SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
7
6
3
1
5
Tin tức sự kiện 21 Tháng Năm 2018 8:45:00 SA

Trăn trở mùa hè!

 

Một mùa hè lại đến, với những cành hoa phượng đỏ rực rỡ sân trường. Ai cũng đã từng đi qua tuổi học trò, nên dẫu cuộc sống vất vã bon chen, thoảng khi bất chợt bắt gặp lại màu hoa phượng đỏ, tất thảy đều thấy lòng chùng lại với chút bâng khuâng, tiếc nhớ về một thuở học trò hồn nhiên, thơ dại…

Nhà thơ Đỗ Trung Quân – một cựu thanh niên xung phong – với bài thơ “Chút tình đầu” - được Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài hát “Phượng Hồng” – mở đầu bằng hai câu thơ:

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng

Em chở mùa hè của tôi đi đâu?

Như vậy, hoa phượng và mùa hè gắn liền với tuổi học trò, và dễ dàng tìm thấy trong thơ, trong nhạc…. điều đáng tiếc là thực tế hiện nay, đô thị chật chội, không ít ngôi trường thiếu hẳn sân chơi và một chút không gian để trồng cây hoa phượng. Ở Quận 5, hoa phượng chỉ còn tồn tại rất ít ở những trường lớn như Lê Hồng Phong, Trần Khai Nguyên… Có những ngôi trường vắng hẳn màu hoa phượng khi hè về. Chắc hẳn, những học sinh từ những ngôi trường này lớn lên, không hiểu, không luôn cảm nhận và rung động trước những nốt nhạc “Phượng hồng”. Phải chăng, đây là một lỗ hổng trong khung trời tuổi học trò hiện nay, hay nói khác đi, ngành giáo trong nhiều năm dài chỉ mãi mê chạy theo thành tích, nặng phần dạy chữ, lơ là việc giáo dục tâm hồn cho các thế hệ học trò?

CÓ HAY KHÔNG NHỮNG MÙA HÈ TRỌN VẸN?

Với nhiều trẻ em bây giờ, mùa hè chỉ có nghĩa là… học ở chỗ khác! Học nhiều thứ: học trước chương trình của năm sau, học năng khiếu theo… ý thích của cha mẹ. Học trò học hè, thầy cô cũng tranh thủ dạy hè. Nghỉ hè bỗng dưng trở thành một học kỳ trong một dạng thức khác, với học sinh ở các vùng đô thị, trong khi cuộc sống của các em vốn dĩ đã bị dồn ép trong một không gian phố xá chật chội, đông đặc giữa người và xe cộ, khói bụi ô nhiễm và tiếng ồn. Từ đây, không ít các em đã chọn con đường trốn vào “không gian ảo” để xả “xì trét”, lâu dần sinh ra nghiện game, hoặc tiêm nhiễm những thứ độc hại không phù hợp với lứa tuổi của mình.

Cần nhớ, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là ưu tiên chăm lo cho thanh thiếu niên, nhi đồng – là lứa tuổi học trò. Ngân sách hàng năm của Chính phủ căng thẳng đến mấy cũng không cắt xén vào các khoản chi giáo dục. Mục đích cuối cùng của giáo dục là dạy dỗ các em nên người, hữu ích cho xã hội và cộng đồng. Con người đúng nghĩa thời nay cần có tri thức, nhưng cần hơn nữa là có tâm hồn, hướng thiện, biết xúc cảm, cảm thụ được những sắc màu và ý nghĩa của cuộc sống xung quanh. Học như  điên, liên tục và miệng hô ra rả khẩu hiệu “Dạy tốt – Học tốt” dường như là chuyện đã xưa hơn nửa thế kỷ trước, nhưng hài hước thay, vẫn còn lẩn quẩn trong những ngôi trường hôm nay.

Thời đại đang thay đổi rất nhanh, và ngành giáo dục gần đây cũng có những thay đổi, như “giảm tải”, như hạn chế dạy văn theo “bài văn mẫu”… nhưng chẳng thấm vào đâu, so với nhu cầu xã hội đòi hỏi ngành giáo dục phải thích nghi. Thầy dạy hay – Trò học giỏi, vẫn có vẻ thực tế hơn “Dạy tốt – Học tốt” chẳng hạn! và không thể đạt tới thực tế này nếu sau một năm học dài, cả thầy lẫn trò không có được một kỳ nghỉ hè trọn vẹn để phục hồi trí lực, thông qua những hoạt động khác ngoài việc dạy và học.

THAO THỨC NỖI NIỀM “TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO”…

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao chuyện cô giáo dạy tiếng Anh mắng học trò “Mặt người, óc lợn”, xưng hô “mày, tao” với học viên ở một trung tâm ngoại ngữ. Trung tâm đã bị tạm dừng hoạt động, bị phạt tiền… nhưng người ta vẫn bàn luận vấn đề tư cách đạo đức của nghề giáo.

Quả thật, sau khá nhiều vụ việc như cô giáo phạt học trò uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng, phụ huynh… phạt cô giáo quỳ gối, thầy giáo bị phụ huynh vác dao rượt chạy giữa sân trường… bỗng thấy xót xa đến hỡi ơi! Nghề giáo vốn là một nghề cao quý, từ ngàn xưa được xếp thứ bậc “Quân – Sư – Phụ”, tức là chỉ ở dưới vua, còn ở trên cả cha mẹ. Công lao của người thầy là không kể hết, do khai mở tri thức, giáo huấn đạo đức cho biết bao lớp trẻ nên người hữu dụng. Thế nên “Nhất tự vi sư – Bán tự vi sư”, dạy một chữ hay nửa chữ, vẫn là thầy, vẫn phải được tôn kính. Sự xuống cấp đạo đức xã hội là đáng báo động, khi đang có các biểu hiện xâm hại đến học đường, gây ô nhiễm môi trường giáo dục.

Thực tế đây đó vẫn có những thầy, cô thiếu đạo đức, hoặc ứng xử thiếu tư cách… nhưng phải thấy điều lớn hơn: hàng trăm ngàn thầy, cô giáo khác vẫn ngày ngày cần mẫn trước bảng đen phấn trắng để dạy hàng triệu học sinh cả nước, trong đó không ít thầy cô xả thân sống đời heo hút tận rừng núi xa xôi, lặn lội đường xa cách trở để làm trách nhiệm cao cả của người thầy, dạy dỗ và yêu mến những bầy trẻ thơ bằng cả tấm lòng, mặc cho dòng đời bon chen, vượt qua hoàn cảnh riêng nhiều khốn khó do tiền lương ít ỏi. Những cuộc đời không màng danh lợi, mài mòn tuổi trẻ theo viên phấn viết trên bảng đến tận khi gối mỏi, tay run quả thật là vô cùng đáng để cả xã hội tôn trọng, kính nhớ.

Rất cần mỗi người trong chúng ta hôm nay chung tay, gìn giữ nét đẹp tôn sư trọng đạo, vốn là một niềm tự hào của dân tộc Việt ngàn năm văn hiến. Trong mỗi gia đình, các em rất bị ảnh hưởng bởi cách nhìn nhận vấn đề từ cha mẹ, sẽ không thừa khi từ bé, được dạy dỗ lòng tôn kính thầy cô, sau này lớn lên, chính các em sẽ lại góp sức bảo vệ truyền thống tốt đẹp này.


Số lượt người xem: 1143    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm