khách Chính phủ ở góc đường Lý Thái Tổ - Hùng Vương , Quận 10, khách sạn Majestic góc đường Đồng Khởi nhìn ra sông Sài Gòn, tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật thành phố đường Phó Đức Chính, Quận 1 và nhiều căn phố trên các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi…
Thành công trong kinh doanh của Chú Hỏa bắt đầu từ gánh ve chai và sự cần kiệm, sau đó mở các tiệm cầm đồ, dần dần thâu tóm nhà đất thời đô thị Sài Gòn bắt đầu quy hoạch phát triển rồi nhanh chóng phất lên đúng thời cơ. Năm 1918, Công ty Hui Bon Hoa của Chú Hỏa lúc bấy giờ đã có các chi nhánh ở Hongkong, Thượng Hải, Đài Loan, Hạ Môn… để khuyếch trương việc kinh doanh ở tầm khu vực, những nơi đô thị lớn, sầm uất.
Kinh doanh giỏi, khởi nghiệp thành công vang dội, nhưng Chú Hỏa không quên trách nhiệm xã hội. Ông mua đất, bỏ tiền xây cất các bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm Cấp cứu Sài Gòn, bệnh viện Nguyễn Trãi… và một số cô nhi viện, chùa chiền, trường học.
Tóm lại, ở một góc nhìn chung, những đại phú hào của Sài Gòn – Chợ Lớn xưa đều xuất thân bình dân, dần dần tạo nên cơ nghiệp đồ sộ, thậm chí có người ngoi lên từ dưới đáy xã hội như Quách Đàm. Rõ ràng, ngoài việc nắm bắt thời thế, chọn lựa thời cơ, tất cả họ đều thể hiện một khát vọng khởi nghiệp mạnh mẽ,một ý chí sắt đá cùng nỗ lực vươn lên làm giàu.
Người đặc biệt nhất trong số này có lẽ chính là Chú Hỏa. Công ty Hui Bon Hoa của ông phải chăng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên mang tầm vóc của kẻ đi chinh phục, khi dấn bước sang thị trường các nước lân cận từ hơn một thế kỷ trước?
Ngày nay, Quận 5 hẳn nhiên không thiếu những doanh nghiệp – doanh nhân dày dạn thương trường và trong xu thế toàn cầu hóa, rất cần những bước chân chinh phục hướng về thị trường quốc tế, tạo dựng thế đứng cho những sản phẩm Việt Nam sánh vai ngang hàng với nhiều nước khác. Doanh nhân Quận 5 sở hữu không ít thương hiệu quen thuộc trong nhiều ngành nghề, mặc dù cơ ngơi sản xuất ở Quận 5 do điều kiện môi trường dân cư, mặt bằng hạn hẹp, nhưng thị trường không chỉ giới hạn trong nước.
Hy vọng tinh thần khởi nghiệp của các bậc tiền bối vẫn đang còn cháy bỏng trong những thế hệ doanh nhân Quận 5 hôm nay.