Sáng ngày 19/4/2018, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 5, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Quận đoàn 5, Hội Chữ thập đỏ, Phòng Tư pháp, Phòng Y tế, Hội Luật gia, Bệnh viện Quận 5, Trung tâm Y tế tổ chức họp mặt kỷ niệm 38 năm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4/1980 - 18/4/2018). Đến dự có ông Trương Canh Ba – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5, đại diện lãnh đạo các ban ngành đoàn thể quận, lãnh đạo 15 phường và trên 200 đại biểu là người khuyết tật trên địa bàn quận.
Giao lưu các gương người khuyết tật vượt khó
Theo thống kê, số người khuyết tật trên địa bàn quận là 1.495 người, đã xác định mức độ khuyết tật 1.460 người, trong đó có 204 người khuyết tật đặc biệt nặng, 902 người khuyết tật nặng, 354 người khuyết tật nhẹ. Hiện toàn Quận 5 có 1.302 người khuyết tật đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng, trong đó hỗ trợ kinh phí cho 196 hộ gia đình chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng. 100% người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hàng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Trong năm qua, các cơ quan chức năng của quận đã tổ chức chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật như giới thiệu phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ chỉnh hình trợ giúp cho 686 lượt người khuyết tật, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho 343 người khuyết tật. Tổ chức thăm và khám sức khỏe cho 161 người khuyết tật tại Trạm Y tế 15 phường và tại nhà cho những người khuyết tật đặc biệt nặng. Hoạt động khám sức khỏe định kỳ cho người khuyết tật bằng thẻ bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, Phòng LĐTBXH, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Bệnh viện Quận 5 đã phối hợp tổ chức truyền thông chuyên đề về khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàn lọc thai nhi trước khi sinh nhằm để phát hiện điều trị kịp thời, can thiệp sớm đới nới thai nhi khuyết tật trong bụng mẹ.
Quận luôn quan tâm, tạo điều kiện để trẻ khuyết tật tiếp cận các dịch vụ giáo dục. Có 69 trẻ khuyết tật trên địa bàn Quận 5 được tiếp cận giáo dục, trong đó bậc học mầm non là 2 trẻ, cấp tiểu học là 39 trẻ, cấp trung học cơ sở là 28 trẻ. Trường Chuyên biệt Tương Lai Quận 5 tiếp nhận 120 học sinh khuyết tật và dạy kỹ năng cho các em khuyết tật. Tổ chức tập huấn cho giáo viên để việc chăm sóc, giáo dục trẻ hòa nhập đạt kết quả tốt. Để trợ giúp cho người khuyết tật học văn hóa, trường còn trang bị máy trợ thính, mỗi lớp có trang bị đầu đĩa, ti vi, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập cho người khuyết tật.
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 5, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Quận đoàn 5, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động TBXH, Hội Luật gia và Ủy ban nhân dân 15 phường đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý, tiến hành trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định, nhất là đối tượng người khuyết tật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật.
Tư vấn pháp luật cho ngươi khuyết tật
Kỷ niệm 38 Ngày Người khuyết tật” năm 2018, các ban ngành, đoàn thể quận và 15 phường đã tổ chức nhiều hoạt động như: tuyên truyền pháp luật về người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội; Trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho người khuyết tật trên các lĩnh vực pháp luật về dân sự, hình sự, lao động, hôn nhân và gia đình, chính sách đối với người khuyết tật. thăm và tặng 285 phần quà tại Trường Chuyên biệt Tương Lai và Hội người mù Quận 5 và 15 phường với kinh phí gần 69 triệu đồng; tổ chức các hoạt động thăm và khám sức khỏe cho người khuyết tật tại 15 phường; giao lưu văn hóa, hội diễn văn nghệ dành cho người khuyết tật; tổ chức gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm của người khuyết tật. Tại buổi họp mặt, các đại biểu còn được giao lưu với các gương người khuyết tật vượt khó, với nghị lực phi thường, vượt lên trên số phận vươn lên trong học tập, trong cuộc sống để thực hiện mong ước, hoài bão để có cuộc sống tốt hơn, góp sức mình cho gia đình và xã hội.
Đợt hoạt động nhằm kỷ niệm 38 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1980 – 18/4/2018). Đây cũng là dịp nâng cao kiến thức pháp luật về người khuyết tật cho người khuyết tật, cộng đồng và xã hội; chăm lo cho người khuyết tật, tạo điều kiện để họ tiếp cận các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các dịch vụ chăm sóc. Đồng thời, động viên người khuyết tật vượt qua khó khăn, hòa nhập cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.