SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
7
9
4
6
1
Tin tức sự kiện 19 Tháng Tư 2018 8:25:00 SA

Phong cách quần chúng của Bác Hồ

 

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” , chủ đề năm 2018 có nhiều điểm mới, mà trọng tâm là học tập và làm theo phong cách, tác phong Hồ Chí Minh về dân chủ, nêu gương, khoa học, nói đi đôi với làm…trong đó có phong cách quần chúng của Bác được thể hiện trong các lĩnh vực hoạt động của Người, từ nhận thức đến hành động, từ sinh hoạt đến ứng xử, từ đời sống riêng đến việc công.

Nói về phong cách Hồ Chí Minh, thì phong cách quần chúng là một trong những nội dung đặc đặc sắc nhất. Phong cách quần chúng của Bác Hồ bắt nguồn sâu xa từ truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc: “Nước lấy dân làm gốc”, từ sự thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin: “Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Chính nguồn gốc sâu xa đó đã tạo nên sức mạnh vô biên của quần chúng nhân dân mà Bác Hồ đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân…”

Phong cách quần chúng của Người cán bộ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh biểu hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy, “Cán bộ là người đem chính sách của Đảng, của chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng” (1). Để hoàn thành trách nhiệm của mình, theo Bác, cán bộ, đảng viên phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn vậy, trước hết phải yêu dân, kính dân, phải thân dân, gần dân để hiểu dân. Phải gắn bó với cơ sở, với thực tiễn, phải hành động theo phương châm “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên, đồng thời chính Người luôn là tâm gương mẫu mực về phong cách gần dân, có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với quần chúng nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tận dụng mọi cơ hội có thể để đến với dân. Người thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương, để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Điều đó trở thành một nhu cầu, một nếp sống, thành điều tâm niệm suốt đời của Người, từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, từ việc lớn đến việc nhỏ, Người đều thể hiện theo tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” (3), “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” (4). Theo tài liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉ trong 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Bác Hồ đã thực hiện trên dưới 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội... từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi năm có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần Người gặp gỡ quần chúng. Đó là một kỷ lục khó ai có thể vượt qua, nhất là đối với một lãnh tụ ở tuổi 70.

Hai là, Hồ Chí Minh yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải đi đúng đường lối quần chúng.

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh và vai trò quyết định của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: "Trong bầu trời, không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” (5). “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là của sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào” (6).  Người thường nói: "Nước lấy dân làm gốc", "Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". Bác thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân”(7).  Người thường xuyên căn dặn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân. Phải sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nêu cao ý thức phục vụ Nhân dân; làm việc với thái độ khách quan, công tâm, kịp thời giải quyết những lợi ích chính đáng của quần chúng, nhân dân; đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong cách quần chúng không chỉ là phong cách cần thiết của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với dân, mà còn cần thiết trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường. Đối với người lãnh đạo cấp trên, hiểu dân và hiểu cấp dưới đều có tầm quan trọng đặc biệt. Hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân được đầy đủ hơn. Càng hiểu dân và càng hiểu cấp dưới, người lãnh đạo càng hiểu chính mình và càng rút ra được những điều bổ ích để bổ sung cho chủ trương, chính sách đã được đề ra.

Ba là, cán bộ, đảng viên phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí minh chỉ rõ: “ Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng…Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên bỏ đi hoặc sửa lại…” (8).

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, điều gì có lợi cho nhân dân, cho dân tộc thì điều ấy là chân lý và với Người, phục vụ Nhân dân chính là phục tùng chân lý; cán bộ, công chức phải làm “công bộc” cho dân và đó là một việc làm cao thượng. Người nhấn mạnh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(9). Người chỉ rõ: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ gía trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” (10).

Chủ tịch Hồ Chí Minh  luôn nhắc nhở, cán bộ, đảng viên phải luôn ghi nhớ người dân chính là chủ nhân tối cao của chế độ mới: “Chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do dân làm chủ” (11), “Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân; tổ chức, giáo dục, động viên nhân dân xây dựng cuộc sống mới” (12). Dân chủ  cũng có nghĩa là các cơ quan đảng và Nhà nước là tổ chức được dân ủy thác làm công vụ cho dân, công chức nhà nước cũng là những người được dân ủy thác làm công vụ cho mình. Do vậy, họ phải vì lợi ích chung mà gánh vác việc dân, trung thành tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân giống như những người lính vâng lệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ. Người viết: “Người xưa thường nói: Quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một một đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cúng đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết thảy” (13).

Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “từ nơi quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”.

Người đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt "làm quan cách mạng", "quan nhân dân", không thấy mình là đày tớ, người học trò của nhân dân. Bác đã nêu ra một quan điểm rất rõ: không phải cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình.

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Làm cho dân kính, dân yêu, dân tin, dân phục là vấn đề thuộc về lòng người. Nếu cứ ỷ vào quyền lực chỉ có thể làm cho người ta sợ, ngại, xa lánh và khinh ghét chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của người khác. Nhân dân từ già đến trẻ thuộc mọi tầng lớp, dân tộc, mọi thế hệ đều gọi Hồ Chí Minh bằng hai tiếng: Bác Hồ. Bởi, Bác đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Mọi nghi thức đối với Người đều trở thành không cần thiết.

Với phong cách quần chúng, tác phong gần dân, Người đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Tác phong đó đã làm cho vị lãnh tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc, tạo nên sức hút kỳ lạ. Vì vậy, mọi người có thể nói hết những trăn trở, suy nghĩ của mình với Người. Qua đó, Người có thể hiểu được thực tế cuộc sống của nhân dân để đưa ra những chủ trương đúng đắn hợp với lòng dân, tạo nên sự phát triển của đất nước.

Phong cách quần chúng của Bác là bài học, là chuẩn mực. Vì vậy, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,  nhất là phong cách quần chúng, là bổn phận, danh dự của những người cán bộ, đảng viên tâm huyết với Đảng, với nhân dân. Đó là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng người cán bộ cách mạng vừa “hồng” vừa “chuyên”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho Đảng thật sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi toàn diện công cuộc đổi mới và phát triển bền vững đất nước.

Chú thích:

(1), (2), (3)… (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, HN, 2011.


Số lượt người xem: 1110    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm