SỐ LƯỢT TRUY CẬP

3
0
9
7
5
8
4
4
Tin tức sự kiện 28 Tháng Năm 2018 2:50:00 CH

Phong cách viết báo, làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, chúng ta thêm nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người vừa là nhà sáng lập Đảng, Nhà nước; vừa là người sáng lập nền báo chí cách mạng của đất nước. Những điều tổng kết quý báu về tư tưởng phong cách làm báo của Người vô cùng thực tiễn và phong phú và tươi mới; học và tìm được nhiều chỉ dẫn thiết thực từ tấm gương đạo đức và phong cách viết báo, làm báo của Người,  góp phần thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong nghề báo, trong ngành báo nói chung cũng như mỗi nhà báo nói riêng.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội xung kích trong công tác tư tưởng. Ngay từ năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của dân tộc đồng thời là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã từng dạy trong Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng : “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”. 10 năm sau, ngày 16/4/1959, tại Đại hội lần thứ II – Hội nhà báo Việt Nam, Bác Hồ lại nhắc nhở: “Báo chí của ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân. Mục đích của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hoà bình thế giới. Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ… nên có đặc điểm riêng của nó” (1). Người khẳng định: “Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”, “Đường lối chính trị đúng thì những việc khác  mới đúng được” (2). Đường lối chính trị đúng là ngọn đuốc soi sáng cho báo chí cách mạng thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình. Không thể có báo chí đứng ngoài chính trị, phi chính trị. Đường lối chính trị đúng là điểm gốc của mọi hoạt động của báo chí cách mạng.

Để có đường lối chính trị luôn đúng, đều tất yếu là chúng ta phải thường xuyên học tập, vận dụng phong cách viết báo và làm báo của Bác:

Thứ nhất, viết báo phải có căn cứ: Đây là yêu cầu trước hết phải đảm bảo. Bác căn dặn: “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Bác yêu cầu người viết báo phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, phải có căn cứ để thuyết phục. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán, mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ. Nếu không như thế thì không nên viết.

Thứ hai, viết cho sát đối tượng: Chúng ta đều nhớ lời Bác dạy: “Bao giờ cũng phải tự hỏi:Viết cho ai xem, nói cho ai nghe? Nếu không như vậy thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem” (3). Sinh thời, đối với đồng bào, chiến sỹ ta, Bác viết thật giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Bác dặn:  “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sỹ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được” (4).  Song, đối với các học giả và chính khách quốc tế, Bác viết một cách uyên bác, lập luận khoa học, chặt chẽ, thuyết phục. Thực hiện lời của Bác trong nghề báo hôm nay, chúng ta phải thấy trình độ của người đọc đã cao hơn nhiều so với trước; bài báo phải có cơ sở thực tiễn và khoa học mới đạt được tính thuyết phục cần thiết cho đối tượng.

Thứ ba, viết ngắn gọn, giản dị: Đây là đặc trưng nổi bật của văn phong báo chí và ngôn ngữ  cũng như cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho bất cứ đối tượng nào, kể cả những bài viết chính luận, cho đối tượng có học thức, tuy mức độ có khác nhau. Bác căn dặn: “Nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác” (4). Viết được ngắn không dễ, phải đi thẳng vào nội dung, không lang mang khoe chữ làm ra vẽ nhiều kiến thức. Khắc phục được nhược điểm này sẽ đạt được sự giản dị, thiết thực khi viết báo.

Thứ tư, viết sinh động, lôi cuốn: Đây là một nhu cầu thường xuyên để thu hút người đọc. Muốn vậy,  theo phong cách của Bác, viết cần dùng hình ảnh, lối ví, như: chủ nghĩa đế quốc như “con đỉa hai vòi”, có đức mà không có tài  thì chỉ như “ông bụt ngồi trên chùa” không giúp gì được ai. Có thể dùng thơ hoặc diễn ca nếu phù hợp, ví dụ: “Việt –Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Thứ năm, viết thẳng thắn, có tính chiến đấu: Làm báo là tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng bằng những thông tin chọn lọc, có căn cứ, phê bình những thói hư tật xấu trong sinh hoạt xã hội và xây dựng đạo đức mới. Việc này đòi hỏi người viết báo phải có bản lĩnh nghề nghiệp, dám bảo vệ cái đúng, không uốn cong ngòi bút. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về phong cách thẳng thắn, nêu cao tính chiến đấu với chủ nghĩa đế quốc    phê bình đồng chí của mình. Bác còn thể hiện tính thẳng thắn với chính mình, mỗi khi có việc làm chưa tốt, Bác nhận trách nhiệm tự phê bình đàng hoàng, do đó càng được tôn trọng, tin yêu.

Thứ sáu, khiêm tốn sửa bài của mình: Điều này thật giản dị nhưng một số người viết không muốn sửa mạnh tay những trang viết ra: Bác Hồ, ngay từ đầu đã là một tấm gương khiêm tốn khi được sửa những bài viết của mình. Lúc tập viết những tin bài đầu tiên trên báo Pháp, Bác kể lại: “Đấy, tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí đăng cho, tôi không có tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm” (5). Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, hoạt động báo chí của mình, do luôn nắm vững đối tượng và mục đích viết nên Người viết gì cũng đưa cho một đồng chí xem lại, chữ nào khó hiểu thường các đồng chí bảo cho mình sửa”  (6).

Thứ bảy, điều nhất thiết là cán bộ báo chí phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng: Bác Hồ -với tư cách là một nhà báo cách mạng luôn đòi hỏi nhà báo cách mạng không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải có đạo đức tốt và trong sáng. Người nói: Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (7). Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, vì báo chí là để “phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ” (8). Không chỉ có thế, người làm báo còn phải luôn nâng cao trình độ văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình để “phò chính trừ tà”.

Bác yêu cầu cán bộ báo chí phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng mà trước hết là phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén nó giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ” và phải “Phê bình với một tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người”. 

Thứ tám, để báo chí luôn xứng đáng là diễn đàn của nhân dân, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng: Hơn bao giờ hết, đòi hỏi hệ thống báo chí phải không ngừng nâng cao chất lượng và nội dung và hình thức. Người khẳng định: “Một tờ báo không được  đa số “dân chúng” ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo, phải làm thế nào cho báo có nhiều người xem. Để có một tờ báo hay, có ý nghĩa, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của những người viết báo còn phải có sự hợp tác chặt chẽ của những người in báo, sửa báo, phát hành báo…Người nói “trong nghề báo có nhiều ngành khác, như ngành in mà các cô chú thích nói chữ là ngành “ấn loát”, cũng rất quan trọng. Bởi vì có những lúc không cẩn thận, in thiếu nét, thiếu dấu hoặc in mờ không rõ. Người viết bài lại thích dùng chữ, như gọi người đánh cá là “ ngư dân”, rồi người in lại in thiếu cái dấu ở chữ ư hóa ra “ngu dân”. Đấy chỉ là một ví dụ để thấy rằng việc in cũng phải làm cho tốt. Việc phát hành cũng rất quan trọng…Trong công tác, người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, vv..., đều phải ăn khớp nhau.

Nghề báo là một nghề khó, do vậy đòi hỏi mổi người làm báo phải có ý chí tự cường, tự lập, cố gắng vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kinh nghiệm quá trình cầm bút của Bác là: “Không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”.

Tóm lại, viết báo theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là viết một cách dung dị, dễ hiểu, đề cập đến những vấn đề cụ thể, thiết thân của cuộc sống, của quốc gia bằng ngôn ngữ Việt trong sáng; Làm báo theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Mình là thực hiện nhiệm vụ của một người chiến sỹ cách mạng, là tu dưỡng, rèn luyện tính chiến đấu, thái độ trung thực, tấm lòng trong sáng, chân thành...

Ngày nay, với cuộc cách mạng “báo chí 4.0”  đang điều chỉnh không gian sống của đông đảo công chúng và người làm báo phải làm chủ công nghệ để truyền tải thông tin thật nhanh và thật chính xác. Nhưng, cuộc cách mạng “báo chí 4.0” không thể thay đổi được cái tâm. Nhà báo được xã hội tin cẩn, được mệnh danh là người đại diện cho công bằng, lẽ phải, là tai mắt của nhân dân, là người có trọng trách thông tin định hướng dư luận, khơi chiều suy nghĩ và hành động cho công chúng...thì càng phải rèn tâm, luyện đức, phải lấy cái đức làm gốc của nghề nghiệp, cái tâm nhất quán phải soi sáng trong từng tác phẩm báo chí. Bởi vì, ở đó là ngôn từ là phương tiện phản chiếu cái tâm, cái đức của người viết-tâm phải cao, đức phải sáng. Suy cho cùng, báo chí  phải phục vụ hết mình cho sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, công cuộc phát triển đất nước, vừa bảo vệ bình yên xã hội, bình yên dưới những nếp nhà, bình yên trong lòng người.

Chú thích:

- (1 đến 8) xem Nguyễn Thành: Sự nghiệp báo chí của chủ tịch Hồ Chí Minh NXB KHXH, 1998, trang 170-173.

Xem thêm:

 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, tập 8, 12, 13.

- Đỗ Chí Nghĩa :  Nhà báo và sáng tạo báo chí trong tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014


Số lượt người xem: 1097    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
  • Video demo
Tìm kiếm