SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
7
9
3
1
1
Tin tức sự kiện 19 Tháng Tư 2018 8:40:00 SA

Lê-nin và "Luận cương Tháng Tư" lịch sử

 

Sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917, ở Nga tồn tại tình trạng hai chính quyền song song, một bên là Chính phủ lâm thời tư sản (chuyên chế của giai cấp tư sản) và một bên là Xô-viết đại biểu công nhân và binh sĩ (chuyên chính vô sản). Những mâu thuẫn chính trị và kinh tế sâu sắc ở nước Nga lúc bấy giờ đòi hỏi phải tiến hành một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc đời sống chính trị nước này.

Ngày 16 tháng 4 năm 1917, từ nước ngoài, Lê-nin về tới Pê-tơ-rô-grat. Trong một cuộc họp của những người bôn-sê-vich được triệu tập ngay ngày hôm sau đó, Lê-nin đã trình bày luận cương nổi tiếng về những nhiệm vụ của giai cấp vô sản cách mạng. Sau này, luận cương đi vào lịch sử với tên gọi: Luận cương Tháng Tư.

Luận cương Tháng Tư thực chất là một văn kiện mang tính chất cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu "Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết". Hội nghị lần thứ VII toàn Nga (Tháng 4-1917) của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga (B) đã nhất trí thông qua đường lối do Lê-nin đề ra.

Luận cương Tháng Tư xác định chiến lược và sách lược của Đảng trong hoàn cảnh lịch sử mới trên cơ sở phân tích chính xác, khách quan quá trình phát triển lịch sử, mối quan hệ giữa các lực lượng giai cấp trong nước. Ở đây, Lê-nin đã trình bày một kế hoạch cụ thể đấu tranh chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lê-nin lên án Chính phủ lâm thời lúc bấy giờ chỉ bảo vệ quyền lợi của bọn tư sản, địa chủ; chiến tranh vẫn là chiến tranh xâm lược và ăn cướp như trước. Đấu tranh cho hòa bình, dân chủ thật sự, Lê-nin nêu ra những khẩu hiệu hành động: "Tuyệt đối không ủng hộ Chính phủ lâm thời", "Toàn bộ chính quyền về tay các Xô-viết". Lê-nin giải thích rằng, chỉ có chính quyền Xô-viết mới đem lại hòa bình cho nhân dân, ruộng đất cho nông dân và bánh mì cho người đói. Lê-nin còn nhận định rằng, lúc này chưa thể kêu gọi lật đổ Chính phủ lâm thời vì nó còn được các Xô-viết ủng hộ, mà các Xô-viết thì lại chiếm được lòng tin của quần chúng. Lê-nin chủ trương kiên trì lôi kéo những người lao động về phía mình, chiếm được đa số ghế trong các Xô-viết, biến nó thành các Xô-viết bôn-sê-vich. Trong điều kiện đó, chính quyền có thể chuyển sang tay công nhân và nông dân bằng con đường hòa bình.

Lê-nin chỉ ra rằng, thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa phụ thuộc vào khối liên minh vững chắc giữa công nhân và nông dân nghèo khổ nhất. Lê-nin nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải mở rộng công tác tuyên truyền, giải thích và vận động trong quần chúng nhân dân.

Trong lĩnh vực kinh tế, Lê-nin xác định nhiệm vụ của Đảng là đấu tranh để tịch thu tài sản của địa chủ, quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất trong nước, thủ tiêu hoàn toàn chế độ về tư hữu ruộng đất và trao ruộng đất cho Xô-viết đại biểu cố nông và bần nông. Lê-nin còn đề nghị thiết lập chế độ kiểm soát của công nhân đối với các nhà máy, đối với toàn bộ hoạt động sản xuất của xã hội và đối với việc phân phối sản phẩm.

Lê-nin còn yêu cầu phải thống nhất tất cả các ngân hàng trong nước và đặt dưới quyền kiểm soát của Xô-viết  đại biểu công nhân và binh sĩ.

Lê-nin đề nghị triệu tập Đại hội Đảng, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản, sửa đổi cương lĩnh của Đảng, vì đến lúc này có nhiều điều trong đó đã thực hiện rồi.

Sau cuộc khủng hoảng chính trị ở nước Nga (tháng 7-1917), Lê-nin buộc phải lánh về vùng Pazliv cách Pê-tơ-rô-grat (nay là Peterburg) 34 kilômet để tránh sự truy lùng của Chính phủ lâm thời. Tại nơi hoạt động bí mật, Lê-nin vẫn thường xuyên chỉ đạo phong trào cách mạng nước Nga.

Đầu tháng 8 - 1917, Đại hội lần thứ VI Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga họp bán công khai ở Pê-tơ-rô-grat. Lê-nin tuy không tham dự, nhưng vẫn lãnh đạo Đại hội thông qua đường lối khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Đầu tháng 10 - 1917, Lê-nin từ Phần Lan bí mật trở về Pê-tơ-rô-grat.

Ngày 23 -10- 1917, kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của Lê-nin được Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua.

Tối ngày 6-11-1917, Lê-nin đến cung điện Smolnưi trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa.

Rạng sáng ngày 7-11-1917, toàn thành phố Petersbourg nằm trong tay lực lượng khởi nghĩa,

Đêm ngày 7-11-1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã hoàn toàn thắng lợi. Chính quyền đã về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời. Tại Đại hội các Xô-viết toàn Nga lần thứ II, Lê-nin được bầu là Chủ tịch Hội đồng các Ủy viên nhân dân (Hội đồng Dân ủy).

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức, có ảnh hưởng to lớn đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam.

Luận cương Tháng Tư của Lê-nin rõ ràng là một văn kiện có tính cương lĩnh, soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản Nga trong những điều kiện lịch sử mới dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.


Số lượt người xem: 9729    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm