Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội (Nghị quyết 54 của Quốc hội) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, để phát triển thành phố nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước, từng bước giải quyết có cơ sở khoa học và thực tiễn các thách thức lớn đối với sự phát triển của thành phố trong 30 – 50 năm tới.
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, diện tích chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số chiếm hơn 9% dân số cả nước, song đóng góp gần 22% kinh tế (GDP) và khoảng 28% tổng thu ngân sách cả nước. Tăng trưởng kinh tế thành phố trong 30 năm đổi mới bình quân 10,7%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động của thành phố gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước.
Kết quả phát triển cao của thành phố do tác dụng tổng hợp của nhiều yếu tố, nổi bật là: Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại nhất cả nước (từ năm 1976, cơ cấu công nghiệp và dịch vụ đã chiếm trên 90% kinh tế thành phố và từ năm 2015 chiếm hơn 99%); lao động thành phố có trình độ thuộc nhóm cao nhất cả nước; thành phố có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước (chiếm 34% tổng số doanh nghiệp cả nước); thành phố có lực lượng kinh tế tư nhân lớn nhất cả nước (vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chiếm gần 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố năm 2016); thành phố là trung tâm tài chính lớn nhất cả nước; năng suất lao động của thành phố cao nhất cả nước; thành phố có truyền thống năng động, sáng tạo, đổi mới…
Trong xu hướng phát triển của thành phố với đặc thù của một đô thị đặc biệt, đang trên đường trở thành một siêu đô thị (dân số trên 10 triệu người, bình quân 7 - 8 năm dân số tăng 1 triệu người; mật độ dân số gấp 15 lần bình quân cả nước; cường độ kinh tế (GDP/km2 ) gấp 34 lần cả nước); là một đô thị biển lớn, cuối sông, chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương; là địa phương có tỉ lệ nộp ngân sách Trung ương trong tổng thu ngân sách trên địa bàn thuộc loại cao nhất cả nước và tỉ lệ được giữ lại để phát triển vào loại thấp nhất cả nước (18,2% tổng thu ngân sách trên địa bàn).
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, phát triển thành phố đã bộc lộ sự giảm tốc, thậm chí tụt hậu so với cả nước ở một số lĩnh vực (thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu, tính hấp dẫn của môi trường cạnh tranh), các yếu kém về giao thông, ngập nước, chất lượng môi trường có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ gia tăng người nghiện ma túy cao nhất và số vụ án được xét xử ở thành phố nhiều nhất cả nước (chiếm khoảng 16% cả nước trong khi dân số chỉ chiếm hơn 9% dân số cả nước).
Để khắc phục hiệu quả các khó khăn kéo dài nói trên, thì Nghị quyết 54 của Quốc hội chính là một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, vừa quy định khác với pháp luật hiện hành trên 5 lĩnh vực, vừa tuân thủ nghiêm Hiến pháp 2013.
Nghị quyết 54 của Quốc hội xác định 8 đối tượng áp dụng là: Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực liên quan đến quản lý nhà nước của thành phố - các nội dung cốt lõi của cơ chế, chính sách đặc thù, Nghị quyết 54 của Quốc hội còn xác định trách nhiệm của Chính phủ trong thời gian tới:
1. Tổ chức thực hiện Nghị quyết này; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với thành phố cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề chưa phân cấp, phân quyền cho thành phố;
2. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý ngân sách; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách cho phù hợp với yêu cầu của việc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; thực hiện chính sách động viên hợp lý; bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn bền vững; xác định tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý, tạo điều kiện cho Thành phố có nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững theo định hướng của Đảng, Nhà nước;
3. Chỉ đạo Thành phố sơ kết, tổng kết để báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội.
4. Xây dựng dự thảo, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Các nội dung 2 và 4 không chỉ có ý nghĩa với riêng Thành phố mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của cả nước trong thời gian tới.